Cuộc sống khó khăn của dân ở Sanamxay sau sự cố vỡ đập thủy điện

TRẦN QUANG THÁI |

Sau 4 ngày xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xe pian-Xe Namnoy, khu trung tâm huyện Sanamxay chen chúc người dân từ vùng bị ảnh hưởng.

Những khu trường học, nhà công vụ và cả các văn phòng làm việc của huyện đều được huy động thành nơi ăn ngủ của người dân. 

Số lượng người dân bị ảnh hưởng di dời về đây ngày một đông đang khiến khu vực này trở nên quá tải và chồng chất những khó khăn.

Sự cố vỡ đập thủy điện khiến 13 bản của huyện Sanamxay ngập chìm trong nước, hàng nghìn nhà cửa, của cải của gần 6.000 dân bị cuốn trôi.

Đến nay, cuộc sống của người dân được di dời ra khu trung tâm huyện bắt đầu có những khó khăn nhất định, nhất là chỗ, khu vực vệ sinh, vấn đề nước sạch và môi trường.

Cuộc sống khó khăn của dân ở Sanamxay sau sự cố vỡ đập thủy điện - Ảnh 1.

Người dân được sơ tán về một điểm trường ở trung tâm huyện Sanamsay. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Ở các khu trường học tập trung nhiều người dân, những chiếc bàn học được ghép lại làm chỗ ngủ, người dân chen chúc. 

Ở nhiều điểm trường, người dân tận dụng cả khu hành lang và cầu thang để làm chỗ ngủ nghỉ. Rất may, những nhu yếu phẩm cần thiết như chăn, màn đều được viện trợ kịp thời.

Bà Sin Somphit được di dời đến đây đã 3 ngày nay. Gia đình 6 người ở vỏn vẹn một góc phòng học. Của cải đã trôi hết theo dòng nước lũ nên bây giờ họ phải nhờ vào đồ viện trợ.

“Khủng khiếp lắm, lúc đó nước đổ về làm cây cối, nhà cửa rung lắc kêu rắc rắc. May mắn gia đình tôi leo lên mái nhà và được bộ đội cứu ra. 

Dù rất khó khăn về chỗ ăn, ngủ nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền mà chúng tôi có cái mặc, có đồ ăn và có nơi để ngủ,” bà Sin Somphit cho biết.

Những nhu yếu phẩm cần thiết như đồ dùng, chăn màn, nước sạch luôn được chính quyền tỉnh Attapeu cấp phát cho người dân. 

Tuy nhiên, số lượng người quá đông, trong khi các khu vệ sinh, tắm rửa đang rất hạn chế nên vấn đề tắm rửa, vệ sinh của người dân cũng trở nên nan giải hơn.

Đến thời điểm hiện nay, gần 4.000 người dân vùng bị ảnh hưởng tập trung sinh sống tại khu vực trung tâm huyện Sanamxay. 

Trong những ngày qua, chính quyền tỉnh Attapeu đang gồng mình khắc phục hậu quả. 

Không chỉ tập trung công tác tìm kiếm người mất tích, vấn đề ổn định cuộc sống cho người dân khu vực bố trí tạm cũng được đặc biệt quan tâm.

Những bếp ăn dã chiến luôn nhộn nhịp hơn 30 người làm, khu phát hàng cứu trợ cũng luôn đông người ra vào. 

Với những vùng dân cư ở trong vùng lũ nhưng vẫn an toàn, hàng cứu trợ được chính quyền tỉnh Attapeu điều phối liên tục bằng trực thăng và xe ôtô, xuồng máy.

Sau 5 ngày xảy ra sự cố, những vấn đề về sức khỏe, dịch bệnh nơi khu vực bố trí người dân sinh sống đã bắt đầu xuất hiện. 

Nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, bệnh ngoài da và viêm phổi ở trẻ em đang ở mức cao.

Trong điều kiện sống còn nhiều khó khăn, nguy cơ dịch bệnh đặc biệt cao với người già, trẻ em và nhiều người đã nhiễm bệnh. 

Nhiều người dân tuổi cao sức yếu, thuộc diện có nguy cơ mắc bệnh cao, đã được các nhân viên cứu hộ đưa bằng máy bay tới các khu tạm trú.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, nhận định với điều kiện sống và sinh hoạt hiện tại, dịch bệnh bùng phát là điều không tránh khỏi việc. 

Theo ông, những bệnh như tiêu chảy, bệnh ngoài ra có thể sẽ bùng phát chỉ trong 2 đến 3 ngày tới.

Trước tình trạng đó, nhiều chuyên gia y tế từ các nước, trong đó có Việt Nam, đã và đang tới với Sanamxay. Cơ quan y tế tại khu vực đã cấp phát và triển khai thăm khám cho người dân.

Ngoài ra, nhân viên các tổ chức về môi trường của Thái Lan, Hàn Quốc… cũng đang túc trực tại huyện này để hướng dẫn cho chính quyền tỉnh Attapeu khắc phục hậu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại