Bao giờ thì lãi suất giảm?

Văn Tuệ |

Việc lãi suất liên tục tăng cao thời gian vừa qua đã khiến cho doanh nghiệp phải đi vay với chi phí vốn cao hơn và gián tiếp bị giảm hiệu quả hoạt động. Cơ quan điều hành đã có chỉ đạo hạ lãi suất, doanh nghiệp đang ngày ngày mong chờ lãi suất cho vay rẻ hơn.

Tại toạ đàm "Dự báo Kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2023" do tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức sáng 27/12, Phó Chủ tịch VCCI, ông Võ Tân Thành chia sẻ, bên cạnh khó khăn trong việc giảm đơn hàng dịp cuối năm, các doanh nghiệp cũng đang gặp một số trở ngại về tín dụng. Những rào cản trong việc tiếp cận vốn chủ yếu đến từ 2 yếu tố là room tín dụng hạn hẹp và lãi suất cao.

Cụ thể, hồi đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước quy định hạn mức tăng trưởng là 14%, vừa qua có nới thêm 1,5%-2% tương đương với việc bơm thêm khoảng 240.000 tỷ vào nền kinh tế. Tuy nhiên, mức này là không đáp ứng đủ nhu cầu về vốn của doanh nghiệp trong năm nay.

Bên cạnh đó, từ đầu năm các ngân hàng có hiện tượng chạy đua lãi suất huy động. Cơ quan điều hành gần đây đã có những chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng khống chế lãi suất ở mức 9,5%. Thực tế cũng có nhiều ngân hàng tuân thủ và giảm lãi suất từ 0,5-1%, song một bộ phận không nhỏ vẫn đang để lãi suất ở ngưỡng 10-11%. Nếu vay được, doanh nghiệp phải trả thêm ít nhất 3% so với mức lãi suất huy động.

"Vừa rồi có nới thêm 1,5%-2% bơm thêm khoảng 240.000 tỷ. Tuy nhiên, vẫn không đáp ứng được nhu cầu về vốn của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có tiếp cận được thì lãi suất cũng rất cao. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp", ông Thành nhận định.

Bao giờ thì lãi suất giảm? - Ảnh 1.

Đồ thị TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ tại hội thảo

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển tại chương trình cũng chia sẻ, trong năm 2022, tỷ lệ nợ/tổng vốn của các doanh nghiệp niêm yết trong 3 ngành 1) tiêu dùng và thương mại dịch vụ, 2) sản xuất công nghiệp, 3) bất động sản, xây dựng đều tăng lên.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngành kể trên đều giảm trừ nhóm bất động sản và xây dựng. Điều này bởi vì trong năm qua, các ngành hàng tiêu dùng, thương mại dịch vụ và sản xuất công nghiệp đang phải đối mặt với áp lực tăng giá nguyên liệu và không thể chuyển hết toàn bộ các chi phí bị đội lên cho người tiêu dùng chỉ trong thời gian ngắn.

Ở khía cạnh suất sinh lời trên tổng tài sản ROA, chỉ số này tiếp tục được ghi nhận giảm ở cả 3 ngành trong năm 2022. Trong đó, ngành bất động sản đang có tỷ số này thấp nhất (3%), chỉ bằng chưa đến một nửa của năm 2021 (6,9%) vốn đã thấp.

Đánh giá về những khó khăn hiện tại, chuyên gia cho rằng mặc dù nền kinh tế đang gặp trở ngại về lãi suất cao, tín dụng khó tiếp cận, song đây không phải vấn đề chính. Điều đáng quan ngại hơn là việc suy giảm sức mua toàn cầu.

Ông cũng nói thêm, quan sát xuyên suốt từ tháng 9 đến tháng 12, các cơ quan điều hành đang có những động thái khéo léo để giải quyết các vấn đề liên quan đến tín dụng, lãi suất, bất động sản và một số những vướng mắc trên thị trường tài chính.

"Tôi cho rằng những vấn đề lãi suất, tín dụng cuối năm nay sẽ dần được giải quyết và từ quý I và quý 2 năm sau nhà nước sẽ đưa lãi suất về ổn định", ông Hiển dự báo về tình hình năm sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại