Cuộc chiến với loài côn trùng 'khó chịu nhất thế giới' ở quốc gia tỉ dân ở Nam Á

Bảo Nam |

Người dân ở các thành phố Ấn Độ từ lâu đã sử dụng các biện pháp tự chế, chi phí thấp để xua đuổi muỗi dù biết chúng có thể gây hại cho sức khỏe chính mình.

Mỗi khi mặt trời bắt đầu lặn trên Delhi, lãnh thổ thủ đô của Ấn Độ, thì Rani, 45 tuổi, lại xắn chiếc quần dài lên để có thể ngồi xổm bên cạnh chiếc chảo sắt đặt ở ngay bên ngoài nhà cô và đốt một que diêm. Túi nhựa đựng hàng tạp hóa là những vật dụng đầu tiên bắt lửa. Chẳng bao lâu những chiếc bánh phân bò bốc cháy, viền màu nâu của chúng rực sáng trong ánh hoàng hôn. Rani ho khi khói bốc lên từ chảo.

Xung quanh, những người hàng xóm của Rani cũng thực hiện một màn trình diễn tương tự. Một số khay đựng trứng dưới đất để đầy phân bò khô, hoặc các bó túi ni lông, nhưng dù là loại nào thì mục đích đều giống nhau. Họ đang xua đuổi muỗi bằng khói và các loại khí độc hại khác nhau. Người Ấn Độ từ lâu đã sử dụng phương pháp tự chế này để xua đuổi côn trùng, nhưng trong vài năm qua, khi số lượng muỗi của thành phố này có dấu hiệu bùng nổ, việc đốt mọi thứ đã trở thành một nghi thức hàng đêm trong các khu nhà ở thu nhập thấp trên khắp thành phố 30 triệu người này.

Theo một cuộc khảo sát gần đây do Tổng công ty thành phố Nam Delhi thực hiện, mật độ muỗi ở Delhi cao hơn gần 9 lần so với bình thường vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, tăng 50% so với năm trước. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã không đưa ra các phản ứng mạnh mẽ vì loài côn trùng này thuộc giống Culex, vốn được biết đến là loài không truyền các bệnh nổi tiếng như sốt rét, sốt xuất huyết hay bệnh chikungunya.

Nói riêng về bệnh sốt rét, Ấn Độ đã đạt được thành công trong việc giảm thiểu dịch bệnh này. Nhưng ngay cả khi số ca tử vong do sốt rét đang giảm, số lượng muỗi - đặc biệt là ở các khu vực thành thị - vẫn tăng lên. Ramesh C Dhiman, một chuyên gia về dịch tễ học sốt rét, người đã dành ba thập kỷ làm nghiên cứu viên của chính phủ tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ trước khi trở thành một nhà tư vấn độc lập, cho biết điều này một phần là do biến đổi khí hậu. Các quần thể muỗi đang gia tăng ở các quốc gia khác, không chỉ do biến đổi khí hậu, mà còn bởi sự gia tăng của đô thị hóa và sự phân hủy của DDT (một loại hóa chất độc hại từng được dùng phổ biến để diệt côn trùng) tồn dư trong môi trường.

Cuộc chiến với loài côn trùng khó chịu nhất thế giới ở quốc gia tỉ dân ở Nam Á - Ảnh 1.

Mỗi khi mặt trời lặn, người dân New Delhi lại bắt đầu “thủ tục” xua đuổi muỗi.

Người phát ngôn của chính quyền thành phố Delhi, Amit Kumar, nói rằng chính quyền địa phương đã thực hiện một số hành động để chống lại vấn đề này, bao gồm phun thuốc diệt côn trùng trên các cống rãnh công cộng và các vùng nước tù đọng, vốn là nơi sinh sản của muỗi.

Nhưng các biện pháp này chỉ là tạm thời và không giải quyết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, theo một quan chức y tế công cộng ở Delhi, người yêu cầu giấu tên để đảm bảo quyền riêng tư.

Sự khó chịu của muỗi trong khu phố của Rani không đến mức khiến trẻ em và người lớn phải vật lộn thao thức suốt cả đêm. Mặc dù chưa có nhiều vấn đề ở Delhi, nhưng người dân cũng có thể đối mặt với một số nguy cơ mắc các bệnh do muỗi Culex truyền, bao gồm cả bệnh do virus Tây sông Nile và viêm não Nhật Bản. Theo các chuyên gia, nguy cơ này có thể tăng lên khi muỗi tiến hóa để đáp ứng với điều kiện khí hậu thay đổi. Hiện tại, các biện pháp đuổi muỗi tự chếchi phí thấp như dùng khói và thuốc diệt côn trùng chỉ như một giải pháp cứu trợ tạm thời. Nhưng các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những cách tiếp cận này có nguy cơ đối với sức khỏe con người và không giải quyết được các vấn đề cơ bản, nguồn gốc việc đã cho phép loài muỗi sinh sôi nảy nở ngay từ đầu.

Sự gia tăng của muỗi Culex ở Delhi xảy ra vào thời điểm các quan chức y tế công cộng đang tuyên bố những chiến thắng đáng chú ý chống lại các loại muỗi khác, bao gồm cả giống Anopheles truyền bệnh sốt rét. Nhưng các chuyên gia về muỗi nói rằng mặc dù những chiến dịch đó đã cứu được nhiều mạng người, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp. Và đặc biệt chính những thay đổi đã làm giảm số lượng muỗi Anopheles có thể cho phép các loài muỗi khác phát triển mạnh. Và trong bối cảnh khí hậu thay đổi, muỗi đã tìm ra những ngóc ngách mới để khai thác và sinh tồn, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.

Trong vài thập kỷ qua, tình hình dịch bệnh sốt rét trên toàn cầu đã giảm bớt, một phần nhờ vào các biện pháp can thiệp như sử dụng màn chống muỗi và thuốc diệt côn trùng được sử dụng để nhắm vào dòng muỗi Anopheles. Ở Ấn Độ, những giải pháp can thiệp như vậy đã được thực hiện với sự giúp đỡ của một cơ quan chính phủ có tên là Trung tâm Quốc gia về Kiểm soát Vector truyền bệnh. Những nỗ lực của chương trình đã giúp giảm đáng kể số ca tử vong do sốt rét trong những năm gần đây.

Vas Dev, một quan chức chính phủ đã nghỉ hưu, người đã làm việc ở đông bắc Ấn Độ trong gần ba thập kỷ, cho biết nạn phá rừng có thể góp phần làm giảm tỷ lệ sốt rét ở Ấn Độ, nhưng đó là cái giá phải trả quá đắt. Đô thị hóa gia tăng tạo ra nhiều môi trường sống hơn cho các loài muỗi ưa thích cảnh quan đô thị và ngoại ô, bao gồm giống Culex và Aedes, giống muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, Zika và chikungunya. Kể từ năm 1970, bệnh sốt xuất huyết đã lây lan nghiêm trọng ở các nước nghèo, giết chết hàng nghìn người mỗi năm, chủ yếu là trẻ em.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu để hiểu rõ hơn về việc thay đổi cảnh quan và khí hậu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các quần thể muỗi trong tương lai. Ở Delhi, biến đổi khí hậu đã kéo dài mùa sinh sản của muỗi bằng cách khiến những tháng từng mát mẻ trước đây nay có nhiệt độ cao hơn. Mưa không theo định kỳ cũng đã thúc đẩy quần thể muỗi bằng cách tăng độ ẩm và góp phần làm đọng nước trong môi trường. Do đó, các khu vực có thể đã từng trải qua mùa muỗi kéo dài một tháng, nay đang phải trải qua các mùa muỗi kéo dài từ sáu đến tám tháng.

Cuộc chiến với loài côn trùng khó chịu nhất thế giới ở quốc gia tỉ dân ở Nam Á - Ảnh 3.

Nước đọng là nơi sinh sản của muỗi.

Các loài côn trùng từ lâu được biết là có thể thích nghi nhanh chóng với những thay đổi trong môi trường địa phương của chúng. Karthikeyan Chandrasegaran, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Virginia Tech, người có chuyên môn về sinh thái tiến hóa và sinh học muỗi, cho biết muỗi Anopheles cung cấp một ví dụ thú vị. Loài côn trùng truyền bệnh sốt rét này được biết là có thể hút máu vào thời điểm trời chạng vạng và lúc bình minh. Vì vậy, các tổ chức y tế công cộng làm việc ở châu Phi khu vực cận Sahara đã đầu tư màn ngủ cho người dân địa phương ở đó. Ban đầu, những biện pháp can thiệp này tỏ ra hiệu quả, nhưng trong vòng chưa đầy một thập kỷ, các ca bệnh đã tăng đột biến. Hóa ra muỗi đã chuyển giờ kiếm ăn vào sáng sớm, sau khi mọi người ra khỏi giường. Muỗi cũng có thể phát triển khả năng chống lại các loại thuốc diệt côn trùng thường được sử dụng.

Chandrasegaran nói các cư dân sống ở nhiều thành phố Ấn Độ có thể gặp phải gánh nặng chồng chất của nhiều vấn đề. Quản lý chất thải kém, thiếu vệ sinh và tưới tiêu đều tạo cơ hội cho côn trùng phát triển mạnh. Một số thành phố như Delhi cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, điều khiến người dân phải tích trữ nguồn cung khan hiếm trong những chiếc xô và chúng có thể trở thành địa điểm cho muỗi phát triển. Những điều kiện này ít nghiêm trọng hơn ở các vùng nông thôn, nơi cũng có nhiều loài thiên địch của muỗi hơn, bao gồm một số loài cá và ếch.

Nhưng khu vực nông thôn cũng có những thách thức, bao gồm cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe kém và nhận thức kém về các bệnh do vector truyền bệnh. “Vì vậy, có thể sẽ phải điều chỉnh giải pháp khác nhau giữa các khu vực thành thị, ngoại ô, nông thôn, các khu vực có rừng”, Chandrasegaran nói. “Nếu không xác định chính xác các vấn đề, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để thực hiện một kế hoạch chung trên toàn quốc, và điều này sẽ lãng phí rất nhiều thứ.”

Cuộc chiến với loài côn trùng khó chịu nhất thế giới ở quốc gia tỉ dân ở Nam Á - Ảnh 4.

Muỗi đang phát triển mạnh ở khu vực thành thị tại Ấn Độ, bất chấp các biện pháp của chính quyền địa phương.

Rani, giống như nhiều người khác, ngồi bên ngoài cửa cùng các con mình trên chiếc chõng không xa cái chảo sắt và nhìn làn khói tỏa đều. Họ trò chuyện về ngày hôm đó, và một trong những cô con gái của Rani, Meenakshi, đã đề cập đến việc giáo viên đã yêu cầu cả lớp tham gia vào một hoạt động chánh niệm như thế nào. Bọn trẻ phải nhắm mắt và thả lỏng cơ thể. Không giống như các bạn học của mình, Meenakshi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bởi trong thực tế, cô nói với mẹ rằng cô đã ngủ.

Rani đón nhận thông tin này một cách bình tĩnh. Cô giải thích với con gái rằng vào đêm hôm trước, muỗi đã khiến con khó ngủ. Nhiều trẻ em ở đây thường trốn học vì kiệt sức vào buổi sáng, một hiện tượng phổ biến khiến trẻ em ở khu vực có thu nhập thấp không đến lớp. Người lớn thậm chí cũng khó để ngủ trong mùa muỗi. Một phụ nữ nói rằng huyết áp của cô ấy tăng lên khi muỗi trở nên dày đặc. Những người dân khác cho biết họ đã ngủ trên xe buýt, xe kéo và xe lửa khi đi làm hay phải đi xa.

Một số gia đình để chảo cháy suốt đêm, nhưng khi Rani chuẩn bị đi ngủ, cô ấy tưới nước vào chảo để cô không cảm thấy ngạt thở vì khói khi cố gắng ngủ. Rani và các con của cô có sử dụng màn chống muỗi, nhưng họ hiếm khi ở cả đêm sau tấm chắn bảo vệ mỏng manh của nó. Cô nói, đôi khi bọn trẻ cần phải đứng dậy để đi vệ sinh hoặc lấy nước uống, hoặc chúng quá nóng trong người. Và ngay cả một lỗ nhỏ trên lưới cũng có thể cho muỗi lọt vào.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng màn chống muỗi có thể bảo vệ người dùng cá nhân đồng thời giảm sự lây truyền bệnh trong cộng đồng. Mặc dù vậy, nhiều cá nhân sở hữu màn lại không sử dụng chúng một cách nhất quán. Một nghiên cứu nhỏ được thực hiện tại các gia đình ở châu Á và châu Phi cho thấy màn làm giảm luồng không khí. Và trong những ngôi nhà như của Rani, nơi thiếu điện thường xuyên để chạy quạt hoặc máy lạnh, luồng không khí giảm có thể khiến bạn thậm chí còn khó ngủ hơn vào ban đêm.

Nhưng các biện pháp tự chế đã trở nên phổ biến ở nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ lại mang đến những vấn đề riêng. Palak Balyan, một nhà khoa học ở New Delhi, người làm việc cho Viện Hiệu ứng Sức khỏe phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, cho biết việc đốt cháy bất kỳ loại vật liệu nào đều tạo ra các hạt nhỏ gọi là PM2.5 , một loại ô nhiễm không khí gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm. Nghiên cứu cho thấy rằng lượng khí thải PM2.5 đã rút ngắn tuổi thọ trung bình của người dân ở Delhi tới 10 năm. Trong khi nguồn ô nhiễm lớn nhất ở Delhi là giao thông vận tải, các chuyên gia lo ngại rằng việc kiểm soát muỗi tự chế đang làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Ngoài việc đốt phân bò và nhựa, người dân Delhi còn sử dụng các loại nhang vòng, chất lỏng và hương để xua đuổi côn trùng bằng mùi và khói. Tác động của các chất xua muỗi đó đối với sức khỏe con người chưa được ghi nhận đầy đủ, nhưng các nghiên cứu hiện có cho thấy rằng có thể cần phải thận trọng. Một nghiên cứu cho thấy rằng đốt một cuộn nhang vòng sẽ giải phóng lượng PM2.5 tương tự như đốt 75 đến 137 điếu thuốc lá. Một nghiên cứu khác đã tìm thấy các kim loại nặng như kẽm, cadmium và chì trong các loại nhang vòng đuổi muỗi phổ biến.

Trên trang web của mình , Trung tâm Quốc gia về Kiểm soát Các Vector truyền bệnh của Ấn Độ đã liệt kê việc sử dụng các chất đuổi muỗi này là một trong số các chiến lược để kiểm soát côn trùng. Tuy nhiên, quan chức y tế công cộng giấu tên ở Delhi đã mô tả đây là một chiến lược ngắn hạn và đáng ngờ về hiệu quả. Bởi ở Ấn Độ, chúng là một phần của việc kinh doanh trị giá 50 tỷ rupee - hơn nửa tỷ đô la - nhưng chúng không phải là một giải pháp. Và các chất xua đuổi thậm chí không giết được muỗi, chúng chỉ đẩy côn trùng đi nơi khác. Quan chức này cho biết, muỗi chỉ di chuyển từ nơi này sang nơi khác nhưng chúng không chết.

Cuộc chiến với loài côn trùng khó chịu nhất thế giới ở quốc gia tỉ dân ở Nam Á - Ảnh 6.

Các biện pháp diệt trừ muỗi hiện nay tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân Ấn Độ.

Một số nhà nghiên cứu nói rằng các thành phố tự quản cần phải đẩy mạnh và giải quyết muỗi để gánh nặng không rơi vào các cá nhân. Điều này có nghĩa là phải giám sát côn trùng tốt hơn, cũng như cải thiện hệ thống vệ sinh và thoát nước. Ví dụ như ở khu phố của Rani, các ngôi nhà không có hệ thống ống nước trong nhà nên nước thải chảy thẳng ra đường, tạo ra môi trường sinh sản cho muỗi. Cống lớn nhất của thành phố, dẫn nước thải ra sông địa phương, cách ngôi nhà một phòng của Rani chỉ khoảng 3 mét.

Chất lượng nhà ở cũng rất quan trọng. Chuyên gia về muỗi Dhiman cho biết muỗi thích không gian tối tăm, ẩm thấp và không thông thoáng và đó cũng thường là nơi sinh sống của những cư dân nghèo nhất Ấn Độ. Nhà của Rani chỉ có một cửa sổ, thường xuyên mở để không khí có thể lưu thông. Mặc dù vậy, hơi ẩm vẫn đọng lại trên nền đất và tường xi măng. Một bóng đèn nhỏ treo trên dây điện trên trần nhà, cung cấp nguồn ánh sáng rất ít.

Ở bên ngoài ngôi nhà đó, khi buổi tối đang dần trôi qua, Meenakshi đang làm bài tập. Cô bé vẫn ngồi trên chiếc chõng, tay cứ mải mê lật giở những trang sách, để quạt cho làn khói tỏa đi. Cô cũng xua muỗi, tay gãi vết muỗi cắn. Rani đang nghĩ đến việc mua một loại thuốc bôi ngoài da, nhưng loại thuốc này rất đắt và chẳng ai biết được liệu nó có hiệu quả hay không. Có lẽ tối nay Rani sẽ để chảo cháy, chỉ để thử xem nó có giúp cô ngủ ngon hơn không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại