1. Một tối tháng Tám, 15 năm về trước, trên sân vận động mới toanh Jose Alvalade, lần đầu tiên các cầu thủ phòng ngự Man United được nếm mùi "địa ngục trần gian" từ đôi chân của chàng trai chạy cánh 18 tuổi với lọn tóc vàng phất phơ. Gầy gò, niềng răng, khoác trên người chiếc áo số 28, Cristiano Ronaldo khiến cả Roy Keane lẫn Ryan Giggs đều phải há hốc mồm trên băng ghế dự bị.
Trận đấu ấy, "cậu nhóc" Ronaldo khiến cho John O'Shea trở thành trò cười dài hạn của các đồng đội ở Man United suốt một thời gian dài, từ Roy Keane cho đến Rio Ferdinand, thậm chí còn đi vào tự truyện của hai đồng đội huyền thoại này. Trong tự truyện của mình, Sir Alex đã viết: "Một cái nhìn đau đớn và hoang mang lướt qua trên gương mặt O'Shea trong hiệp đấu đầu tiên".
"Giữ bạn bè ở gần, và giữ kẻ thù ở gần hơn", may mắn cho Man United, may mắn cho Sir Alex khi họ có được tên nhóc khiến cả đội phải hoang mang ngày ấy ở Old Trafford.
Nhưng dù sao đi nữa, Ronaldo ngày mới đến Man United thừa tài năng, thừa sự giải trí nhưng lại thiếu đi sự thực dụng. Những pha đi bóng lắt léo, gây sốt trên khán đài nhưng lại thường chậm nhịp hoặc dứt điểm không chính xác của Ronaldo từng khiến Old Trafford mất đi Rudd van Nistelrooy. Trung phong người Hà Lan không thể nuốt nổi những pha kiến tạo của cầu thủ trẻ người Bồ Đào Nha, và đấy là lý do anh cực ghét CR7.
Đấy cũng là lúc Sir Alex Ferguson "cho Ronaldo vào lò", để rồi trả lại một Ronaldo hoàn toàn mới, là đích đến của những đường chuyền cuối cùng, dù vẫn ra sân với vị trí bên cánh. Ronaldo phiên bản mới ở Old Trafford được tự do xâm nhập vào vòng cấm đối phương, với sự hi sinh của Rooney khi lùi xuống hỗ trợ hết mình.
Những màn trình diễn ấn tượng của Ronaldo trong màu áo Man United
Đây cũng là lúc Ronaldo bắt đầu làm quen với việc ghi bàn bằng đầu, cũng như dần hoàn thiện kỹ năng của một tiền đạo. Một "sát thủ" với hiệu quả kinh người xuất hiện.
Nhưng để hoàn thiện bản thân, phải kể đến một Ronaldo đến với Real Madrid. Ở Bernabeu, với vai trò tiền đạo đá rộng. Không còn một Ronaldo ham rê dắt, thay vào đó là một CR7 có thể kết thúc từ mọi vị trí, bên cạnh đó là một CR7 nhanh nhất, khỏe nhất, bật cao nhất ở Bernabeu với thể hình hoàn hảo như một nam thần.
Rồi Zidane đến, ở tuổi băm, Ronaldo lại thêm lần nữa "lột xác", để "cập nhật phần mềm". Anh ghi ít bàn hơn, nhưng "chất" hơn hẳn. Ba năm đồng hành cùng Zidane, Ronaldo lấy cho mình 3 chức vô địch Champions League, cùng Quả bóng Vàng thứ 5. Manuel Neuer, Jan Oblak, Gianluigi Buffon - những thủ môn hàng đầu thế giới đều đã làm nền cho những siêu phẩm của CR7.
Màn trình diễn của Ronaldo mùa bóng 2017/18
2. Suốt 3 trận bán kết và chung kết Champions League mùa giải qua, dẫu cho Real Madrid tiếp tục đoạt chức vô địch, nhưng người ta chẳng hề thấy bóng dáng của Ronaldo, thay vào đó là Benzema hay Gareth Bale. CR7 đã ở ngưỡng 33 tuổi, kỳ World Cup lần này sẽ là lần cuối cùng huyền thoại Bồ Đào Nha này còn chơi ở đấu trường lớn nhất thế giới này, phải chăng đã đến lúc anh hết thời?
Trong bình luận ngày hôm qua của mình về cậu học trò cũ, HLV Jose Mourinho nhận xét rằng: "Ronaldo ở Bồ Đào Nha khác với Ronaldo ở Real Madrid. Chúng tôi (đội tuyển Bồ Đào Nha) không có một Modric hay một Kross".
Mourinho nói không sai. Ở Real Madrid, dưới thời Zidane, cả thế giới đều được vận hành quanh Ronaldo. Đâu có riêng Modric hay Kross, mà còn là Benzema, Marcelo hay Vasquez... mọi đường bóng qua chân họ đều tìm đến Ronaldo, vì Ronaldo.
Cũng một ngày trước trận đối đầu nhau, đội trưởng ĐTQG Tây Ban Nha Sergio Ramos, cũng là đội trưởng Real Madrid bảo rằng anh muốn được chơi cạnh Ronaldo, hơn là phải đối đầu với siêu sao người Bồ Đào Nha.
Dẫu có nói gì đi nữa, thì Ramos cũng phải "giữ bạn bè ở gần, giữ kẻ thù ở gần hơn". Chẳng phải đối đầu trên sân đêm nay với Ronaldo, chính là Sergio Ramos đó sao. Nhưng khác với cuộc đối đầu cùng John O'Shea 15 năm về trước, lần này người phải dè chừng lại là Ronaldo.
Bởi chẳng những Sergio Ramos hiểu rõ Ronaldo "như lòng bàn tay", mà còn bởi đã 255 phút đối đầu nhau từ hai đầu chiến tuyến, Ronaldo chưa thể ghi được bàn thắng trước người đồng đội của mình ở Real Madrid.
Nhưng hãy nhớ rằng, đằng sau một Ronaldo "tịt ngòi" suốt cả 3 lượt trận bán kết và chung kết Champions League, là một Ronaldo bùng nổ dữ dội suốt mùa giải Champions League vừa qua, với 15 bàn thắng chỉ qua 10 trận, qua đó lập thêm hàng loạt các kỷ lục mới.
Và suốt 15 năm đằng đẵng vừa qua, cứ mỗi lần người hâm mộ bắt đầu mất niềm tin vào siêu sao người Bồ Đào Nha, là lại thêm một lần nữa anh chứng minh rằng họ đã sai.
World Cup là cơ hội lớn nhất, và cũng là cuối cùng để CR7 bùng cháy. Chức vô địch EURO 2016 là bước đệm cho niềm tin, khát vọng chứng tỏ rằng chủ tịch Perez đã sai khi cho rằng mình hết thời sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Ronaldo thêm lần nữa "hóa thân", có thể là một Ronaldo đồng đội hơn, vào vai "chim mồi", hay một Ronaldo biến hóa khôn lường trước Tây Ban Nha...
Dù cho thế nào đi nữa, chắc chắn World Cup lần này, và nhất là trận đấu gặp Tây Ban Nha đêm nay sẽ là nơi để Ronaldo bung toàn bộ sức lực, tâm huyết cho lần cháy cuối. Lần cuối bao giờ cũng đáng để chờ đợi, phải không nào?