Rất hiếm khi bắt gặp Zhang Bo không cầm theo máy dò kim loại, bản đồ và xe địa hình.
Sống tại Thượng Hải, Trung Quốc, người thợ săn thiên thạch này đã dành cả ngày để nghiên cứu về những lần thiên thạch rơi và sau đó lặn lội đi tìm những mảnh vỡ - những mảnh đá độc đáo, khó tìm và có giá trị.
Anh Zhang, 41 tuổi, được cho là một thợ săn thiên thạch thành công dù không được đào tạo bài bản. Anh bắt đầu nghiên cứu về thiên thạch sau khi nhìn thấy một vệt cầu lửa trên bầu trời ở miền nam Trung Quốc vào năm 2009.
Năm 2012, anh bắt đầu thực hiện các chuyến thám hiểm tới một số khu vực khắc nghiệt nhất thế giới ở Nga, Pháp, sa mạc Sahara và ở Tân Cương (Trung Quốc). Trong mỗi hành trình của mình, anh mang theo máy dò kim loại để quét mặt đất, tìm đá.
Kể từ đó, anh Zhang đã đi tìm vị trí mà thiên thạch có thể rơi. Anh nói, điều này đã giúp chính quyền Trung Quốc xác định được khu vực có thiên thạch rơi lớn nhất thế giới, dài 425 km, nằm ở Altay, thuộc khu vực Tân Cương xa xôi phía tây của Trung Quốc.
Anh Zhang cho biết, anh đã đến Altay khoảng 20 lần trước khi tìm thấy bất cứ thứ gì có giá trị. "9 trên 10 lần đi khám phá, bạn sẽ chẳng tìm thấy thứ gì", anh nói.
Anh Zhang Bo đi săn thiên thạch
Thợ săn thiên thạch của Trung Quốc
Các vùng đồng bằng rộng và miền núi rộng lớn của Trung Quốc là nơi săn thiên thạch nổi tiếng cho những người đam mê. Một số thiên thạch sắt lớn nhất thế giới đã được tìm thấy ở đây, bao gồm cả khu vực Altray - nơi anh Zhang chạy đua với những thợ săn khác để tìm ra thứ đáng giá.
Theo NASA, khoảng 44 tấn vật liệu thiên thạch rơi xuống Trái đất mỗi ngày. Hầu hết bị đốt cháy trong bầu khí quyển, nhưng một số lại thành công "hạ cánh" ở bề mặt trái đất và ở những nơi kỳ lạ
Nỗi ám ảnh về thiên thạch của Zhang bắt đầu từ năm 2009.
Anh ấy đang trong kỳ nghỉ đạp xe quanh đảo Hải Nam của Trung Quốc thì phát hiện một quả cầu lửa sượt qua bầu trời đêm.
Vào thời điểm đó, anh ấy đang làm việc tại cơ sở kinh doanh trang sức. Nhưng niềm đam mê thiên thạch lớn nhanh, anh bắt đầu học về thiên thạch. Ban đầu, anh học trên mạng nhưng sau đó, anh đã tìm tới Đài thiên văn Purple Mountain (PMO) ở Nam Kinh.
PMO được thành lập với tiền thân là Viện Thiên văn học vào năm 1928, ngày nay PMO là trung tâm nghiên cứu vật thể không gian của Trung Quốc.
Rất hiếm khi bắt gặp Zhang Bo không cầm theo máy dò kim loại, bản đồ
Sự hấp dẫn của thiên thạch
Sự hấp dẫn của công cuộc đi "săn" thiên thạch nằm ở tính phiêu lưu của mỗi chuyến đi. Tiếp cận các khu vực xa xôi đòi hỏi người thợ săn phải có thiết bị cũng như lập kế hoạch nghiêm túc. Cùng với đó, người thợ săn cũng cần có cảm giác hồi hộp, thích thú khi phát hiện ra điều mới mẻ về hệ mặt trời.
Ví dụ, các nhà khoa học đã tìm thấy chất hữu cơ liên quan đến nước - nguồn gốc của sự sống - trong các thiên thạch "Zag và Monahans" rơi xuống Texas và Maroc năm 1998, làm tăng khả năng tồn tại của các hợp chất hữu cơ phức tạp trong không gian.
Tuy nhiên, đối với nhiều thợ săn thiên thạch, một động lực cơ bản hơn rất nhiều đó là tiền.
Sau khi một thiên thạch được nhìn thấy bay qua bầu trời gần biên giới Myanmar và Lào vào năm 2018, những người săn thiên thạch đã đua nhau đến khu vực này, trang bị máy dò kim loại với hy vọng kiếm được nhiều tiền.
Khi đó, một số nguồn tin xác nhận rằng có khoảng 200 mảnh thiên thạch đã rơi xuống một ngôi làng nhỏ ở Mãnh Hải, Trung Quốc khiến chính quyền địa phương này phải ra thông báo kêu gọi mọi người bình tĩnh.
"Xin hãy có cái nhìn lý trí hơn về vụ việc thiên thạch rơi. Đừng mù quáng muốn đạt được mục tiêu làm giàu trong chớp mắt nhờ vào thiên thạch. Chúng tôi tin rằng cuộc sống tốt đẹp cần được tạo nên bằng chính những nỗ lực và tâm huyết của bản thân", thông báo cho biết.
Vài ngày sau khi nhìn thấy thiên thạch rơi, các mảnh vỡ đã được rao bán với giá lên tới hơn 183 triệu VND/1gram.
Xu Weibiao, một chuyên gia về thiên thạch từ Đài thiên văn Purple Mountain ở Nam Kinh, cho biết thiên thạch có thể bán với giá cao hơn thế - trên 10.000 USD (hơn 234 triệu) /gram.
Một mảnh thiên thạch được tìm thấy ở Trung Quốc
Anh Zhang không tiết lộ bất cứ chi tiết mang tính cá nhân nào về khách hàng của mình, nhưng anh cho biết, họ trả từ 100.000 USD tới 1 triệu USD cho những viên đá quý hiểm. Thiên thạch có giá trị cao đôi khi cũng được mang ra đấu giá.
Zhang cho biết anh không săn thiên thạch để kiếm tiền mà để đóng góp cho khoa học và giáo dục. Cho đến nay, các chuyến đi săn của anh đã đưa anh ấy từ miệng núi lửa Barringer ở sa mạc Arizona đến Khu bảo tồn thiên thạch Henbury ở Úc.