Ngày Tết cổ truyền luôn đọng lại trong lòng mỗi người Việt Nam những dấu ấn và dư vị thật đặc biệt. Tết là thời khắc cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chưng và cùng nhau thức qua đêm, ôn lại những câu chuyện gia đình.
Đó là thời khắc giao thừa, bố mẹ đứng trước mâm cơm cúng và thành tâm cầu những điều tốt lành đến với gia đình trong năm mới.
Với các em nhỏ, Tết bao giờ cũng là ngày rất đẹp và rất đáng nhớ, các em lại háo hức chờ đợi ngày Tết để được mua quần áo mới, được lì xì, được đi chơi.
Trong những ngày này, hàng triệu trẻ em được đón Tết đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc bên bố mẹ, ông bà và người thân. Thế nhưng, Tết này cũng còn có hàng triệu trẻ em khác không có hạnh phúc như vậy.
Rất nhiều lý do đã làm các em không có Tết, không được đoàn viên bên gia đình, không quần áo mới, không lì xì.
Sau đây là một câu chuyện chuyện xúc động của hai anh em - những đứa trẻ không thích Tết được đăng tải lên một trang mạng xã hội.
Câu chuyện thu hút rất nhiều sự quan tâm của người đọc trong những ngày cận Tết.
“Hai anh em đặt chân lên bus, cái náo nhiệt của Tết nó phủ khắp nẻo đường rồi. Nhưng với tôi, Tết là điều gì đó vô cùng xa xỉ.
Ôm đứa em trai trong lòng mà nước mắt cứ trực trào ra. Ở cái tuổi 24, tôi có công việc ổn định với mức lương gọi là dư dả trên đất Hà Thành này. Nhưng gia đình tôi lại không được trọn vẹn.
Ba mẹ tôi đã mất trong một tai nạn 2 năm về trước, ngày Tết trở thành ngày tang.
Chỉ còn hai anh em.
Em trai thì quá nhỏ, các bác các chú thì viện cớ đi làm này nọ không ai chăm sóc, ông bà ngoại lại già yếu, phải lo cho hai em con nhà cậu vì cậu mợ li dị nên cũng chẳng dám nhờ.
Rồi từ đó, tôi đưa em lên Hà Nội sống cùng, vừa làm cha, vừa làm mẹ, gánh luôn trọng trách người anh.
Khi đó em trai học lớp 4, tôi đi làm thì chiều mới về, nhưng vẫn phải đưa đi đón về bằng xe bus. Có lần em nó nói: “Anh cứ đi làm đi, có xe nó tự đón em mà”. Nghe mà bật khóc.
Những tháng ngày đầu tiên, thật vất vả. Tiền học của em cao hơn ở quê, tiền sinh hoạt, chi phí là không đủ, may mắn tôi vẫn còn được những người bạn Đại học giúp đỡ.
Rồi dần cũng quen, tôi đưa đón em bằng xe bus, thương em những chiều tắc đường em phải ngồi đợi. Và cứ thế hai anh em sống qua ngày, qua năm.
Tự bao lâu tôi chẳng muốn đến Tết, vì mình cứ phải cô đơn. Nhiều đêm em trai ngủ chỉ biết ngắm ảnh bố mẹ mà khóc.
Tôi biết tôi không được yếu đuối nhưng tôi không làm được. Tết, người người về quê với gia đình còn tôi thì về với ai? Chỉ thương em trai, nó quá bé để hiểu được nên đòi về quê hoài.
Đây là cái Tết thứ 3 hai anh em ở lại Hà Nội. Vì hương khói ba mẹ đã mang hết lên đây.
Hôm nay, đưa em về để dọn dẹp nhà và thăm ông bà, cu em lớp 6 ngẩn ngơ: “Anh ơi, Tết sao xe bus không nghỉ?
Em thấy xe chạy cả năm trời có được nghỉ chủ nhật đâu”. Cậu em tôi nó khờ vậy đó, 2 năm nay khi nào nó cũng một mình nên vậy.
Thương em mà chỉ biết cười. Rồi tự hứa vu vơ: “Ra Tết anh mua xe đạp điện cho em đi học, anh dành đủ tiền rồi, còn anh vẫn chen chân mỗi sáng lên bus. Có như vậy anh mới cảm nhận được sự đông đúc cho bớt cô đơn trong lòng”.
Lời tâm sự khiến dân mạng cảm động.
Lời tâm sự trong những ngày cận Tết này khiến nhiều người đọc cảm thấy mủi lòng, xót thương cho 2 anh em.
Bạn Ngần Hìu bình luận: “Em sẽ vui hơn khi được anh đưa về Tết ông bà, Tết các cậu, các bác, ít ra thì bạn ấy sẽ còn trong lòng chút cảm giác chúc Tết năm mới. Tin em nhé.
Dù khó khăn nhưng với bản lĩnh của anh thì mọi chuyện sẽ tốt lên. Chúc anh và em trai anh mọi điều tốt đẹp nhất”
Bạn Vũ Hoài Thu khen ngợi: “Bạn là người đàn ông vô cùng mạnh mẽ. Tôi rất ngưỡng mộ điều ấy. Nói sao nhỉ, đọc xong mà muốn được mời bạn về quê tôi cùng ăn Tết, muốn chia sẻ tình cảm với bạn.
Những gì khó khăn nhất cũng đã vượt qua rồi, chúc anh em bạn sẽ mãi yêu thương nhau, chúc bạn sẽ có một tương lai hạnh phúc và vui vẻ”.