Cú đánh không thể chống đỡ của Bulava

THUỲ LINH |

Theo nguồn tin mới đây của Tổ hợp Công nghiệp-Quốc phòng Nga, tổ hợp tên lửa D-30 mang theo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) R-30 Bulava đã vượt qua các đợt thử nghiệm gắt gao trong năm 2018 và chính thức gia nhập vào trang bị của Hải quân Nga.

Từ Bark đến Bulava

Theo TASS, từ cuối những năm 1980, các nhà chế tạo vũ khí Liên Xô đã tiến hành công tác nghiên cứu và thiết kế-thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo dành cho tàu ngầm thế hệ thứ tư (lớp Borey).

Ban đầu, họ dự định hiện đại hóa hệ thống tên lửa D-19 với tên lửa R-39, được đặt trên các tàu ngầm mang tên lửa thuộc Đề án 941 lớp Akula. Kế hoạch này do Phòng thiết kế chế tạo máy (ngày nay là Trung tâm tên lửa nhà nước Makeev) đảm nhận.

Nhưng 3 cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa cải tiến R-39 UTTX Bark đã không thành công. Ngoài ra, trọng lượng của tên lửa vượt quá mức tiêu chuẩn về kỹ thuật. Để có thể dùng nó, cần đóng một tàu ngầm mới.

Như vậy sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém ngân sách quân sự. Do đó, Ủy ban chính phủ quyết định thay R-39 UTTX Bark bằng phương án hải quân của tổ hợp tên lửa mặt đất di động Topol-M, nhẹ hơn R-39UTTX và đang trong trang bị của Lực lượng tên lửa chiến lược.

Cú đánh không thể chống đỡ của Bulava - Ảnh 1.

Hình ảnh phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa R-30 Bulava từ tàu ngầm Yury Dolgoruky trong tháng 5-2018. Nguồn: TASS.

Chương trình Bark đã bị "đóng băng" vào năm 1998 và việc thiết kế tên lửa mới được chuyển giao cho Viện Kỹ thuật Nhiệt Moscow (MIT), trước đây chuyên đảm nhiệm công tác phát triển các tên lửa nhiên liệu rắn trên mặt đất (cụ thể là Topol-M).

Các công trình sư chính của dự án thiết kế tên lửa mới là Yuri Solomonov (cho đến tháng 9 năm 2010) và Alexander Sukhodolsky. Một số chuyên gia quân sự tin rằng Viện Kỹ thuật Nhiệt Moscow có thể tạo ra một tên lửa hợp nhất với Topol-M, góp phần tiết kiệm ngân sách quân sự và đơn giản hóa các dây chuyền công nghệ.

Nhưng trên thực tế, việc tạo ra một loại tên lửa có thể triển khai trên biển là một vấn đề không hề đơn giản. Điều này càng thêm khó khăn hơn khi các công trình sư của Viện Kỹ thuật Nhiệt Moscow chưa từng phát triển loại tên lửa này.

Được biết, MIT đã tiến hành thiết kế phác thảo tên lửa dùng trên biển từ đầu những năm 1990. Dự án này đã nhận được mã Bulava. Để đẩy nhanh công việc và tiết kiệm chi phí, MIT đã quyết định bỏ qua các thử nghiệm phóng tên lửa từ vị trí rất sâu.

Sau 3 lần thử nghiệm thành công, MIT đã quyết định bắt đầu thử nghiệm phóng Bulava từ tàu ngầm nâng cấp TK-208 Dmitry Donskoy thuộc Đề án 941UM Akula.

Vượt qua sóng gió

Vào ngày 23- 9-2004, tên lửa Bulava được tiến hành thử nghiệm phóng từ dưới nước. Lần thử nghiệm tên lửa Bulava đầu tiên (từ vị trí mặt nước) được thực hiện vào ngày 27-9-2005 và được công nhận là thành công một phần.

