Cựu ĐBQH Bùi Thị An: Làm sao để "lên chức bình thường, xuống chức cũng bình thường"

N. Huyền |

Rất hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng nghị định “Văn hóa từ chức”. Tuy nhiên, theo ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An thì phải làm thay đổi tư duy của bản thân người cán bộ lãnh đạo và xã hội.

Làm sao phải có cái nhìn "lên chức cũng bình thường, xuống chức cũng bình thường". Nếu cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được thì thôi, chứ không có gì phải đáng lên án hay trù dập họ.

Văn hóa từ chức đánh vào lòng tự trọng

Hoan nghênh chủ trương của Chính phủ bắt đầu cho triển khai xây dựng nghị định “Văn hóa từ chức”, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng, chuyện từ chức ở các nước rất bình thường, đơn cử như Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng từ chức, hay Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ GTVT Ấn Độ, Nhật Bản xin từ chức sau tai nạn tàu hỏa.

Về cơ bản, ở một số nước phát triển chỉ cần xảy ra những vụ cháy nhà chết người ngay lập tức ông Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực này xin từ chức ngay nhưng ở Việt Nam thì chưa hay không có thói quen ấy.

“Bây giờ Thủ tướng bắt đầu chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu và soạn thảo Nghị định về “văn hóa từ chức” để trình Chính phủ xem xét là bước tiến bộ vượt bậc, rất hoan nghênh.

có những vấn đề ta đi chậm hơn so với các nước nhưng mà với NĐ “văn hóa từ chức” theo tôi rất hay.

Khi ra đời được NĐ này tạo ra cho mọi người một tư duy mới, tức là “tôi lên chức cũng bình thường mà xuống chức cũng bình thường” – bà An nói.

Tuy nhiên, bà An cũng nhấn mạnh, việc từ chức này chỉ bình thường với những người khi được lên chức vì dân và xuống chức vì dân còn nếu như lên chức vì các mục đích cá nhân, nhằm mục đích trục lợi thì đáng lên án (không phải là tất cả nhưng do chức quyền gắn với rất nhiều quyền lợi, cho nên mới có chuyện cử tri phản ánh có người A, người B đi “chạy chức’, “chạy quyền”).

Tại sao lại nói như vậy? Tại sao nói phải mua? Bởi so sánh ở đây thì hơi khập khiễng nhưng rõ ràng như một hình thức kinh doanh, kinh doanh họ phải đi mua, đi mua thì phải có lãi.

Đây cũng chính là nguyên nhân xảy ra hiện tượng tiêu cực (tham ô, tham nhũng) mà dư luận, báo chí đã phản ánh thời gian qua.

“Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chắc chắn sẽ làm được, tuy nhiên theo tôi nghĩ chính là đề nghị khi bổ nhiệm cán bộ cần lựa chọn rất kỹ phẩm cách của họ.

Bởi vì con người là quyết định tất cả, công tác cán bộ là hàng đầu cho nên chọn người đứng đầu từ địa phương đến các ngành mà chuẩn thì không phải lo lắng chuyện đó, họ sẽ có suy nghĩ và hành động vì dân- đương nhiên nếu tôi không hoàn thành nhiệm vụ, tôi sẽ xin từ chức.

Văn hóa từ chức đánh vào lòng tự trọng” – bà An nhấn mạnh.

Xã hội cũng nên có cái nhìn rộng lượng

Để làm tốt công tác này, theo bà An phải quy định rất rõ tiêu chí nhiệm vụ của từng vị trí, không thật phải chi tiết đến như từng con kiến nhưng phải rõ ràng.

Ví dụ Bộ trưởng cần tiêu chí, quy định những nhiệm vụ phải làm như thế này, Thứ trưởng cũng có những tiêu chí và nhiệm vụ tương đương vị trí công tác… nếu anh không làm được thì anh phải từ chức.

“Như cách đánh giá bây giờ theo kiểu chung chung “hoàn thành tốt” “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” “trung thành với tổ quốc” thì không bao giờ ai có thể đánh giá ai được chính xác.

Như Thủ tướng nói: phải chỉ được đích danh, đừng “bắn chỉ thiên nữa”. Để làm được điều này theo tôi nghĩ phải quy định cụ thể.

Đặc biệt đối với những lãnh đạo, phải “dũng cảm” nhường vị trí của mình cho người khác làm tốt hơn”- bà An nhấn manh.

Ngoài ra, cũng theo bà An thì phải làm thay đổi tư duy của bản thân người cán bộ, lãnh đạo và cả cộng đồng, của xã hội.

Làm sao phải có cái nhìn “lên chức cũng bình thường, xuống chức cũng bình thường” và nếu thực sự sống và làm việc theo hiến pháp quy định “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” thì nếu cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được thì thôi, làm người bình thường cũng rất vinh dự, chứ không có gì phải đáng lên án hay trù dập họ.

Đặc biệt, đối với những người không đủ sức khỏe mà họ xin từ chức thì nên thông cảm.

Nhằm khuyến khích những đối tượng này từ chức, theo bà An phải có chính sách đảm bảo quyền lợi bảo hiểm, lương bổng để họ yên tâm, họ cảm thấy việc mình từ chức là bình thường để giành vị trí cho người khác.

Đối với những trường hợp có sai phạm mà chủ động từ chức thì cũng nên coi đó là tình tiết xem xét giảm nhẹ tội danh.

Tuy nhiên, giảm nhẹ đến mức nào cũng cần phải tính toán kỹ sao cho tương xứng, tuyệt đối không được miễn trừ nếu không thì rất nguy hiểm.

“Bởi sẽ xảy ra tình trạng, không phải anh mắc lỗi, gây ra hậu quả nghiêm trọng rồi sau đó xin từ chức là được miễn tội”- bà An nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại