Ngay khi Triều Tiên tiến hành vụ thử bom hạt nhân lần thứ 6 vào đầu tháng 3/9, You Jae-youn, nhân viên văn phòng 32 tuổi hiện đang sinh sống tại thành phố Sejong, miền nam Hàn Quốc, nhanh chóng quên đi tin tức nóng hổi này để tập trung vào những bận tâm khác trong cuộc sống.
"Cá nhân tôi thấy mình có nhiều mối lo khác ví dụ như làm thế nào kiếm đủ tiền chi trả cho những nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Thực sự tôi cảm thấy những những gì xảy ra ở Triều Tiên khá xa vời," cô You nói.
Việc sống nhiều năm trong tâm thế luôn sẵn sàng cho tình huống xung đột bùng phát trên bán đảo khiến cho hầu hết người dân Hàn Quốc đều cảm thấy các vấn đề họ quan tâm nhất là công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế phát triển, chứ không còn là chiến tranh.
Bất chấp CHDCND Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử vũ khí trong thời gian gần đây, thống kê cho thấy người dân Hàn Quốc đang trở nên ngày càng thờ ơ với mối đe dọa chiến tranh.
Cuộc khảo sát của Viện Gallup Hàn Quốc tổ chức hồi đầu tháng 9 chỉ ra rằng, có tới 58% người dân Hàn Quốc không nghĩ sẽ xảy ra chiến tranh. Đây là tỉ lệ cao thứ hai kể từ khi Gallup tiến hành khảo sát lần đầu tiên cách đây 25 năm. Số người nghĩ có chiến tranh Hàn-Triều giảm xuống mức khoảng 37%.
Thực tế, hai miền bán đảo vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1953, sau khi một thỏa thuận ngừng bắn được ký.
"Mọi người vẫn thường nói chúng ta vẫn chưa hết chiến tranh nhưng người trẻ thuộc thế hệ chúng tôi chưa bao giờ trải qua cuộc chiến. Do đó, khái niệm này chẳng có ý nghĩa gì với chúng tôi. Thậm chí cả khi mọi người nói là tình hình đang trở nên rất nguy hiểm, tôi cũng chẳng thấy gì cả. Đối với chúng tôi, có việc làm ổn định mới là thứ lo lắng nhất," Reuters dẫn lời cô Kim Hye-ji, một nhân viên đồ họa 27 tuổi.
Sinh viên cầu nguyện buổi sáng tại trường đại học PUTS ở Seoul, Hàn Quốc ngày 12/9/2017 (Ảnh: REUTERS/Kim Hong-Ji)
Trầm cảm và vấn nạn tự sát
Từng là được mệnh danh "con hổ Châu Á" với tốc độ tăng trưởng thần kỳ, nền kinh tế Hàn Quốc trong những năm gần đây đã giảm tốc khiến cho người dân nước này cảm thấy lo lắng cho tương lai. Tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng liên tục kể từ năm 2013. Số lượng người có công việc tạm thời tăng gấp đôi so với mức trung bình của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Thực tế này khiến cho môi trường học tập và làm việc tại đây trở nên vô cùng cạnh tranh, kéo theo số người mắc chứng trầm cảm và vấn nạn tự sát tăng cao. Đỉnh điểm là cách đây 2 năm, Hàn Quốc đã là quốc gia có tỉ lệ tự sát cao nhất trong khối OECD - cao hơn gấp 2 lần so với tỉ lệ tại Mỹ và gần 4 lần so với tại Anh.
Theo Hiệp hội phòng chống nạn tự tử tại Hàn Quốc, áp lực tài chính, bệnh tật, sự cô đơn và các vấn đề phát sinh từ những mối quan hệ là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trầm cảm và nạn tự tử tại xứ kim chi.
Mối đe dọa chiến tranh từ Triều Tiên không nằm trong danh sách này.
Theo nhà tâm lý học Sim Min-young tại Trung tâm quốc gia sức khỏe tâm thần Hàn Quốc, "Đa phần bệnh nhân tới đây điều trị là vì các nguyên nhân xuất phát trong cuộc sống hàng ngày như không tìm được việc làm chẳng hạn. Thậm chí cả những người đã có việc làm thì cũng cần hỗ trợ để thích nghi với môi trường làm việc. Chứ họ không tới để điều trị vì lo lắng chiến tranh với Triều Tiên".
Ông Sim nói, nếu người Hàn Quốc phải đối mặt với thiên tai như siêu bão Irma ở nước Mỹ thì họ sẽ vô cùng chủ động đối phó như lên kế hoạch sơ tán hay tìm chỗ trú ẩn. Nhưng họ lại bị tê liệt và mất phương hướng trước các cuộc tấn công hạt nhân.
"Chúng tôi không biết cần phải làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình nếu xảy ra vụ nổ bom hạt nhân chỉ cách nơi ở chúng tôi vài km," ông Sim nhận xét.
Jang Yong-jun, một thầy bói người Hàn Quốc, tại nhà riêng ở Seoul, ngày 13/9/2017 (Ảnh: REUTERS/Kim Hong-Ji)
Liệu pháp tinh thần
Đối với những người thực sự lo lắng về chiến tranh, họ cũng chẳng có nhiều sự lựa chọn. Một số người đã nghĩ đến phương án sơ tán tới những địa điểm mà đạn pháo của Triền Tiên không bắn tới được. Doanh số của các mặt hàng sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như bật lửa, còi báo động và gói thực phẩm cũng tăng theo.
Những người khác thì lại tìm đến các hình thức trấn an bằng tinh thần. Nhà thờ thảo luận về vấn đề Triều Tiên nhiều hơn trong các buổi cầu nguyện và giảng đạo.
"Tôi không nghĩ sẽ xảy ra chiến tranh nhưng chẳng ai biết chuyện gì có thể xảy ra. Tôi cầu nguyện để Chúa chỉ đường cho mọi người đi qua thời khắc khó khăn này," Mục sư chính Choi Ei-woo của Nhà thờ công giáo Chongkyo tại trung tâm Seoul nói.
Tại 1 ngôi chùa ở Seoul, bà Mun Myung-ha 59 tuổi nói rằng bà thường tới đây để cầu nguyện với hi vọng chiến tranh sẽ không xảy ra.
Bà Mun nói, "Triều Tiên đang tiến hành ngày càng nhiều các vụ thử hạt nhân và mỗi khi nghe tin về một vụ thử mới, tim tôi lại đập liên hồi".
Một số người lại tìm đến dịch vụ bói toán để được nghe những dự báo về tương lai. Cứ 10 khách hàng lại có 6 người hỏi về khả năng xảy ra chiến tranh, bên cạnh các câu hỏi thông thường về tình yêu hay hôn nhân.
Tuy có quan tâm, nhưng những người này đều không hề có bất cứ 1 sự chuẩn bị gì trong trường hợp xảy ra chiến tranh thực sự.