Lần phóng tiếp theo (vị trí dưới nước), được thực hiện vào ngày 2-12-2005, đã thu được kết quả thành công. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga lúc bấy giờ là Sergei Ivanov hứa sẽ đưa loại tên lửa này vào trang bị vào cuối năm 2007.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề kỹ thuật của Bulava đã lộ ra trong 6 lần phóng tiếp theo (giai đoạn năm 2006-2008), vì lý do đó, việc đưa tên lửa Bulava vào trang bị đã bị trì hoãn.

Vào thời điểm này, nhiều phương tiện truyền thông bắt đầu lên tiếng chê bai tên lửa Bulava. "Nhiều người quên mất rằng, để tạo ra tên lửa R-39 dành cho tàu tuần dương Đề án 941, đã có hơn một nửa trong số 17 vụ phóng thử nghiệm đầu tiên đã không thành công", chuyên gia quân sự Viktor Litovkin của TASS nhận định.

Cú đánh không thể chống đỡ của Bulava - Ảnh 2.

Tàu ngầm thuộc Đề án 955 lớp Borey Yury Dolgoruky. Nguồn: TASS.

Tuy nhiên, Bulava đã chứng tỏ khả năng chiến đấu và hiệu quả của nó. Từ năm 2011, các cuộc thử nghiệm Bulava đã được thực hiện từ tàu ngầm chính thuộc Đề án 955 - tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa Yury Dolgoruky.

Vào ngày 10- 1-2013, nhân lễ thượng cờ hải quân trên tàu Yury Dolgoruky, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) R-30 Bulava đã được đưa vào biên chế Hải quân Nga. Đồng thời, các cuộc thử nghiệm của Bulava vẫn còn tiếp tục trong vài năm.

Sau khi phóng không thành công vào ngày 6 -9 -2013, các đợt thử nghiệm Bulava đã được bổ sung thêm. Tính từ ngày 27-9-2005 đến 23-5-2018 đã có tổng cộng 27 vụ phóng tên lửa Bulava, trong đó có 15 vụ được công nhận thành công, số còn lại thì thành công một phần hoặc không thành công.

Cái chùy của "quái vật biển"

Theo các nguồn tin, ICBM R-30 Bulava (Cái chùy) là một loại tên lửa nhiên liệu rắn ba tầng có khả năng mang 6 đầu đạn tự dẫn. Những tên lửa này có thể tấn công bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào, dù nó ở khoảng cách xa đến đâu.

Trọng lượng tên lửa khoảng 36,8 tấn, trọng lượng phóng 1.150kg, chiều dài 12,1m, đường kính 2m, phạm vi tấn công tối đa 10.000km. Độ chính xác cao của cú đánh và tốc độ tiếp cận mục tiêu cho phép Bulava vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa, đang được triển khai và sẽ được sử dụng trong tương lai.

Ngoài ra, tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava là vũ khí chính của các tàu ngầm Đề án 955 lớp Borey với biệt danh "quái vật biển". Những con tàu này có thể phóng Bulava từ dưới lớp băng dày ở Bắc Cực.

Ngoài ra, tàu ngầm Borey có thể sử dụng Bulava để giáng đòn tấn công đối phương khi di chuyển mà không cần chuẩn bị.

Dù phạm vi tên lửa không quá lớn (lên đến 10 000 km), nhưng cũng đủ làm cho Bulava có thể tạo ra cú đánh khiến đối phương không thể chống đỡ, góp phần giúp các tàu tuần dương ngầm mang tên lửa thuộc Đề án 955 Borey giải quyết tất cả các nhiệm vụ được giao.

Tính đến tháng 5-2018, trong thành phần chiến đấu của Hải quân Nga có 3 tàu ngầm mang tên lửa chiến lược thuộc Đề án 955 Borey, được trang bị tên lửa R-30. Đó là K-535 Yury Dolgoruky, K-550 Alexander Nevsky và K-551 Vladimir Monomakh.

Theo dự án hiện đại hóa Borey-A, 5 tàu ngầm mang tên lửa đang được đóng. Sau năm 2023, 6 tàu ngầm nữa của Đề án này cũng sẽ được đóng. Sau khi những con tàu mới này được chuyển giao, trong thành phần chiến đấu của Hải quân Nga sẽ có tổng cộng 14 tàu ngầm chiến lược mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại