Cùng đối mặt khủng hoảng Covid-19, Mỹ - Trung có cơ hội hiếm hoi để hợp tác nhưng bất thành

Minh Khôi |

Đại dịch có thể là một cơ hội để cải thiện những mối quan hệ đầy mâu thuẫn sâu sắc này, làm chậm lại quá trình xung đột kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cơ hội để hợp tác

Khi virus Corona tiếp tục lây lan khắp thế giới, gây thiệt hại cả về kinh tế và con người, một điều vẫn không thay đổi: sự cạnh tranh siêu cường giữa Bắc Kinh và Washington.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, cả Mỹ và Trung Quốc đều rơi vào tình trạng khẩn cấp quốc gia, tìm cách chặn đứng các liên kết đi lại và tự cô lập khỏi virus Corona.

Trớ trêu thay, mặc dù sự lây lan toàn cầu của virus Corona đã tạo ra một cơ hội hiếm hoi để gác lại sự khác biệt và hợp tác, nhưng không bên nào có vẻ quan tâm đến việc chấp nhận nó, An Gang, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc chuyên về các vấn đề của Mỹ, nhận định.

Nhưng thay vì lãnh đạo thế giới trước mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu đã khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, 2 siêu cường lại bị kẹt trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn, quyết tâm nhìn nhau qua lăng kính của thuyết âm mưu và sự thù địch.

Kể từ khi virus Corona bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, cả 2 nước đã có những phát biểu chống lại nhau, từ nguồn gốc của virus, việc liệu các chuyên gia y tế Mỹ có được phép đến Vũ Hán và đại dịch này là lỗi của ai.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Bắc Kinh và Washington đã mâu thuẫn với nhau về một loạt vấn đề nóng bỏng, như chiến tranh thương mại, Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông và số phận của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei.

Bỏ lỡ cơ hội này, quan hệ Mỹ-Trung đã giảm sâu hơn trong bối cảnh đối kháng tăng vọt ở cả hai nước và thâm hụt niềm tin ngày càng tăng.

Đây là điều đáng tiếc nhưng không đáng ngạc nhiên, An Gang, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa nói.

Sự không tin tưởng đó đã được chứng minh ngay sau khi thành phố Vũ Hán, tâm dịch, được phong tỏa, vào ngày 23/1.

Mỹ là một trong quốc gia đầu tiên sơ tán hàng trăm công dân khỏi thành phố và Bộ Ngoại giao nước này cũng đưa ra cảnh báo cao nhất cho công dân Mỹ, kêu gọi người Mỹ không nên đến Trung Quốc vì dịch bệnh bùng phát.

Trong những tuần sau đó, hơn 60 quốc gia đã áp đặt một số hình thức hạn chế đi lại đối với Trung Quốc và khoảng 20 quốc gia đã sơ tán công dân khỏi Vũ Hán. Nhưng Bắc Kinh dường như đặc biệt nổi giận vì sự phản ứng thái quá của Washington, nói rằng họ đã đặt ra một ví dụ tồi tệ cho các quốc gia khác.

Bắc Kinh khẳng định rằng các động thái của Mỹ dựa trên sự kỳ thị và động cơ chính trị, mà theo lời ông Vương Nghị, đã gây ra sự hoảng loạn không cần thiết.

Các quan chức hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Trump, cũng trực tiếp đổ lỗi cho Bắc Kinh. Ví dụ như khi Trung Quốc từ chối sự giúp đỡ của Mỹ trong việc chống lại virus Corona, các quan chức cấp cao, trong đó có Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia, đã thể hiện sự thất vọng về việc thiếu minh bạch của Bắc Kinh trong kiểm soát dịch bệnh và hợp tác quốc tế.

"Thành thật mà nói, tại thời điểm khủng hoảng này, chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ chiếm được "thế trên" và thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn cho Trung Quốc. Hóa ra, Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến lược của mình với Trung Quốc", ông Yun Sun, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Stimson ở Washington cho biết.

Bệnh dịch lắng xuống, quan hệ lại căng thẳng hơn

Khi các dấu hiệu cho thấy, bệnh dịch đang giảm đi ở Trung Quốc, căng thẳng lại càng nghiêm trọng hơn. Bắc Kinh dường như đang muốn xây dựng lại danh tiếng toàn cầu đã bị ảnh hưởng và đặc biệt nhạy cảm về mối liên kết giữa việc không giải quyết được khủng hoảng của giai đoạn đầu của Trung Quốc với việc dịch bệnh bùng phát trong tháng qua trên toàn cầu, các chuyên gia phân tích.

Tuần trước, Bắc Kinh đã chỉ trích việc Ngoại trưởng Mỹ Pompeo dùng từ "virus Vũ Hán" là rất vô trách nhiệm. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cáo buộc quan chức Mỹ cố gắng đổ lỗi cho Trung Quốc và tuyên bố rằng, việc phong tỏa và một số biện pháp cứng rắn khác của Trung Quốc đã giúp thế giới có thêm thời gian để ứng phó với dịch bệnh.

Một Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khác là Zhao Lijian viết trên Twitter của mình cả bằng tiếng Trung và tiếng Anh rằng, có thể quân đội Mỹ đã đưa dịch bệnh đến Vũ Hán mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Washington đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải về vấn đề này.

"Khủng hoảng cũng cho thế giới thấy điểm yếu của một Trung Quốc mạnh mẽ và siêu cường, trong thực tế, lại dễ bị tổn thương ở bên trong thế nào", nhà nghiên cứu Yun của Stimson Center cho hay.

Theo Yun, có một công thức trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt dưới thời ông Tập Cận Bình. Trung Quốc được định hình với chính sách ngoại giao "chiến binh sói" - hiếu chiến khi có lợi thế và thậm chí còn hiếu chiến hơn khi bị tổn thương, Yun lý giải.

George Magnus, một nghiên cứu viên tại Trung tâm Trung Quốc, thuộc Đại học Oxford cho biết, hy vọng quan hệ Mỹ - Trung thay đổi nhờ khủng hoảng liên quan đến virus Corona là rất tốt nhưng không thực tế.

Mặc dù ông Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ hợp tác để chống lại sự bùng phát của virus Corona trong cuộc điện đàm vào đầu tháng 2, nhưng hầu hết các nhà quan sát nghi ngờ điều này.

Nhưng Chen Xi, Phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Yale, không đồng ý.

"Tôi vẫn tin rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt là nghiên cứu chung và phát triển vắc-xin và điều trị", Chen Xin nói thêm.

Cựu nhà ngoại giao An Gang cũng xác nhận rằng cả hai nước vẫn đang hợp tác, đặc biệt là liên quan đến vắc-xin chống lại virus Corona chủng mới, nhưng ít được đưa tin trên phương tiện truyền thông ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Magnus và các chuyên gia khác cũng chỉ ra rằng các yếu tố đã làm "lạnh" mối quan hệ song phương vẫn tồn tại khi đại dịch suy yếu.

Washington ngày càng rời bỏ các quan hệ đa phương dưới thời Trump, và Bắc Kinh ngày càng hiếu chiến, thì việc 2 nước ngày càng xa cách về cả chính trị và kinh tế dường như là không thể tránh khỏi.

An Gang cũng cho biết xu hướng đi xuống của mối quan hệ song phương đã tăng tốc, bước vào một giai đoạn mới và nhiều rủi ro hơn.

Ông lưu ý rằng, đã có một số thay đổi lớn trong nhận thức của công chúng về cả hai quốc gia.

Một cuộc khảo sát do Gallup thực hiện hồi tháng trước cho thấy cùng với căng thẳng ngày càng sâu sắc về Huawei, tranh chấp hàng hải và các vấn đề an ninh quốc gia, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra đã giáng một đòn mạnh khác vào nhận thức của Mỹ về Trung Quốc, với quan điểm ủng hộ giảm xuống kể từ khi thiết lập quan hệ song phương năm 1979.

Chỉ 33% người Mỹ nhìn nhận Trung Quốc tích cực, thấp hơn 20% so với năm 2018.

Cùng đối mặt khủng hoảng Covid-19, Mỹ - Trung có cơ hội hiếm hoi để hợp tác nhưng bất thành - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại