Thư gửi giám đốc HV Cảnh sát Nhân dân của thí sinh thi trượt

Thúy Nga |

Bức thư của một thí sinh thi trượt khóa D40 gửi thầy giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân nhân ngày 20/11 sau khi được chia sẻ đã khiến người đọc xúc động.

Ngày 18/11 vừa qua trên website của  Học viện Cảnh sát Nhân dân có đăng tải một bức thư - đó là những tâm sự chân thành của một thí sinh nữ dự thi vào Học viện CSND năm 2014. Được biết 10 trang thư đã đến tay Giám đốc Học viện và thầy rất trân trọng những tình cảm chất chứa trong lá thư của nữ sinh giấu tên này. 

Trong thư, nữ sinh đã bày tỏ lòng yêu nghề, mơ ước lớn lao để vượt qua những trở ngại với mong muốn thi đậu vào trường khiến người đọc xúc động: "Em đăng ký dự thi vào trường không phải vì sự hào nhoáng của nghề, không phải vì được làm công an mà có quyền làm thế này, thế kia, cũng không phải chạy theo xu thế, người ta đua nhau đi thi thì mình cũng vậy. Em dự thi vào trường, ngoài lí do em thật sự yêu nghề thì không có lý do nào đủ lớn để có thể giúp em đến được với nghề.

Em biết, được học tập tại trường, được làm việc trong Ngành thì phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Đối với nam là cả một vấn đề lớn thì đối với nữ còn khó khăn gấp nhiều lần hơn. Em đã bỏ ngoài tai tất cả sự phản đối, ngăn cản của tất cả mọi người để dự thi vào trường. Em hiểu mọi người cũng muốn tốt cho em, nhưng nếu em không thi vào trường em sẽ không có cơ hội để làm được nghề mình muốn..."

Lá thư tâm sự của nữ thí sinh khiến thầy cô xúc động

Lá thư tâm sự của nữ thí sinh khiến thầy cô xúc động

"...Ngày đi làm thủ tục thi, dù thời tiết không thuận lợi, trời mưa khá to nhưng em vẫn thấy rất hạnh phúc. Khi làm xong thủ tục thi, em có đứng lại nhìn các anh, các chị học viên của trường khoác trên mình bộ cảnh phục - bộ quần áo màu xanh chỉ dành riêng cho ngành công an, em cũng ước ao một ngày nào đó gần nhất em cũng sẽ được giống như các anh, chị ấy, cảm giác đó hãnh diện và tự hào biết bao.

Em có thể ngắm bộ cảnh phục hàng giờ mà không thấy chán. Em yêu thích và muốn được làm công an từ rất lâu rồi, từ ngày em còn nhỏ nhưng càng lớn, càng đến gần ngày thi thì lòng yêu nghề của em lại càng lớn lao hơn, em thấy hạnh phúc khi được nhìn thầy ngôi trường mà mình mong ước sẽ được học nhưng bây giờ em lại thấy tiếc vô cùng khi em đã không vào thăm trường và càng đau đớn hơn là em không có cơ hội được học tập tại trường.

Em hi vọng, đặt niềm tin bao nhiêu thì thất vọng cũng bấy nhiêu, cái cảm giác ấy nó khổ sở lắm thầy ạ! Em chờ đợi kết quả thi từng ngày nhưng khi biết rồi em lại ước rằng kết quả đó không phải là sự thật và đến cuối cùng em vẫn phải chấp nhận. Em đã suy nghĩ rằng nhất định mình phải thi lại, thi đến khi nào đỗ hoặc không được thi nữa thì thôi..."

Dù rất yêu nghề và mong mỏi được học tập, rèn luyện trong môi trường Học viện Cảnh sát Nhân dân, nhưng cô gái tự nhận mình khó có khả năng đỗ kỳ thi khi học lực chỉ ở mức khá: "Em đã nghĩ mọi cách để có thể không từ bỏ lòng yêu nghề một cách dễ dàng. Nhưng thầy ơi, học lực của em chỉ ở mức khá, điểm thi chưa đạt được 2/3 điểm vào Học viện thì làm sao em có cơ hội được học tập tại trường Cảnh sát mà mơ ước vào ngành của em thì mãi chỉ là ước mơ thôi.

Em chẳng có gì ngoài lòng yêu nghề, nhưng có yêu nghề đến mấy mà không được rèn luyện trong môi trường thích hợp thì qua thời gian nó cũng sẽ bị phai nhạt phải không thầy! Cũng đã hơn một tháng các bạn lên trường nhập học rồi, em cũng ghen tỵ, cũng thấy chạnh lòng lắm nhưng đành ngậm ngùi nuốt nước mắt. Mỗi lần lên Hà Nội, em chỉ ước con đường em đang đi sẽ đến thẳng trường Cảnh sát chứ không phải là bất cứ một nơi nào khác"

Ben cạnh việc bày tỏ tình yêu mãnh liệt với nghề, mà nữ sinh này còn đưa ra một ý kiến về cách tuyển sinh rất mới:

"Thầy ơi! Tại sao nhà trường và hội đồng tuyển sinh lại không thay đổi cách tuyển sinh mới, khác đi như ngoài vòng sơ tuyển, khám sức khỏe ở các tỉnh (Tp) thì nhà trường còn tổ chức thêm một vòng sơ tuyển nữa, nó gần giống với vòng phỏng vấn.

Trong lần sơ tuyển lần hai, hội đồng tuyển sinh nhà trường có thể hỏi thí sinh những câu hỏi, những kiến thức, những hiểu biết về nhà trường, về ngành học mà các thí sinh lựa chọn. Và hội đồng tuyển sinh có thể đưa ra các tình huống cụ thể, có thể là các vụ án còn nhiều rắc rối, khúc mắc, chưa tìm ra cách giải quyết, vừa có thể kiểm tra được trình độ tư duy, kiến thức của thí sinh trực tiếp, nếu may mắn các thí sinh sẽ đưa ra các ý kiến để phá được án.

Để giảm khó khăn, vất vả cho hội đồng tuyển sinh và thí sinh thì nhà trường có thể áp dụng sơ tuyển lần 2 với các thí sinh có điểm trung bình cả năm lớp 12 trên 7,5, sơ tuyển lần 2 sẽ diễn ra tại Học viện Cảnh sát, thời gian sơ tuyển thì nhà trường và hội đồng tuyển sinh có thể sắp xếp hợp lý để không gây khó khăn, vất vả hoặc áp lực cho các thí sinh.

Điểm của vòng sơ tuyển lần 2 được tính là 1 điểm rồi kết hợp với điểm của kỳ thi quốc gia chung để tạo ra một điểm chuẩn rồi chọn ra những thí sinh xứng đáng. Kiến thức văn hóa học trên lớp chỉ là một phần, ngoài ra cần kiến thức ngoài xã hội và khả năng suy luận nhạy bén, nhưng quan trọng hơn hết là lòng yêu nghề, nếu không có lòng yêu nghề, thi và chọn do gia đình ép buộc thì những thí sinh đó không nên thi nữa, hãy để lại cơ hội đó cho rất nhiều người đang mơ ước. "

Không chỉ dừng lại ở đó, cô gái còn chia sẻ những suy nghĩ của mình về tỷ lệ tuyển sinh giữa nam và nữ. Cô gái cho rằng nữ giới ngày nay không hề thua kém nam giới về sức khỏe, lòng dũng cảm và cả sự xông pha. Những ngành nghề trước đây chỉ dành cho phái nam giờ cũng đã có sự góp mặt của phái nữ như phi công, tài xế taxi...: "Những công việc nam có thể làm được thì nữ cũng làm được, vậy thì tại sao nữ chỉ được chiếm một phần nhỏ trong ngành, tại sao chỉ thấy 10% nữ/năm mà nam lại lấy đến 90% chỉ tiêu tuyển sinh 1 trên 1 năm, các trường Công an không thể lấy 50% nam, 50% nữ thì cũng phải lấy nhiều hơn 10% chỉ tiêu cho 1 năm.

Nếu ngành Công an lấy ít nữ như vậy thì thật tiếc cho các bạn nữ có lòng yêu nghề mà không đến với nghề. Chỉ có những người thật sự yêu nghề, họ mới làm nghề phát triển, con người sẽ không bị biến chất, họ sẽ không tiếp tay cho tội phạm, trở thành một chiến sĩ cảnh sát đúng như tất cả mọi người mong muốn.

Cuối bức thư cô gái mong có cơ hội được đến thăm trường dù không được học tập ở đây và cô cũng không quên gửi lời chúc tới các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt nam, 20/11: "Em chúc thầy có thật nhiều niềm vui trong cuộc sống, có nhiều sức khỏe để dìu dắt, đào tạo ra những lớp công an tâm huyết với nghề, biết hy sinh vì nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại