Cuộc chiến bầu trời trở thành trọng tâm mới trong xung đột Nga-Ukraine

Hoàng Phạm |

Trận chiến trên bầu trời đang trở thành trọng tâm của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cả hai bên đều tìm đến đồng minh của mình để có thêm các loại vũ khí mới.

Khi giới chức Ukraine tiếp nhận các hệ thống phòng không tiên tiến hơn của phương Tây, họ cũng cảnh báo rằng, Nga đang tìm mua các vũ khí tầm xa mới mà Kiev ít có khả năng đối phó, cụ thể là tên lửa đạn đạo từ Iran.

Với việc các diễn biến trên thực địa đang giảm tốc, trận chiến trên bầu trời Ukraine trở thành trọng tâm của cuộc xung đột hiện nay. Cả hai bên đều đang tìm đến các đồng minh của mình để có thêm các loại vũ khí mới.

Cuộc chiến bầu trời trở thành trọng tâm mới trong xung đột Nga-Ukraine - Ảnh 1.

Lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga trong một cuộc tập trận. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Nga tiếp tục mua UAV và tên lửa Iran?

Trong hơn 1 tháng qua, quân đội Nga đã tăng cường tấn công vào sâu bên trong phòng tuyến của đối phương, nhắm vào các thành phố trên khắp Ukraine, đặc biệt là nhà máy điện và các cơ sở cung cấp nước.

Giới chức Ukraine và phương Tây cho rằng, kho dự trữ tên lửa dẫn đường chính xác của Nga cũng như UAV đã cạn kiệt, khiến Moscow phải tìm đến Iran.

Hãng tin Sky News ngày 8/11 dẫn nguồn tin an ninh cho biết, Nga đã vận chuyển 140 triệu euro tiền mặt cùng một số mẫu vũ khí thu được của Anh và Mỹ tới Iran để đối lấy hàng chục UAV sau đó sử dụng ở Ukraine. Hoạt động này diễn ra vào cuối tháng 8.

Trong vài ngày qua, Nga và Iran cũng đã đạt được một thỏa thuận mới về UAV trị giá 200 triệu euro (174 triệu bảng).

Người phát ngôn Không quân Ukraine ngày 7/11 cho biết Moscow và Tehran đã hoàn tất thỏa thuận theo đó Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo Fateh-110 và Zolfaghar cho Nga.

Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder, ngày 8/11 cho biết ông không thể chứng thực điều này, nhưng nhấn mạnh, đây là thông tin đáng quan ngại.

“Nếu nhận thấy tên lửa đạn đạo của Iran được sử dụng trên chiến trường ở Ukraine, chúng tôi sẽ làm những gì có thể để làm sáng tỏ điều đó”, ông Ryder cho biết thêm.

Ukraine tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã thành công trong việc bắn hạ UAV và tên lửa hành trình của Nga, mặc dù một số tên lửa vẫn có thể xuyên qua và gây ra thiệt hại lớn. Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo với tốc độ bay nhanh hơn nhiều, là thách thức rất lớn.

Phương Tây tăng cường viện trợ Ukraine

Đầu tuần này, Mỹ và các đồng minh đã chuyển giao cho Ukraine 2 bệ phóng tên lửa phòng không NASAMS đầu tiên, một số bệ phóng khác sẽ được chuyển giao trong thời gian tới.

“Chúng tôi có thể nói rằng các cuộc tấn công tên lửa và UAV của Nga liên tiếp trong thời gian gần đây chỉ dẫn đến việc thế giới đáp trả bằng các gói viện trợ mới cho Ukraine”, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết trong bài phát biểu đêm 7/11.

Ông Zelensky nhấn mạnh, lập trường của Ukraine về hòa bình với Nga không hề mềm mỏng đi mà ngược lại ngày càng cứng rắn hơn, sau khi có các thông tin cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đã kín đáo yêu cầu Kiev thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán.

Trong một tuyên bố qua video ngày 8/11, Tổng thống Ukraine Zelensky đưa ra các điều kiện để nối lại đàm phán với Nga: “Tôi muốn nhắc lại một lần nữa: khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, bồi thường thiệt hại do chiến tranh, trừng phạt mọi tội phạm chiến tranh và đảm bảo rằng điều này sẽ không tái diễn. Đây là những điều kiện hoàn toàn dễ hiểu”.

Ông đồng thời kêu gọi các cường quốc trên thế giới “buộc Nga tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình thực sự”.

Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đã “liên tục đề xuất” nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng Nga chỉ đáp lại “bằng các cuộc tấn công, các cuộc pháo kích mới”.

Trong một tuyên bố trên Twitter, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Zelensky, ông Mykhailo Podolyak, nhấn mạnh rằng mặc dù “Ukraine chưa bao giờ từ chối đàm phán”, nhưng các cuộc đàm phán như vậy sẽ không thể bắt đầu cho đến khi quân đội Nga rút khỏi Ukraine. Theo ông Podolyak, vì Tổng thống Vladimir Putin có vẻ chưa sẵn sàng làm như vậy nên Ukraine “sẽ đàm phán với nhà lãnh đạo tiếp theo” của Nga.

Ukraine tìm cách đối phó tên lửa Iran

Iran thừa nhận cung cấp UAV cho Nga, nhưng với số lượng hạn chế và việc này được thực hiện từ vài tháng trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, Tehran bác bỏ việc cung cấp tên lửa cho Nga.

Trong khi đó, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, cho rằng Iran có thể chuyển tên lửa cho Nga vào cuối tháng 11 này.

Theo New York Times, một số mẫu tên lửa của Iran có tầm bắn vài trăm km. Nếu được phóng từ lãnh thổ do Nga kiểm soát, tên lửa của Iran có thể tấn công bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Ukraine.

“Đó là một mối đe dọa nghiêm trọng bởi vì tên lửa của Iran có độ chính xác khá cao, tốc độ rất cao và những đặc tính này đã chứng minh hiệu quả trong thực chiến”, ông Budanov cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với War Zone.

Trong những tuần đầu tiên sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhu cầu trọng tâm của Kiev là tên lửa chống tăng di động để ngăn chặn đà tiến của Moscow. Sau khi các cuộc tấn công của Nga chậm lại và chuyển sang chiến lược pháo kích vào các thành phố và thị trấn, nhu cầu trọng tâm của Ukraine là những hệ thống pháo ngày càng tiên tiến hơn. Hiện giờ, loại vũ khí mà Kiev cần nhất là các hệ thống phòng không.

Ukraine đã yêu cầu các nước phương Tây cung cấp các hệ thống có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo. Với tốc độ bay gấp vài lần âm thanh, chúng khó bị đánh chặn hơn nhiều so với tên lửa hành trình hoặc UAV di chuyển chậm. Tướng Budanov đề cập đến các loại vũ khí có thể tấn công khu vực phóng tên lửa của Nga, nhưng Mỹ và các nước khác vẫn ngần ngại cung cấp cho Ukraine các phương tiện để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga, điều mà Điện Kremlin cảnh báo sẽ là một sự leo thang nguy hiểm.

Theo quân đội Ukraine, các hệ thống phòng không IRIS-T tối tân của Đức – rất mới và chưa từng được sử dụng trên chiến trường - có hiệu quả cao trong việc bắn hạ tên lửa của Nga trong đợt không kích vào cuối tháng 10. Tuy nhiên cả IRIS-T và NASAMS đều không được thiết kế để chống lại tên lửa đạn đạo và cũng không hiệu quả về mặt kinh tế khi đối phó với UAV, bởi mỗi quả tên lửa phòng không có giá đắt đỏ hơn nhiều so với mỗi chiếc UAV./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại