“Cú lừa ngoạn mục” sẽ làm tê liệt các cơ quan chính phủ Mỹ?

H.Bình |

Các công tố viên liên bang Mỹ hôm 8-11 cáo buộc hình sự đối với công ty công nghệ Aventura Technologies khi lừa quân đội Mỹ sử dụng linh kiện Trung Quốc trong nhiều năm, gây rủi ro đối với an ninh quốc gia.

Các camera giám sát và nhiều thiết bị khác mà công ty Aventura Technologies (có trụ sở tại New York) bán cho quân đội Mỹ trông rất giống hàng Mỹ xịn, được đóng gói trong các hộp gắn nhãn "Made in the U.S.A" và logo cờ Mỹ.

Những sản phẩm này được lắp đặt khắp các cơ quan chính phủ, bao gồm cả các hàng không mẫu hạm và cơ sở của Bộ Năng lượng. Vào năm ngoái, một thành viên dịch vụ căn cứ Không quân bỗng phát hiện một chiếc camera Aventura hiển thị các ký tự Trung Quốc trên màn hình.

Mới đây, các công tố viên liên bang ở quận Brooklyn (TP New York) khẳng định các thiết bị thực sự được sản xuất tại Trung Quốc và rất dễ bị "hack".

Điều này làm gia tăng khả năng các cơ quan chính phủ Mỹ đã bị cài đặt phần mềm để thu thập thông tin tình báo. Trong một tài liệu khiếu nại dài 40 trang, các công tố viên đã cáo buộc hình sự đối với Aventura cùng 7 nhân viên.

Các đối tượng bị buộc tội nói dối khách hàng Mỹ trong hơn chục năm về nguồn gốc Trung Quốc của các sản phẩm. Chính giám đốc điều hành của công ty cho biết các camera được sản xuất tại một nhà máy ở New York.

Các sản phẩm của Aventura được các cơ quan chính phủ mua bao gồm camera giám sát ban đêm và thân máy, cửa quay tự động và các thiết bị an ninh khác.

 “Cú lừa ngoạn mục” sẽ làm tê liệt các cơ quan chính phủ Mỹ? - Ảnh 2.

Nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) có mặt tại Công ty Aventura Technologies ở Long Island. Ảnh: WABC

Công tố viên liên bang Richard Donoghue nói: "Phần mềm được đưa vào các hệ thống của Mỹ đã bị phát hiện có các lỗ hổng cho phép người khác truy cập vào mạng. Rõ ràng đó là một mối lo ngại lớn đối với Mỹ vì cơ sở hạ tầng có thể bị tổn hại bởi các phần cứng và phần mềm được sản xuất tại Trung Quốc".

Vụ việc càng khiến các quan chức an ninh lo ngại hơn về khả năng các thiết bị viễn thông Trung Quốc được dùng vào hoạt động gián điệp. Theo Bộ Tư pháp, kể từ năm 2012, hơn 80% các vụ án gián điệp kinh tế do các công tố viên liên bang đưa ra đều có liên quan đến Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ lo ngại vô cùng trước mối đe dọa này. Trong năm nay Tổng thống Trump đã cấm các công ty Mỹ lắp đặt thiết bị sản xuất ở nước ngoài có thể gây rủi ro an ninh quốc gia. Động thái này đã ngăn chặn gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei làm ăn với các công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.

 “Cú lừa ngoạn mục” sẽ làm tê liệt các cơ quan chính phủ Mỹ? - Ảnh 3.

Công tố viên Richard Donoghue nói về các tội trạng mà Aventura Technologies vi phạm. Ảnh: CBS

6 trong số 7 bị cáo - Jack Cabasso (chủ sở hữu của công ty Aventura Technologies), Frances Cabasso (vợ của Jack Cabasso), Jonathan Lasker, Christine Lavonne Lazarus, Eduard Matulik và Alan Schwartz - bị bắt và xuất hiện tại Tòa án quận Liên bang ở Brooklyn hôm 7-11.

Frances Kabasso đã được tại ngoại sau khi đóng 1 triệu USD bảo lãnh, Jack Kabasso vẫn bị giam giữ và 4 người bị bắt còn lại được tại ngoại sau khi đóng số tiền 250.000 USD mỗi người. Người bị bắt giữ tiếp theo (bị cáo thứ 7) sẽ là Wayne Marino.

Luật sư của bị cáo Schwartz đã gọi các cáo buộc là "không có căn cứ và là sự cố không may". Trong khi đó, luật sư của các bị cáo khác từ chối bình luận hoặc không trả lời các yêu cầu bình luận. Các bị cáo bị buộc tội âm mưu lừa đảo và nhập khẩu thiết bị trái phép. Jack và Frances Cabasso, là vợ chồng, còn bị cáo buộc thêm tội rửa tiền.

Các sản phẩm giám sát của Aventura Technologies được sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại được dán nhãn "Made in U.S.A.". Ảnh: CBS

 “Cú lừa ngoạn mục” sẽ làm tê liệt các cơ quan chính phủ Mỹ? - Ảnh 5.

Bị cáo Frances Cabasso (che mặt), một trong những người bị truy tố, bước ra khỏi Tòa án liên bang Brooklyn. Ảnh: REUTERS

Aventura Technologies được thành lập năm 1999, chuyên cung cấp các sản phẩm phần cứng, phần mềm an ninh và thiết bị ngoại vi bảo mật cho chính phủ, quân đội và doanh nghiệp Mỹ. Công ty kiếm được hơn 88 triệu USD kể từ tháng 11-2010 đến nay, trong đó hơn 20 triệu USD có được từ các hợp đồng của chính phủ liên bang.

Công tố viên Richard P. Donoghue từ chối cho biết vụ việc có liên quan đến chính phủ Trung Quốc hay liệu có ai ở Trung Quốc đã xâm nhập vào thiết bị của Aventura hay không.

Ông nói rằng cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục và các nhà chức trách đang tìm kiếm các khách hàng thuộc khu vực tư nhân đã mua các sản phẩm của Aventura. Các nhà chức trách đang trong quá trình gỡ thiết bị khỏi các cơ sở của chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại