Cuộc chạy đua tìm "kho báu Yamashita"

Kỳ Phương |

Kể từ cuối năm 1963 trở về sau, có ít nhất 6 cá nhân nộp đơn lên chính quyền Sài Gòn xin trục vớt đoàn tàu chở báu vật bị đánh chìm trong Thế chiến II, trong đó có cá nhân xin nộp 100 tỷ đồng bạc vào ngân sách để giành quyền khai thác…

Câu chuyện về đoàn tàu chở báu vật của Yamashita Kho báu dưới đáy biển miền Trung: Sự xuất hiện của đoàn chuyên gia Nhật

Thi nhau "đếm cua trong lỗ"

Nói về Công ty Tàu Việt, sau khi có "giấy phép miệng" của "lãnh chúa Miền Trung" Ngô Đình Cẩn, đầu 1962, một nhóm thợ lặn hơn 10 người, trong đó có 3 người Việt Nam từng theo ông K. Matsui, ra biển Quy Nhơn dò tìm.

Sau một năm rưỡi ngụp lặn "mò kim đáy biển", 24-6-1963, công ty đã mang về nộp cho "lãnh chúa" 35 kg hợp kim Antimon - một loại nguyên tố độc hại, được cho là nằm trong những kim loại dùng để chế tạo đầu đạn - theo lời phía bên khai thác là lấy lên từ hai con tàu chìm trong vùng biển Bình Định để xin giấy phép khai thác chính thức. Công ty Tàu Việt chẳng những không được cấp giấy phép mà khoản phí 50.000 đồng nộp trước đó cũng không được trả lại.

Giống như lần trước, văn phòng "lãnh chúa" thông báo: cứ tiếp tục lặn nhưng phải nộp thêm phí khoản 50.000 đồng nữa. Vì kinh nghiệm "xương máu" làm ăn với "lãnh chúa" nhiều lần, không có gì chứng minh về mặt pháp lý, bên khai thác đã ngay lập tức nghĩ đến nhiều khả năng sẽ bị mất trắng dẫu có vớt lên cả con tàu chở báu vật cũng như không.

Đôi khi còn mắc nạn, thà bỏ dở công việc chờ cơ hội khác đứng ra khai thác hoặc chính thức hợp tác với chính quyền khai thác vừa được danh chính ngôn thuận, vừa bảo đảm toàn vẹn cho cả pháp lý và quyền lợi. Quá thất vọng với cái kiểu làm tiền trắng trợn của "lãnh chúa miền Trung", Công ty Tàu Việt bỏ về Sài Gòn, không tìm kiếm, khai thác nữa.

Hơn nữa, vào thời điểm này câu chuyện truy tìm những con tàu chở báu vật không còn bí mật như trước nữa mà nó đã tới tai nhiều người. Một phần vì trước đây ông K. Matsui không xin được giấy phép đã tự giải quyết bằng cách hợp tác riêng với các đơn vị tư nhân, nội vụ từ đó dần mà bị tiết lộ. Đặc biệt là kể từ khi K. Matsui bán tài liệu cho Công ty Tàu Việt.

Thực ra trước khi bán tài liệu, K. Matsui đã nhờ nhóm cán bộ cao cấp trong Bộ Quốc gia Giáo dục do ông Vũ Đình Ban hướng dẫn gửi đơn xin trục vớt đoàn tàu tới Ngô Đình Diệm. Nhưng kết quả không thành, vì ông Ban trình bày vấn đề không thấu đáo, trong khi bằng chứng thuyết phục nhất là tấm bản đồ tọa độ cùng tài liệu liên quan được xem là "vật bất ly thân" không được ông K. Matsui cho phép mang theo nên thiếu chứng cứ thuyết phục được tổng thống Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ.

Lúc ấy nhiều nghi vấn được đặt ra. Ông "trùm mật vụ" Trần Kim Tuyến, người biết rất rõ lai lịch K. Matsui, cho rằng năng lực trình bày của nhóm cán bộ này bị hạn chế khiến ông Diệm cảm thấy không đáng tin. Về phương diện ngoại giao, Hiệp ước San Francisco về bồi thường chiến tranh giữa "phe trục" với Đồng Minh đã được ký kết trước đó thì vào thời điểm này hai bên đang "chốt" lại những điều khoản cuối cùng để chuyển ngân theo các điều khoản của Hiệp ước. Chưa nhận được tiền bồi thường chiến tranh, ông Diệm không muốn làm cho vấn đề thêm phức tạp.

Hơn nữa ông Diệm từng nói với các "quân sư" của mình, rằng chiến thắng 1945 là chiến thắng của Đồng Minh, tức có Mỹ, mà Mỹ đang giúp tài lực và nhân lực cho chính quyền Sài Gòn. Vì thế ông Diệm không vì quyền lợi nhỏ mà bỏ qua sự giúp đỡ toàn diện đó? Hơn nữa, bảo rằng đoàn thuyền chở báu vật bị chìm còn mơ hồ, thiếu thực tế thì Công ty Tàu Việt không dại gì bỏ ra nhiều triệu bạc để mua kho tàng còn nằm… dưới đáy biển cả?

Hơn thế, trong suốt 2 thời kỳ của chính quyền Sài Gòn đến lúc ấy vẫn duy trì một ban đặc trách nghiên cứu, tìm kiếm đoàn tàu nói trên, kể cả kho báu được cho là chôn giấu trên những dãy núi ven biển Miền Trung. Đứng đầu Ủy ban là Phó thủ tướng đặc trách kinh tế, các thành viên bao gồm đại diện Bộ Quốc phòng, Nội Vụ, Công chính, Kinh tế và Tài chính.

Tài liệu của Ủy ban này nói chắc phải có báu vật chi đó trên mấy con tàu nên mới có nhiều người đeo đuổi. Bộ trưởng Phủ thủ tướng Bùi Diễm khi đó còn đề nghị Bộ Tài chính nên coi các xác tàu và phiêu vật trên tàu là công sản. Nghĩa là chính quyền VNCH có ý muốn giữ những báu vật ấy lại để tổ chức khai thác, chứ không để các đơn vị tư nhân nhảy vào.

Ký quỹ 100 tỷ đồng bạc để khai thác

Vào thời điểm này của 54 năm trước, sau khi Công ty Tàu Việt thất bại, rút lui, kế đến cái chết của anh em nhà họ Ngô, những tưởng Hội đồng nội các chiến tranh của Dương Văn Minh lơ là trong việc tìm kiếm kho báu.

Nhưng hóa ra giai đoạn này lại là thời gian mà công cuộc tìm kiếm kho báu diễn ra quyết liệt nhất. Bằng chứng trong các tài liệu mà chúng tôi có được, trong đó hầu hết là những tờ "mật trình" và báo cáo "tuyệt mật" thì sau 1963, có ít nhất 6 cá nhân nộp đơn xin chính quyền Sài Gòn cho phép trục vớt đoàn tàu chở báu vật.

Cuộc chạy đua tìm kho báu Yamashita  - Ảnh 1.

Đơn xin vớt xác tàu của ông Đoàn Văn Khinh.

Trong số này có 3 ông Đoàn Văn Khinh (Phú Nhuận, Sài Gòn); Phan Chu Tế (Đại lộ Hậu Giang, Chợ Lớn) và ông Hà Khương (ngụ trên đường Cường Để, Quy Nhơn, Bình Định). Ngoài đơn còn có nhiều tài liệu, kế hoạch trục vớt đính kèm khá thuyết phục. Điều này đã khiến cho tướng Minh hết sức hứng thú với viễn cảnh một ngày gần nhất sẽ sở hữu đoàn tàu chở báu vật, dẫu rằng nó còn nằm đâu đó dưới đáy biển khơi.

Trong đơn gửi cho tướng Minh, chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng ngày 24-2-1964, ông Khinh khẳng định hồi năm 1958, từng nhiều lần thuê tàu đánh cá của ông Lưu Thiện Chức để chở một nhóm người Nhật đi thăm dò trên hai vùng biển Quảng Ngãi và Quy Nhơn. Trong những lần đi thăm dò đều có mặt hai người mà ông biết rõ tên là Sakamoto và K. Matsui.

Ông nhớ có lần đang đi trên vùng biển Quy Nhơn, ông K. Matsui giở tấm hải đồ được đánh dấu chi chít và nói trong Thế chiến II Nhật bị Đồng Minh đánh chìm nhiều tàu chiến trong hải phận Việt Nam, trong đó có 4 chiếc chở quý vật ước lượng hàng trăm tỷ đồng bạc. Ông Khinh cam kết nếu chính quyền đồng ý ông có thể xúc tiến trục vớt ngay trong tháng 3 tới. Đây là thời điểm sóng yên biển lặng nhất trong năm.

Hai vùng biển Quảng Ngãi và Quy Nhơn được ông chọn trục vớt đầu tiên, mỗi đợt 15 ngày với khoảng 25 nhân viên, trong đó có 2 chuyên viên hóa chất và 3 cựu quân nhân người nhái của Hải quân Sài Gòn. Ông dự kiến sẽ lấy lên khoảng 2.000 tấn Antimon, 1.500 tấn đồng đỏ, giá trị của chúng có thể lên đến 500 triệu bạc. Ngoài ra còn có thể lặn cắt hoặc trục vớt hàng chục ngàn tấn sắt từ xác những chiến hạm bị chìm. Sau cùng ông đề nghị thể thức ăn chia 45% cho chính phủ, phần ông 55% là hợp lý.

Cuộc chạy đua tìm kho báu Yamashita  - Ảnh 2.

Đơn xin vớt xác tàu của ông Phan Chu Tế.

Khác với ông Khinh, trong đơn đề ngày 2-3-1964, ông Phan Chu Tế khẳng định ông đang có trong tay một tài liệu bí mật của quân đội phát xít Nhật trong Thế chiến II. Tài liệu này được cựu đại tá người Nhật tiết lộ cho ông trong khoảng thời gian từ 1959 - 1961, trước khi ông ta bị đảng Hắc Long "xử" chết tại Việt Nam vì tội tiết lộ bí mật đoàn tàu chở báu vật.

Ông nói sở dĩ có tài liệu này là do viên cựu đại tá Nhật nhận ông làm con nuôi. Ông nhớ giữa 1959, cựu đại tá từ Nhật qua Việt Nam mang theo "sứ mạng" vẽ lại bản đồ các hầm chôn giấu báu vật trên những dãy núi ven biển ở cao nguyên Trung phần và đoàn tàu chìm trên biển Việt Nam. Ông ta nói đoàn tàu này có tải trọng từ 3.000 - 3.500 tấn, trong Thế chiến II đổ bộ lên Singapore, Indonesia, Philippines và quần đảo Nam Dương.

Những chiếc tàu này đã thâu tóm rất nhiều ngọc ngà châu báu của các xứ thuộc địa rồi chạy qua vùng biển Việt Nam để về chính quốc. Đặc biệt trong đoàn tàu có hơn 50 chiếc bị chìm này, có 2 chiếc ông nói biết rõ có chở 400 thùng vàng, bạc và 12 thùng kim cương.

Trong đơn, ông Tế còn đề cập đến việc nhiều lần cùng viên cựu đại tá Nhật đi "khảo cứu" tại Đơn Dương và khu vực đèo Ngoạn Mục ở Lâm Đồng. Những chỗ này khi ấy là ba cái hầm tunnel của hãng Hazama đào làm đường ống nhà máy thủy điện Đa Nhim. Cựu đại tá Nhật nói với ông trước đây khu vực này có chôn 38 tấn vàng lấy từ mấy cái nhà băng ở Đông Dương.

Ông ta còn nói mỗi khi chôn xong, những người đào hầm đều bị thủ tiêu tại chỗ. Từ B'Lao (Bảo Lộc) lên Fimon (Đức Trọng, Lâm Đồng) còn chôn hai hầm vàng nữa. Tại Finom, ông Tế nói cựu đại tá Nhật từng tổ chức cho một người đàn bà lai Tàu có chồng là thiếu tá người Nhật bị chết hồi đầu 1945 lén tổ chức khai thác. Viên cựu đại tá Nhật đã đề nghị góa phụ lập một xưởng làm chén lấy tên "Vĩnh Tường công ty".

Cuộc chạy đua tìm kho báu Yamashita  - Ảnh 3.

Tên lửa V2 của Đức Quốc xã được cho là có mặt trong kho báu của đoàn tàu Yamashita.

Theo ông Tế, xưởng chén chỉ là cái cớ để sau này có cơ hội lần hồi sẽ khai thác hầm vàng. Thế nhưng cơ mưu bị bại lộ, đảng Hắc Long cho người "xử" ông ta như đã nói bằng một chén thuốc độc ở Sài Gòn. Trước khi chết, cựu đại tá Nhật "trối" lại với ông Tế rằng, hãy thiêu cốt ông ta theo nghi lễ nhà Phật, sau đó gửi vào chùa và cầu siêu cho ông ta.

Còn với đương đơn Hà Khương gửi cho tướng Minh xin trục vớt xác tàu chìm lại chỉ giới hạn trong vùng biển Qui Nhơn. Mở đầu với tinh thần "đánh giặc phải lo lương", ông Khương nói mình sẵn sàng nộp vào Ngân sách Quốc gia hiện kim và tiền mặt trị giá 100 tỷ đồng bạc để được giành quyền trục vớt tàu đắm trong khu vực này.

Lời đề nghị này không những ông Khương gửi cho Tướng Minh, mà còn gửi trực tiếp cho trung tá Trần Đình Vọng - tỉnh trưởng Bình Định. Trong đơn ông Khương nói báu vật trong những chiếc tàu chìm ở Bình Định trị giá hàng trăm tỷ bạc. Nó là cả kho tàng của Đông Nam Á gom về đây. Nếu trục vớt hết sẽ giúp cho chính quyền giải quyết toàn diện nhu cầu cuộc chiến. Những lời lẽ dường như có cánh của ông Khương báo hại tỉnh trưởng phải giải trình với cấp trên về lý lịch của ông ta.

Có một chi tiết là, trong phần giải trình, tỉnh trưởng Bình Định đã nói rằng hồi Thế chiến II, tàu Nhật chìm trên vùng biển này là có thật, nhưng chỉ độ 10 - 15 chiếc. Trên tàu chở chủ yếu là vật liệu chiến tranh: đạn dược, xăng, dầu, antimon…

Sau Thế chiến vài năm, thỉnh thoảng ngư dân có nhặt được những can dầu trôi trên biển. Nhiều người dân địa phương thấy vậy tổ chức đi lặn vớt bán nên rất khó ước đoán số còn lại. Do đó nếu trung ương xét thấy có thể cho cá nhân khai thác thì tỉnh đề nghị thành lập ngay Ủy ban liên bộ để nghiên cứu trước vấn đề này.

Ngay sau đề nghị trên, nội các Tướng Minh mở cuộc họp và kết quả: chính phủ lấy làm tiếc vì không thể chấp nhận thỉnh cầu của đương đơn. Vì theo một thoả ước cấp chính phủ, vào ngày 11-9-1964, chính phủ đã giao cho hãng tàu Kitagawa quay trở lại trục vớt những chiến hạm này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại