"Tôi nghĩ đã tới lúc chúng ta cân nhắc việc tới Đại hội đồng Liên hợp quốc để có thể đạt đủ số phiếu cần thiết, nhằm thuyết phục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của trọng tài," ông Del Rosario nói bên lề sự kiện của Hiệp hội luật sư Philippines (PAS) ở thành phố Makati.
Tháng 12 năm ngoái, cựu ngoại trưởng Philippines cũng nêu ý tưởng đệ trình một nghị quyết lên Đại hội đồng nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague tháng 7/2016, bác bỏ yêu sách chủ quyền "Đường chín đoạn" mà Trung Quốc áp đặt đối với hơn 80% diện tích vùng nước quốc tế ở biển Đông.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố không công nhận phán quyết và tiếp tục tăng cường hoạt động cải tạo, quân sự hóa phi pháp trên biển Đông.
Giới chức an ninh Philippines những ngày vừa qua đã nêu báo cáo về việc ít nhất 4 chiến hạm hải quân Trung Quốc di chuyển qua vùng nước eo biển Sibutu gần tỉnh Tawi-tawi của nước này mà không thông báo cho Manila, trong khi 113 tàu thuyền của Trung Quốc được xác định hoạt động dày đặc vây quanh đảo Thị Tứ - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Philippines chiếm đóng trái phép - hôm 24/7.
Ngoại trưởng Philippines Theodore Locsin Jr. ngày 31/7 thông báo Bộ ngoại giao nước này đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh liên quan đến vấn đề kể trên. Động thái này được ông Del Rosario hoan nghênh.
"Tôi cho rằng ngoại trưởng Locsin đang nỗ lực hết sức mình trong những vấn đề mà chúng ta nhằm vào Trung Quốc," ông nói.
Hồi tháng 3, ông del Rosario cùng cựu tổng thanh tra Conchita Carpio Morales đã đệ đơn lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) để tố cáo chủ tịch Tập Cận Bình cùng các quan chức Trung Quốc khác. Hai cựu quan chức Philippines nói rằng hoạt động xây cất đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh trên biển Đông và đánh bắt hải sản đã làm hủy hoại môi trường nghiêm trọng, đồng thời làm suy yếu an ninh thực phẩm, năng lượng của các nước ven biển.