Cuộc sống "nghèo khổ cùng cực" của người dân ở quốc gia giàu có hàng đầu Châu Phi

Tường Phạm |

Theo kết quả nghiên cứu mới công bố của Viện Brookings, Nigeria hiện là một trong những quốc gia có số người nghèo cao nhất thế giới. Nhiều gia đình ở quốc gia này đang phải sống với chi phí 1,5 bảng Anh/ngày.

“Tôi cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống”

“Cuộc sống thật khó khăn. Tôi từng bán akara (một loại bánh làm bằng đậu) và kiếm được khoảng 1.000-1.200 naira (khoảng 2-2,5 bảng Anh) mỗi ngày nhưng giờ đây không thể kiếm nổi 400 naira.

Mọi người không có tiền mua vì không có việc làm. Hầu hết khách hàng trước đây của tôi là thợ nề, thợ ống nước, thợ điện”, Nkechi John, một phụ nữ 39 tuổi chia sẻ. Cô sống cùng với chồng là thợ hàn và bốn đứa con trong một ngôi nhà nhỏ hẹp. Gia đình cô được coi là “mẫu điển hình” của những gia đình nghèo ở Nigeria.

“Tôi cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống. Quá nhiều nỗi buồn và sự đau khổ. Chính phủ cần làm điều gì đó trước khi chúng tôi kiệt sức. Tôi cố gắng làm nông trại nhưng không có tiền để mua phân bón nên cây trồng ngày càng héo úa. Những đứa con của tôi không thể đến trường vì không có tiền đóng học phí”, Nkechi John nói tiếp.

Cuộc sống của gia đình Mohammed Ahmed, 33 tuổi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh là giáo viên Hồi giáo, cha của bốn người con đến từ bang Borno, hiện đang sống ở Abuja.

“Gia đình tôi chỉ có 1,5 bảng Anh để chi tiêu mỗi ngày. Chúng tôi sợ Boko Haram giết hại nên không dám đến các trang trại. Cuộc sống là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn để sinh tồn”, Mohammed Ahmed chia sẻ.

Giống như Nkechi John, Mohammed Ahmed phải tiết kiệm tiền để mua phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, ngay cả khi có tiền, việc mua bán cũng rất khó khăn.

“Thông thường, giá mỗi túi phân bón trọng lượng 50kg có giá 5.500 naira nhưng hàng thường không có sẵn. Chính vì vậy, chúng tôi phải tìm mua ở bên ngoài với giá đội lên tới 15.000 naira. Giá quá cao nên chúng tôi cũng không thể mua được”, Mohammed Ahmed nói.

Theo báo cáo của Viện Brookings, Nigeria, một trong hai nền kinh tế giàu có nhất của châu Phi, đã “vượt qua” Ấn Độ trở thành nơi có nhiều người nghèo nhất thế giới.

Theo đó, hiện có khoảng 87 triệu người Nigeria sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực so với 73 triệu người có hoàn cảnh tương tự ở Ấn Độ.

Báo cáo cho biết thêm, Cộng hòa Dân chủ Congo, hiện đang xếp thứ ba trong số các quốc gia có số lượng người nghèo lớn nhất thế giới cũng sẽ sớm “vượt qua” Ấn Độ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đang tồn tại một nghịch lý ở Nigeria khi được đánh giá là quốc gia giàu có ở châu Phi nhưng lại có số lượng người nghèo khổ cao hàng đầu thế giới.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo về việc gia tăng nghèo đói ở Nigeria. Hồi tháng 2-2018, Ngân hàng Phát triển châu Phi cho hay, 152 triệu người Nigeria, chiếm gần 80% dân số ước tính là 193,3 triệu người, sống dưới mức 2 USD/ngày.

Nhà kinh tế học Uche Joseph Uwaleke, Đại học Nasarawa cho rằng, có nhiều lý do làm gia tăng nghèo đói cùng cực ở Nigeria. “Mặc dù mối đe dọa bạo lực từ nhóm khủng bố Boko Haram đã giảm nhưng nông dân ở nhiều khu vực vẫn sợ đi đến trang trại.

Nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhưng giao thông vận tải, nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Bên cạnh đó, công tác quản lý kinh tế vĩ mô, điều tiết ngân sách kém cũng là lý do làm gia tăng nghèo đói”, Uche Joseph Uwaleke nói.

Homi Kharas, một chuyên gia Viện Brookings cho rằng, sự tăng trưởng dân số ở nhiều quốc gia Châu Phi nhanh, cùng với hậu quả từ các xung đột xã hội, sự quản lý chưa hiệu quả đã dẫn đến vấn đề hiện tại.

“Nigeria là một đất nước giàu có nhưng phần lớn của cải có được từ việc sản xuất và bán dầu, nó không trực tiếp rơi vào túi người dân”, Homi Kharas nói.

Link bài viết gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại