Ấn vàng được cho là của vua Bảo Đại được đưa lên sàn đấu giá ở Pháp - Ảnh: MILLON.COM
Những ngày qua, dư luận và những người yêu cổ vật ở Huế đang hết sức quan tâm đến thông tin Hãng đấu giá MILLON ở Pháp sẽ cho lên sàn đấu giá 2 món cổ vật được cho là có liên quan đến triều Nguyễn.
Trong đó đáng chú ý là một ấn bằng vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820 - 1841). Chiếc ấn này được hãng đấu giá đưa ra giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu euro (khoảng 49-73 tỉ đồng theo quy đổi ngoại tệ hiện tại).
Bảo vật quan trọng với lịch sử Việt Nam hiện đại
Theo lời giới thiệu của Hãng đấu giá MILLON, ấn vàng này cao 10,4cm, mặt ấn hình vuông nặng 10,78kg. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ 王 (vương: vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng.
Mặt trên của ấn, ở hai bên quai ấn, có khắc chìm hai dòng chữ 明命肆年貳月初肆日吉時 鑄造 (tạm dịch Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo: tức là đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4) và 拾成黃金重貳佰捌拾兩玖錢貳分 (tạm dịch Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân: làm bằng vàng, nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân).
Mặt dưới của ấn khắc nổi bốn chữ triện 皇帝之寶 (tạm dịch Hoàng đế chi bảo: báu vật của hoàng đế).
Đây được cho là ấn tín của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Mặt trên của chiếc ấn vàng - Ảnh: MIILON.COM
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn - nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, chiếc kim ấn được rao bán là một bảo vật của nhà Nguyễn và là một vật chứng lịch sử rất quan trọng đối với lịch sử Việt Nam thời hiện đại.
Theo ông Sơn, chiếc ấn vàng này có thể là chiếc ấn được vua Bảo Đại trao trả cho Việt Minh cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều 30-8-1945 tại lầu Ngũ Phụng trên Ngọ Môn.
Hai bảo vật này được vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trao cho đại diện của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với câu nói nổi tiếng được sử sách ghi lại "Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ".
Khó đưa cổ vật hồi hương
Theo ông Trần Đức Anh Sơn, sau khi chiếc ấn được vua Bảo Đại giao lại cho chính quyền cách mạng đã được đưa ra Hà Nội trước ngày 2-9-1945. Đến cuối năm 1946, khi thực dân Pháp quay trở lại tái chiếm Hà Nội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa kêu gọi toàn quốc kháng chiến và tiến hành rút lên Việt Bắc.
Chiếc ấn và thanh kiếm của vua Khải Định được cho là đã được bộ đội đem chôn tại một căn nhà ở Hà Nội. Sau đó căn nhà này bị phá hủy. Đến năm 1952 thì quân Pháp tìm thấy hai món bảo vật và trả lại cho vua Bảo Đại lúc này đang là quốc trưởng Quốc gia Việt Nam.
Lúc này vua Bảo Đại cùng Nam Phương hoàng hậu đang ở Pháp nên đã ủy quyền cho đức bà Từ Cung và một bà Mộng Điệp (một bà phi của vua) ở Việt Nam đứng ra tiếp nhận. Đến năm 1953, chiến cuộc ở Việt Nam diễn ra căng thẳng nên vua đã yêu cầu bà Mộng Điệp đưa 2 món bảo vật cùng nhiều tư trang sang Pháp giao cho Nam Phương hoàng hậu cất giữ.
Năm 1972, cựu hoàng Bảo Đại kết hôn với bà Monique Baudot, người Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8-1997, cựu hoàng để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp cho bà Monique Baudot.
Đến năm 2021, bà Monique Baudot qua đời. Do vậy theo ông Sơn, có thể con cháu của bà Monique Baudot đã chọn thời điểm này để nhờ Hãng MILLON đưa ấn vàng ra bán đấu giá.
Cũng theo ông Sơn, việc nhà đấu giá đưa ra số tiền khởi điểm "trên trời" như vậy là trở ngại rất lớn để các bảo tàng công lập ở Việt Nam có thể tiếp cận đưa cổ vật hồi hương.
"Một khi cổ vật đã lên sàn đấu giá công khai, thì giá cả sẽ diễn biến khôn lường, như trường hợp chiếc mũ quan nhất phẩm triều Nguyễn do Hãng Balclis ở Tây Ban Nha đưa ra đấu giá hồi tháng 10-2021 đã tăng vọt từ 600 euro giá khởi điểm lên 600.000 euro", ông Sơn cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thanh Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - nói tỉnh đang theo dõi sát diễn biến của cuộc đấu giá này. Ông Bình cũng cho biết với số tiền khởi điểm được đưa ra như vậy là hoàn toàn "ngoài tầm với" đối với ngân sách tỉnh.
"Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có sự chung tay của xã hội để đưa cổ vật hồi hương", ông Bình nói.
Cục Di sản: Việt Nam cố gắng "hồi hương" 2 cổ vật
Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, nếu cổ vật được đấu giá là ấn "Hoàng đế chi bảo" (thông tin cần được xác định chính xác thông qua các đánh giá và giám định chuyên môn) thì bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa... xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử.
Do vậy, ngay khi nắm được thông tin về việc đấu giá hai cổ vật trên, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao, đồng thời phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp khẩn trương làm việc trực tiếp với Hãng đấu giá MILLON có trụ sở tại Paris để xác minh rõ thông tin.
Nhiều thông tin cần được làm rõ như chủ sở hữu, tính hợp pháp của hai cổ vật, giá dự kiến bán. Và đặc biệt phía các cơ quan chức năng của Việt Nam tìm kiếm khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá, cố gắng "hồi hương" 2 cổ vật nêu trên về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, phù hợp với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.
Thời gian qua, một số nước đã điều tra và hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam: Nhật Bản trao trả chuông chùa Ngũ Hộ (tỉnh Bắc Ninh năm 1978), Đức trao trả 18 cổ vật năm 2018, Mỹ trao trả cổ vật buôn bán trái phép vào Mỹ năm 2022…
Đồng thời, những năm gần đây có một số cá nhân, tổ chức đã tham gia đấu giá cổ vật có nguồn gốc Việt Nam và sau đó hiến tặng cho các bảo tàng, di tích, như xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022.
THIÊN ĐIỂU