Đại chiến Man United - Arsenal: Đẹp như Bergkamp, xấu như Nistelrooy, vô lại như Van Persie

Bát Vân |

Man United gặp Arsenal như màn đấu súng của hai gã cao bồi, nơi chỉ có một kẻ sống sót. Những người Hà Lan đã tạo nên dấu ấn không nhỏ cho cuộc đối đầu sinh tử ấy.

Thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước chứng kiến sự lên ngôi của dòng phim cao bồi miền viễn Tây tại kinh đô điện ảnh thế giới, Hollywood. Hàng loạt những bộ phim về những tay cao bồi bụi bặm, với khẩu súng giắt lưng và cây roi da giắt bên hông rong ruổi trên lưng ngựa được ra đời.

Kinh điển nhất, không thể không nhắc tới ba phần phim của đạo diễn kiêm diễn viên gạo cội Clint Eastwood. Phần cuối cùng của loạt phim được ra mắt năm 1966, với tựa đề "Người tốt, Kẻ xấu và Tên vô lại" được đánh giá là bộ phim cao bồi hay nhất mọi thời đại.

Bộ phim nói về hành trình truy tìm hòm tiền có trị giá 200.000 USD của ba gã đàn ông không có tên, chỉ được gọi bằng những cái biệt danh: "Người tốt" Blondie, "Kẻ xấu" Eagle Eye và "Tên vô lại" Tuco.

Đại chiến Man United - Arsenal: Đẹp như Bergkamp, xấu như Nistelrooy, vô lại như Van Persie - Ảnh 1.

1. "Chạm bóng! Xoay người! Bàn thắng này nên được tua chậm, lồng vào đó một bản nhạc cổ điển thật du dương rồi cất vào trong viện bảo tàng. Để mọi người đều được chiêm ngưỡng, làm thơ bằng hình ảnh như thế nào".

Đó là lời cảm thán của cựu tiền đạo tuyển Anh và Arsenal - Ian Wright. Khiến ngay cả huyền thoại như Ian Wright phải thốt lên những lời như thế, thì bàn thắng đó hẳn phải là một tuyệt tác. Bàn thắng được nói đến ở đây là pha ghi bàn vào lưới Newcastle trên sân St James Park vào tháng 3/2002.

Cũng không khó để đoán ra ngay chủ nhân của bàn thắng - Dennis Bergkamp với pha xử lý xứng đáng được xếp vào hàng thiên tài. Như một CĐV Arsenal từng nói "bóng đến chân Bergkamp tức là đã có bàn thắng rồi đấy".

Trước khi Bergkamp đến với Arsenal, nước Anh chỉ có một màu đỏ của Man United. Sau khi anh cập bến sân Highbury, các Pháo thủ trở thành đối trọng chính với Quỷ đỏ trong cuộc đua đến ngôi vô địch.

Nói về tài năng chơi bóng của Dennis Bergkamp, sử dụng từ ngữ có lẽ sẽ là sự xúc phạm. Thay vào đó, thử nghe lời tâm sự của một cầu thủ: "Một lần, tôi tình cờ được xem buổi tập của Dennis với một chú nhóc chừng 15, 16 gì đó. Họ tập chuyền và sút bóng.

Buổi tập dài khoảng gần một tiếng, thế mà mọi đường bóng của Dennis đều hoàn hảo hết. Anh ấy thậm chí còn chả mắc một lỗi nhỏ nào. Xử lý, chuyền bóng rồi sút, mọi thứ đều chính xác 100%. Tôi chỉ biết ngồi đực ra và quan sát, chờ đợi anh ấy mắc lỗi. Nhưng điều đó không bao giờ tới.

Buổi tập đó đã khai sáng cho tôi rất nhiều thứ. Tôi chuyền bóng không tồi chút nào. Nhưng để đạt đến trình độ của Dennis thì còn rất xa".

Bạn có biết đó là ai không? Xin thưa, tên anh là Robin van Persie.

Không quá khi nói Dennis Bergkamp là hiện thân cho những gì đẹp đẽ và tinh túy nhất của bóng đá. Người ta còn nhớ tới anh với phong cách của một quý ông đá bóng, giống như tính cách hào sảng của nhân vật Blondie.

Đại chiến Man United - Arsenal: Đẹp như Bergkamp, xấu như Nistelrooy, vô lại như Van Persie - Ảnh 3.

Dennis Bergkamp là một trong những cầu thủ hiếm hoi giành được thiện cảm của tất cả những người đã từng tiếp xúc với anh. Trên sân, anh không bao giờ chơi xấu đối phương, cũng không bao giờ chơi bóng ích kỷ. Ngoài sân cỏ, anh như một vị thánh sống trong lòng các CĐV cũng như chưa từng để lại điều tiếng không hay nào.

Ngay cả một người khó tính như HLV Louis van Gaal cũng phải dành tặng Bergkamp những lời có cánh. Và kể cả khi không được trọng dụng ở Inter, anh cũng chọn cách êm đẹp nhất là ra đi.

Vì thế, không ngạc nhiên khi sau tuyên bố treo giày với trận đấu kỷ niệm đầy ý nghĩa khi Bergkamp khoác áo của cả Ajax và Arsenal, anh đã được dựng tượng ngay bên ngoài sân Emirates.

2. Nếu ví Dennis Bergkamp với hình ảnh "Người tốt", thì Ruud van Nistelrooy lại là hóa thân của một "Kẻ xấu" đúng nghĩa, trong lẫn ngoài sân cỏ.

Cố huyền thoại Johan Cruyff từng nói về hậu bối: "Cậu ta là một tay săn bàn vĩ đai, nhưng sở hữu một nhân cách tồi".

Van Nistelrooy sẵn sàng sử dụng mọi chiêu trò cũng như thủ đoạn để ghi được bàn thắng, như cựu danh thủ Frank Rijkaard từng nhận xét: "Trên sân, điều cậu ấy quan tâm duy nhất là bóng có qua vạch vôi hay chưa".

Với Van Nistelrooy, Man United có một sát thủ vòng cấm đúng nghĩa, một người sở hữu đôi mắt diều hâu sắc lẹm và khả năng săn bàn thượng thừa. Van Nistelrooy khiến cho tất cả các đối thủ khi giáp mặt với Man United đều không biết khi nào lưới mình sẽ rung lên.

Đại chiến Man United - Arsenal: Đẹp như Bergkamp, xấu như Nistelrooy, vô lại như Van Persie - Ảnh 4.

Nhưng gắn liền với tên tuổi Van Nistelrooy cũng là rất nhiều hình ảnh xấu xí. Khi khoác áo tuyển, anh từng khiến cả SVĐ phẫn nộ với hành động ăn mừng bàn thắng ngay trước mặt cầu thủ đối phương và bị trọng tài phạt thẻ vì hành vi phi thể thao. Đáng nói, anh làm thế để trả đũa pha penalty hỏng ăn trước đó, mà lại xuất phát từ chính việc anh ngã vờ để kiếm phạt đền.

Các CĐV Arsenal cũng chỉ nhớ tới Van Nistelrooy với hai chữ "căm ghét". Không chỉ qua mắt trọng tài dùng tay chơi bóng để ghi bàn, Van Nistelrooy còn "bẩn tính" tới mức hết lén đấm vào mặt Ljungberg, lên gối vào người Lauren lại ra mách lẻo nhằm khiến Sol Campbell bị đuổi.

Trong thời kỳ mà bóng đá Anh vẫn coi bóng đá là cuộc chơi của những người đàn ông chân chính, những hành động của Van Nistelrooy chẳng khác nào trò tiểu nhân.

Và chắc chưa ai quên trận đấu được ví như trên chiến trường giữa Man United và Arsenal năm 2005, Van Nistelrooy đã khiến ngay cả người "đầu đầy sỏi" như Patrick Vieira cũng phải nổi khùng và trả đũa vì nhận một pha tập kích từ trên không nhắm thẳng xuống lưng.

Man United vs Arsenal: Những pha ẩu đả để đời

Với đối thủ đã đành, với cả đội bóng mình đang đầu quân, Van Nistelrooy cũng đối xử rất tệ bạc.

Trước trận chung kết FA Cup với Arsenal, đại diện của Van Nistelrooy đến gặp Sir Alex Ferguson và GĐĐH David Gill. Tuyên bố ngắn gọn được đưa ra: "Anh muốn ra đi". Lý do: Van Nistelrooy không tin Man United có thể vô địch Champions League với những cầu thủ trẻ như Rooney và Ronaldo. Nhưng thực tế, điều Van Nistelrooy muốn chỉ là một bản hợp đồng mới với tiền lương và số tiền lót tay hậu hĩ hơn. Thời điểm đó, báo Anh đưa tin rầm rộ Real muốn mua anh với mức giá 35 triệu euro.

Yêu cầu không được đáp ứng, Van Nistelrooy buông thả trong tập luyện và trút giận lên tất thảy. Anh mắng sa sả vào mặt trợ lý Carlos Quieroz vì cho rằng ông thiên vị Ronaldo. Anh bực tức vô cớ với David Bellion và còn gây hấn với cả thủ quân Gary Neville.

Đỉnh điểm của sự biến chất, Van Nistelrooy đá thẳng vào chân Ronaldo trong buổi tập và xỉa xói: "Ê nhóc, mày đang làm cái quái gì vậy? Sao, ấm ức thì về mà mách ông già đi". Chỉ trước đó vài ngày, Ronaldo mới biết tin bố ruột mình đã qua đời. Đó là năm 2005, khi đó Ronaldo mới 20 tuổi.

Đại chiến Man United - Arsenal: Đẹp như Bergkamp, xấu như Nistelrooy, vô lại như Van Persie - Ảnh 6.

Nhớ lại ngày đó, Sir Alex chỉ biết thở than: "Toàn bộ câu chuyện đó khiến tôi rất đau lòng. Tôi thậm chí còn chẳng hiểu vì sao Ruud lại thay đổi đến thế. Tôi không thể chắc chắn điều gì đã đẩy cậu ấy ra khỏi Old Trafford. Tôi chưa bao giờ cho Ruud hay bất cứ ai một thứ đặc quyền nào lớn hơn những người khác trong đội cả".

Để rồi như kết thúc buồn cho "Mắt diều hâu", Van Nistelrooy kết thúc sự nghiệp tại đội bóng ít tên tuổi Malaga. Và phải tới 4 năm sau ngày bước chân ra khỏi Man United, trong một đêm tuyết phủ kín trời, Van Nistelrooy mới dám bốc máy gọi cho Sir Alex để nói một câu đầy chua xót: "Bố già ơi, con đã sai rồi".

3. Các CĐV Arsenal có thể ghét cay ghét đắng Van Nistelrooy, song đều nể trọng tài năng xuất chúng của anh. Nhưng có một người họ từng nhất mực tin yêu, coi anh như một biểu tượng rồi lại bị chính người đó găm nhát dao sâu hoắm vào tận tim gan. Không ai khác ngoài Robin van Persie.

Đại chiến Man United - Arsenal: Đẹp như Bergkamp, xấu như Nistelrooy, vô lại như Van Persie - Ảnh 7.

Ngày Van Persie tươi cười chụp ảnh với chiếc áo số 20 của Man United, trái tim các CĐV Arsenal như đã chết. Nỗi đau từ sự ra đi của Henry, Cole, Nasri hay Fabregas có thể sẽ liền sẹo. Nhưng nỗi đau mà Van Persie gây ra còn lớn hơn thế nhiều lần.

Khi đó, Van Persie không chỉ là đội trưởng và chân sút số 1 của đội, anh còn là ngôi sao hiếm hoi chưa bỏ đi tìm vinh quang, là niềm tin ít ỏi còn lại để những người yêu Pháo thủ tin vào một cuộc phục sinh. Nhưng Van Persie đã phản bội lại tất cả điều đó.

Van Persie từng tỏ ra mình là người tử tế khi không ăn mừng sau bàn thắng ở ngay trận đầu tiên gặp lại những đồng đội cũ và người thầy cũ Arsene Wenger. Nhưng đến lần thứ hai, Van Persie lạnh lùng và thản nhiên như thể đó là công việc phải làm, và Arsenal cũng chỉ như những đối thủ khác. Và đến lần thứ ba, khi anh ăn mừng như một kẻ điên dại, người Arsenal hiểu, trong thâm tâm Van Persie giờ đã không còn Arsenal nữa rồi.

Đại chiến Man United - Arsenal: Đẹp như Bergkamp, xấu như Nistelrooy, vô lại như Van Persie - Ảnh 8.

"Tên vô lại" Tuco đã quay lưng ám hại người từng hợp tác với mình sau khi không tìm được tiếng nói chung. Và với người Arsenal, Robin van Persie cũng giống như gã Tuco kia, kẻ phản bội những ân nhân của mình với mưu đồ thâu tóm tất cả danh vọng.

Một phân cảnh kinh điển trong "Người tốt, Kẻ xấu và Tên vô lại" đó là suốt 10 phút đầu phim, không hề có một câu thoại nào mà chỉ có tiếng vó ngựa và tiếng súng. Những cầu thủ Hà Lan đã xuất hiện ngay từ khi Premier League vừa mới ra đời, nhưng phải sau khi Dennis Bergkamp gia nhập Arsenal, người Hà Lan mới thật sự gây tiếng vang tại xứ sở sương mù.

Trong đó, Dennis Bergkamp, Ruud van Nisterooy và Robin van Persie chính là những ngôi sao nổi bật nhất. Nhưng từ sau ngày Van Persie chuyển tới Fenerbahce, dấu ấn về người Hà Lan tại Man United cũng như Arsenal đã phai nhạt đi nhiều. Và trong hành trình truy tìm "hòm tiền" là ngôi vương Premier League, người Hà Lan tiếp theo nào sẽ thủ vai "Người tốt", "Kẻ xấu" hoặc "Tên vô lại"?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại