Cứ mỗi dịp cận Tết, các đồng nghiệp trong công ty tôi lại xôn xao, bàn tán chuyện mừng tuổi ông bà, cha mẹ, các cháu trong nhà rồi đến cả chuyện mừng tuổi con sếp.
Mừng tuổi là 1 nét văn hóa, 1 phong tục đẹp của người Việt kéo dài từ đời này qua đời khác. Mừng tuổi cho người già, trẻ nhỏ là thể hiện tấm lòng, sự mong muốn người được mừng tuổi luôn khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Vậy nên số tiền trong phong bao lì xì là số tiền may mắn và chẳng quan trọng con số được in trên đó là bao nhiêu.
Tuy nhiên đó là suy nghĩ của rất nhiều năm về trước, còn trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phần đông lại cho rằng sự may mắn, sự yêu thương gắn liền với mệnh giá đi kèm trong từng cái phong bao đỏ.
Mệnh giá càng lớn thì mới càng thể hiện được tấm lòng. Chẳng thế mà giờ người ta cứ hò nhau đổi tiền mới mệnh giá trên 50 nghìn đồng, còn 5 nghìn, 10 nghìn hay thậm chí là 20 nghìn hầu như rất ít.
Cái phong bao lì xì may mắn của năm nào giờ đã biến thành chiếc "phong bì quan hệ" của người lớn. Và chính người lớn chúng ta đã dần làm mất ý nghĩa thực sự của việc lì xì đầu năm.
Chuyện mừng tuổi khiến người ta không khỏi đau đầu. (Ảnh minh họa)
Dù đang cằn nhằn, than thở về chuyện mừng tuổi ngày Tết thì chính bản thân tôi cũng đang bị cuốn theo và dần trở thành một cá thể trong đám đông thực dụng ấy - điều chẳng lấy làm vui vẻ gì!
Tết này tôi đã chuẩn bị mọi thứ một cách chu đáo nhất để khi đi chúc Tết nhà sếp không phải gặp tình huống khó xử, ngượng chín mặt như đã từng phải trải qua cách đây đúng 1 năm.
Chẳng là vào mùng 2 Tết năm ngoái, 1 vài anh chị đồng nghiệp rủ tôi qua nhà sếp chúc Tết. Khi ấy mới ra trường, đi làm được vài tháng, tôi vẫn còn là thanh niên khá "non nớt" và thiếu kinh nghiệm trong những chuyến đi như thế này.
Hồi ấy nghĩ đơn giản lắm, nghĩ anh em quý nhau thì tới nhà nhau chúc Tết, nên cũng chẳng chuẩn bị gì nhiều ngoài mấy phong bao lì xì mừng cho 2 đứa con của sếp, mà phong bao cũng chỉ đút có 20 nghìn gọi là tiền lấy may.
Tôi thực sự không lường trước được rằng, cách suy nghĩ đơn giản ấy lại khiến tôi rơi vào tình huống khó xử, chỉ muốn "độn thổ xuống đất".
Khi tôi rút ví mừng tuổi 2 đứa nhỏ nhà sếp, chúng vui thích lắm, dạ vâng rồi cảm ơn tôi rối rít, trông thật đáng yêu.
Nhận phong bao lì xì của tôi, đứa lớn hơn bỗng nhiên quay lại hỏi: "Chú không mừng tuổi bố cháu ạ? Chú quên à? Cô chú nào tới cũng đưa cho bố mà?".
Nghe xong tôi giật mình, đang không biết phải trả lời thế nào thì tiếng nói còn ngọng nghịu của đứa thứ 2 nhà sếp vang lên khiến tôi lúc đó thực sự chỉ mong có cái hố để chui xuống.
Đứa trẻ ấy vừa ngồi trong lòng mẹ, vừa mở bao lì xì của tôi: "Chú này ki bo thế, có 20 nghìn thôi mẹ ơi, không bằng chú áo xanh ạ..."
Thế đấy, lần đầu tiên trong sự nghiệp đi làm tới nhà sếp chúc Tết rồi mừng tuổi con sếp, tôi đã gặp phải tình cảnh mà mình chỉ thấy qua các bộ phim, hóa ra là có thật chứ chẳng phải bịa.
Rút kinh nghiệm, năm nay tôi đã chuẩn bị hẳn mấy cái phong bao đỏ cho sếp, 2 đứa con sếp rồi cả bố mẹ sếp - vì nghe đâu năm nay 2 cụ lên thành phố ăn Tết cùng con cháu.
Còn về mệnh giá bên trong, tôi hy vọng những người nhận sẽ hài lòng, vì tất cả chỗ đó đã ngốn của tôi tới gần nửa tháng lương chứ chẳng ít ỏi gì...