Xây dựng Nghị định về “Văn hóa từ chức”: Đã đến lúc Việt Nam cần làm việc này!

N. Huyền |

“Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ xây dựng nghị định về “văn hóa từ chức” theo tôi là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết và đúng thời điểm với chủ trương cải cách, đổi mới, thiết lập một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động vì lợi ích chung của người dân”.

Đây là quan điểm của ĐBQH, luật sư Nguyễn Chiến, Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, xung quanh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo nghị định về “văn hóa từ chức”.

Trước đó, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngoài việc xây dựng nghị định về "văn hoá từ chức" thì còn xây dựng văn hoá ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành nhiệm vụ, tránh tình trạng “bắn chỉ thiên”.

Cần thiết và đúng thời điểm

ĐBQH Nguyễn Chiến cho biết, chúng ta có những trăn trở, băn khoăn từ khá lâu và cũng đã có nhiều ĐBQH phát biểu đề cập đến vấn đề này.

Đặc biệt trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội XIV vừa qua, một lần nữa, ĐBQH Dương Trung Quốc lại tiếp tục đề cập hay ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng đã rất mạnh mẽ nêu ra vấn đề "văn hóa từ chức" ngay tại nghị trường.

“Đối với Việt Nam, có từ tình trạng hệ thống các cơ quan quản lý điều hành của đất nước, đặc biệt là các cơ quan chính quyền còn có nhiều tồn tại hạn, chế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Trong đó, các ĐBQH đã chỉ ra một trong những nguyên nhân là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ một số cán bộ công chức còn hạn chế về nhiều mặt (năng lực, trình độ còn hạn chế, thái độ hoặc phát ngôn không chuẩn mực…).

Điều này là không phù hợp, đặc biệt đặt ra đối với người đứng đầu một cơ quan, đơn vị hay tổ chức nào đó”- ông Nguyễn Chiến nhận định.

Ngày 28/11, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các biện pháp thực hiện lời hứa trước Quốc hội tại phiên chất vấn vừa qua với tinh thần lời nói phải đi đôi với hành động.

“Có văn hóa từ chức không, có nghị định về vấn đề này hay không, ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”, Thủ tướng lấy ví dụ.

ĐBQH Chiến khẳng định: "Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ xây dựng nghị định “Văn hóa từ chức” theo tôi là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết và đúng thời điểm với chủ trương cải cách, đổi mới, thiết lập một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động vì lợi ích chung của người dân.

Người dân luôn mong muốn xây dựng hệ thống các cơ quan công quyền có đầy đủ năng lực, phẩm chất, uy tín để phục vụ, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Nếu trong trường hợp không đáp ứng nhiệm vụ được giao thì nên có "văn hóa từ chức" như các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Vì vậy, Việt Nam cũng đã đến lúc cần làm việc này".

Cần khảo sát, đánh giá tác động và có lộ trình

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Chiến cũng cho rằng, xây dựng "văn hóa từ chức" cũng nên tiếp cận dưới nhiều góc độ.

Theo đó, có nhiều lý do khác nhau để lãnh đạo từ chức, trong đó có những nguyên nhân do mắc một số sai lầm nên họ phải từ chức để bảo toàn danh dự trước nhân dân và bản thân, gia đình của họ.

Từ đó cho thấy những người không đủ năng lực, trình độ hoặc có sai phạm đã dũng cảm “từ quan” để “nhường chỗ” cho người khác tốt hơn mình thì cũng cần được xã hội, cộng đồng nhìn nhận.

“Đấy là vấn đề mà chúng ta phải xác định để làm sao cho người từ chức không có tư tưởng mặc cảm hoặc bị xã hội kỳ thị vì lý do họ từ chức.

Thậm chí cần ghi nhận, đánh giá sự tiến bộ trong văn hóa từ chức của lãnh đạo”- ông Chiến nhấn mạnh.

Để có hành lang pháp lý đảm bảo việc thống nhất thực hiện, nghị định về "văn hóa từ chức" cần xây dựng những quy định cụ thể, bảo đảm kết hợp cả tình và lý đề cao lòng tự trọng, tự tôn, văn hóa, đạo đức và lối sống của cha ông ta từ ngàn xưa.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đề cập đến việc xây dựng nghị định về “văn hóa từ chức”.

Do vậy theo ông Chiến thì trong quá trình xây dựng nghị định cần có khảo sát, đánh giá tác động, trên cở sở đó xây dựng các quy định của pháp luật dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của người Việt Nam, đồng thời có tham khảo một số nước đã có "văn hóa từ chức" trên thế giới.

“Xây dựng nghị định theo tôi phải dựa trên tâm lý và văn hóa, đề cao đạo đức và lối sống của người Việt để quan chức nhìn vào mà tự giác thực hiện.

Những điều khoản của nghị định này vừa đảm bảo tính quy phạm nhưng đồng thời phải mang tính nhân văn, khuyến khích để người ta tự giác thực hiện.

Còn nếu xây dựng như quy định khung của một luật ứng với các tình huống sai phạm để buộc quan chức phải từ chức thì theo tôi khó bắt buộc được ai cả, không có tính khả thi trong đời sống.

"Văn hóa từ chức" phải xuất phát từ chính cái tâm, lòng tự trọng của mỗi cá nhân để họ suy xét mà quyết định. Nếu không thì quy định vẫn chỉ là quy định”- ông Chiến phân tích.

Bên cạnh đó, ông Chiến cũng cho rằng, làm sao phải giúp cho những người chủ động từ chức vượt qua sang chấn về tâm lý, đồng thời có những chính sách phù hợp để đảm bảo cho họ cũng như gia đình vợ con họ vẫn giữ được uy tín cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp sau khi họ quyết định từ chức.

Khi xây dựng quy định về "văn hóa từ chức", nên xây dựng những chế định theo nguyên tắc có lợi cho người từ chức phù hợp với các quy định của pháp luật khác có liên quan để khuyến khích người chủ động từ chức khi không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Nếu sau đó họ có bị xử lý theo pháp luật thì hành động từ chức cũng cần được coi là tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật tương ứng.

Mặt khác,việc từ chức chưa có tiền lệ và không phải truyền thống văn hóa đã được tạo thành thói quen từ lâu của người Việt nên cần có lộ trình thực hiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại