Tết cổ truyền của người Việt trong những thập kỷ trước

Cùng ngược dòng lịch sử ôn lại những phong tục đón Tết truyền thống của người Việt xưa…

Cuộc sống hiện đại ngày nay đang làm thay đổi những thói quen, tập tục ăn Tết của chúng ta. Bên cạnh những bữa ăn đầy đủ, ngon miệng, quần áo đẹp, sặc sỡ hơn... không ít tập quán đón Tết cũng đã phai mờ, thậm chí biến mất.

Hãy cùng YAN News ngược dòng lịch sử, ôn lại những phong tục văn hóa và tín ngưỡng truyền thống trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt xưa qua chùm ảnh dưới đây.

Cảnh mua bán tấp nập ở miền Nam thập niên 60 - 70.
Cảnh mua bán tấp nập ở miền Nam thập niên 60 - 70.
Những thứ phổ biến cần sắm cho ngày Tết những năm 80.
Những thứ phổ biến cần sắm cho ngày Tết những năm 80.
Cảnh chợ Tết mừng xuân ở miền Bắc năm 1990.
Cảnh chợ Tết mừng xuân ở miền Bắc năm 1990.

Cha ông ta xưa ăn Tết Nguyên Đán Việt Nam bắt đầu từ khoảng 23 tháng Chạp cho tới hết ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Thường thì sau lễ tiễn ông Công ông Táo về trời, người Việt xưa bắt đầu sửa soạn, đi sắm đồ dùng, vật dụng cho Tết.

Người Việt xưa quan niệm, dù no dù đói thì Tết đến mọi vật đều phải đầy đủ, sung túc mới mong một năm làm ăn phát đạt, "mã đáo thành công".

Nếu như hoa đào xuất hiện trong mọi chợ hoa ở miền Bắc thì hoa mai lại trở thành biểu tượng của miền Nam.
Nếu như hoa đào xuất hiện trong mọi chợ hoa ở miền Bắc thì hoa mai lại trở thành biểu tượng của miền Nam.
Chợ hoa Nguyễn Huệ ở TP.HCM thời xưa.
Chợ hoa Nguyễn Huệ ở TP.HCM thời xưa.

Một trong những nét đặc trưng ngày Tết của người Việt xưa đó là trưng cây cảnh. Nếu như Tết miền Bắc không thể thiếu cây quất, hoa đào thì người dân miền Nam đặc biệt ưa thích cây mai.

Cha ông ta quan niệm rằng, đào, mai, quất là những thứ cây sẽ mang lại may mắn, phước lộc cho gia chủ.

Cũng vì thế mà giáp Tết, nhà nhà, người người ở Hà Nội đều đi chợ hoa Hàng Lược, Nhật Tân, làng Ngọc Hà... để chọn lấy một cây thật ưng ý chơi Tết.

Còn ở TP.HCM, đường hoa Nguyễn Huệ và chợ hoa Hồ Thị Kỷ luôn là điểm đến của những người muốn sắm hoa chơi Tết.

Bảng, lịch, câu đối... được bán trên vỉa hè.
Bảng, lịch, câu đối... được bán trên vỉa hè.

Cũng với mục đích cầu chúc may mắn, phúc thọ an khang, người Việt xưa có tục đi xin chữ. Họ thường tìm những ông đồ viết chữ đẹp lại có tiếng để xin chữ (thường là Phúc, An, Lộc, Tài, Thọ…) hay vài câu đối bằng chữ Nho viết trên nền giấy hồng đào hay đỏ.

Xong xuôi, họ đem về nhà treo trước cửa hay trên tường để lấy may. Tuy nhiên, thời gian và nhịp sống hiện đại đang khiến tập tục đáng quý này mai một dần.

Cũng chịu cảnh phai nhòa theo thời gian như hình ảnh ông đồ, đó là cây nêu ngày Tết. Người Việt xưa thường dựng cây nêu cao từ 5-6m, trên ngọn treo vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, giải cờ vải tây, những chiếc khánh…

Dân gian quan niệm, khi Táo quân về chầu trời, ma quỷ thường nhân cơ hội lẻn vào quấy nhiễu, do đó dựng cây nêu trước nhà để xua đuổi tà ma, cho gia chủ ăn Tết thuận lợi.

Thiếu nữ vo gạo để làm bánh chưng Tết.
Thiếu nữ vo gạo để làm bánh chưng Tết.
Bánh chưng được ép cho ráo nước.
Bánh chưng được ép cho ráo nước.

Trong quan niệm của cha ông ta, bánh chưng là một phần không thể thiếu của Tết, là món bánh tượng trưng cho đất Mẹ. Do vậy, những ngày cuối cùng trước khi Tết về, nhà nào cũng tự gói bánh chưng để thắp hương tổ tiên.

Bánh chưng truyền thống luộc chín mất 7 - 8 tiếng. Sau khi luộc, bánh thường phải đem đi ép để cho ráo nước trước khi đem bày bàn thờ.

Phiên bản bánh chưng ở miền Trung và miền Nam là bánh tét (có nhiều tên gọi khác nhau, có nơi gọi là bánh đòn), có nét tương đồng với bánh chưng ở Miền Bắc về nguyên liệu, cách nấu, chỉ khác về hình dáng và sử dụng lá chuối để gói thay vì lá dong.

Tết Nguyên Đán là dịp sum họp cả gia đình. Sau một năm làm ăn vất vả, tới ngày 30 Tết, dù đi xa tới đâu người Việt cũng đều về nhà, cùng quây quần bên mâm cơm tất niên để chia sẻ niềm vui cùng nhau đón Tết sum vầy.

Người xưa quan niệm, âm thanh đùng đoàng của tiếng pháo giúp xua đuổi tà ma, quỷ dữ; năm mới sẽ đón nhiều tài lộc, may mắn vào nhà.

Tuy nhiên, do sự nguy hiểm mà pháo nổ gây ra, hiện nay pháp luật đã quy định cấm đốt pháo trong những ngày Tết để đảm bảo an toàn cho người dân.

Trong đêm giao thừa, người Việt xưa thường đi lễ chùa để cầu xin đức Phật ban cho điều tốt lành trong năm mới.

Sau đó, trong đêm tối trên đường về sẽ bẻ một cành lá cây nào đó, gọi là hái lộc. Nếu bẻ được một cành lá tươi tốt, đầy đủ thì đó là điềm may mắn cho suốt năm tới.

Tuy nhiên, tục bẻ cành hái lộc này giờ đây không được ủng hộ bởi hành động này sẽ phá hoại cây cối.

Hình ảnh hai mẹ con chở nhau đi chúc Tết người thân.
Hình ảnh hai mẹ con chở nhau đi chúc Tết người thân.

Trong ba ngày đầu tiên của năm mới, người Việt xưa có tục chúc Tết. Trong gia đình, sáng mùng 1 thì con cái chúc Tết cha mẹ, ông bà.

Sau đó, người ta thường tới nhà bà con, bạn bè để chúc nhau những điều tốt đẹp nhất cho năm mới. Ngay cả khi gặp người lạ, người Việt xưa cũng vẫn vui vẻ và chân thành chúc tụng.

Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Trong tín ngưỡng dân gian, người Việt xưa tin rằng, nếu ra khỏi nhà, gặp hướng tốt sẽ mang may mắn, thuận lợi cho việc đi lại trong suốt cả một năm sắp tới.

Vì vậy, cha ông ta thường lựa chọn kỹ hướng đi và giờ xuất hành cho được may mắn nhất.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại