Năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động, đáng chú ý, nhiều cổ phiếu đã có những chuỗi giảm sàn lên đến hàng chục phiên.
Đầu tiên, phải kể đến cổ phiếu IBC của Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) làm Chủ tịch HĐQT hiện nay đã giảm sàn 25 phiên liên tiếp và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, dư bán sàn cổ phiếu IBC lên đến hàng chục triệu cổ phiếu. Từ mức giá khoảng 20.000 đồng/cp hồi đầu năm, hiện nay giá 1 cổ phiếu IBC chỉ 2.600 đồng.
Giá cổ phiếu IBC bắt đầu giảm mạnh khi Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders vướng vào nhiều lùm xùm khi bị nhân viên tố nợ lương; phụ huynh đã đóng học phí nhưng trung tâm ngừng hoạt động hoặc chuyển từ học trực tiếp trực tuyến không đúng như cam kết. Ngoài ra, việc bị các CTCK bán giải chấp cũng khiến giá cổ phiếu IBC liên tục giảm sàn.
Trước đó, trong tháng 11, do làn sóng bán giải chấp, 3 cổ phiếu bất động sản NVL của Novaland, HPX của Hải Phát Invest và PDR của BĐS Phát Đạt đã giảm sàn liên tiếp hàng chục phiên.
Cụ thể, NVL đã giảm sàn 17 phiên liên tục từ 3/11 đến 25/11/2022, sau khi được “giải cứu” thành công và có vài phiên hồi phục, NVL lại tiếp tục phải giải trình vì giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ 5/12 đến 9/12. Tương tự, cổ phiếu PDR đã trải qua 17 phiên giảm sàn liên tiếp từ 4/11 đến 28/11 và cổ phiếu HPX đã trải qua 13 phiên giảm sàn từ 14/11 đến 29/11. Sau nhịp hồi, cả 3 cổ phiếu trên vẫn tiếp tục xu hướng giảm.
Kỷ lục sàn 34 phiên
Kỷ lục về chuỗi giảm sàn dài nhất lịch sử hiện nay vẫn thuộc về CDO của CTCP Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị, cuối năm 2016, cổ phiếu CDO ghi nhận tình trạng "rơi tự do" với 34 phiên liên tiếp giảm sàn từ 35.000 đồng/cổ phiếu xuống vùng 3.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm hơn 90%.
Tuy nhiên, thị giá CDO sau đó lại bất ngờ tăng kịch trần 11 phiên để tiến lên vùng 6.900 đồng/cổ phiếu. Chính sự giảm sâu rồi tăng sốc của cổ phiếu CDO dấy lên sự nghi ngờ về một phi vụ thao túng giá cổ phiếu nhằm trục lợi từ một số cá nhân.
Sau quá trình điều tra, đến tháng 11/2017, cựu Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Ngân hàng Đông Á Nguyễn Vân Giang đã bị khởi tố hình sự khi sử dụng chứng minh thư nhân dân của nhiều khách hàng để thành lập các công ty và mở tài khoản chứng khoán, tiến hành giao dịch chéo cổ phiếu CDO, đẩy giá cổ phiếu hòng kiếm lời.
Cổ phiếu tăng trần liên tiếp rồi lại giảm sàn liên tiếp
Hồi đầu năm 2021, cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia bất ngờ ghi nhận chuỗi tăng kịch trần 34 phiên liên tiếp ngay trước kỳ nghỉ Tết, đưa thị giá từ 4.800 đồng lên đỉnh 46.150 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sự đảo chiều đã diễn ra nhanh chóng và cũng không lý do với 14 phiên liên tiếp giảm sàn liền sau, thị giá nhanh chóng tụt về vùng 15.750 đồng/cổ phiếu.
Trong tháng 4/2021, chứng chỉ quỹ đầu tư Bất động sản Techcom Việt Nam (Mã CK: FUCVREIT) cũng có chuỗi tăng trần liên tiếp lên đỉnh lịch sử 33.500 đồng, tương ứng mức tăng 253% chỉ trong vòng 1 tháng. Ngay sau đó, FUCVREIT quay đầu đối mặt với 15 phiên "nằm sàn" trong tháng 5.
Những cổ phiếu từng giảm sàn liên tiếp cả chục phiên
Cổ phiếu TTB của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ giảm sàn 8 phiên liên tiếp từ 8/11 – 19/11/2019 sau đó sàn tiếp 10 phiên từ 25/11 – 6/12 sau 2 ngày cổ phiếu tăng giá lại sàn tiếp 4 phiên từ 11/12 – 16/12.
Cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân 30 phiên nằm sàn liên tục kể từ ngày 15/8 đến 26/9/2019.
Cổ phiếu YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 giảm sàn 13 phiên liên tiếp từ 4/3/2019 – 20/3/2019.
Cổ phiếu TTF của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành giảm sàn 24 phiên liên tiếp từ 19/7 – 19/8/2016 sau đó tăng trần 8 phiên liên tiếp từ 22/8 – 31/8 rồi lại sàn 6 phiên từ 1/9 – 9/9, trần tiếp 3 phiên rồi giảm dần về mức chỉ 3000 – 4000 đồng/cp.
Cổ phiếu NHP của Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP giảm sàn 7 phiên liên tiếp từ 14/10 – 24/10/2016 ngắt quãng 2 phiên tăng rồi lại giảm sàn tiếp 4 phiên từ 27/10 – 1/11.