Giọt nước mắt tủi hờn của cô gái 27 tuổi khi mang quà Tết về quê

Mộc Lan |

Năm hết Tết đến, ai cũng tất tả sắm sửa đồ đạc quà cáp để kịp những chuyến xe về quê. Thế nhưng có những người lại “sợ” phải ăn Tết ở quê hương.

Từ lâu những món quà ngày Tết được người Việt đánh giá đó là sự chân thành, là kết quả của một năm làm việc cật lực.

Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để có thể mua những món quà Tết đắt tiền. Tôi đọc đâu đó không ít gia đình bĩu môi, người kia dè bỉu vì cả năm đi làm trên thành phố mà mua về toàn món đồ rẻ tiền.

Và cứ thế mỗi dịp Tết đến là một lần đau đầu cho khá nhiều người bởi họ không biết lựa chọn những món quà nào được cho là “sang chảnh” để không làm phật lòng người ở quê.

Thành ra Tết nhiều khi lại là nỗi sợ hãi cho một bộ phận người dân. Đơn cử như trường hợp của một chị lao công dưới đây sẽ khiến nhiều người phải băn khoăn: “Liệu người Việt có đang đặt nặng vật chất lên những món quà Tết?"

“Sợ Tết quá các anh các chị ạ!

Sắm sửa, bày biện, chuẩn bị thức ăn là một nhẽ. Nhưng đấy chưa phải vấn đề khi phải nghĩ quà Tết cho bố mẹ chồng ở quê.

Tôi năm nay 27 tuổi. Đã có chồng và một đứa con năm nay 5 tuổi. Hai vợ chồng ở quê cũng đều không học hành tử tế nên đã đi làm từ rất sớm.

Ở quê thì cũng chỉ cắm mặt vào đồng ruộng mà còn phụ thuộc thời tiết mùa màng vì thế, 2 vợ chồng quyết định lên thành phố xin việc.

May mắn là có bà cô họ xa trên này nên cũng giúp hai vợ chồng nhiều. Chồng làm bảo vệ. Còn tôi làm lao công ở một công ty tư nhân nhỏ.

Nói là lên thành phố làm nhưng lương lậu cũng không đáng là bao ở nơi phồn hoa đắt đỏ này.

Lương chồng 5 triệu, còn tôi được 3 triệu. Chi trả tiền nhà, điện nước, thức ăn, phụ phí sinh hoạt cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Rồi tháng nào cũng phải gửi đôi ba triệu về cho ông bà nội ở quê chăm con.

Là dâu được 6 năm, nhưng đây là năm thứ 5 tôi sống xa quê, xa con nên cực kì đau đầu vấn đề quà cáp.

Người ta có câu là “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”. Tôi thì thấy sai toét nhưng quê chồng tôi thì không thế đâu các anh các chị ạ!

Năm đầu tôi về trước vì chồng vướng lịch trực Tết. Tiền tiết kiệm không có nhiều, mà sau còn lo cho con, rồi tiền xe cộ đi về nên tôi nghĩ đơn giản mua vài tấm bánh gói kẹo và đôi ba chai rượu vodka về làm quà.

Nói là ở quê chứ đâu có thiếu thốn gì. Gà vịt lợn bò cũng đầy đủ nên tôi không muốn mua quá nhiều mang đi mang lại lích kích.

Thế nhưng khi tôi bày ít bánh kẹo ra biếu bố mẹ chồng, lập tức sắc mặt ông bà sầm sì lại. Tôi thắc mắc không hiểu mình làm sai gì thì chị dâu kéo tay lôi ra ngoài nói nhỏ.

“Sao thím lại mua ít thế? Ở trên phố về mà mua có thế này thì các cụ mất mặt chết. Thằng A nhà ông B mua mấy chai rượu Tây về.

Con C thì mua cả cành đào. Thím lên phố làm nhiều tiền thì cũng phải chuẩn bị cho tươm tất chứ!”

Nghe đến đây tôi chết điếng. Vội vội vàng vàng chạy ra chợ thị trấn mua thêm đôi ba cây giò và cành đào to nhất chợ đem về. Giải thích với các cụ là do về trước không có ai đem đồ nên về đây mới mua thì mặt các cụ mới giãn ra đôi chút.

Hú hồn hú vía vì chiều lòng các cụ.

Đi loanh quanh xóm gặp mấy chị em cũng lên phố làm công nhân bình thường thôi mà quà Tết của các chị ấy cũng phải lên đến tiền triệu. Đấy là chưa kể tiền biếu xén, lì xì.

Các chị bảo cả năm có mỗi dịp này nên cố ki cóp mà mua cho các cụ nở mày nở mặt với làng xóm. Có khi phải đi vay mượn thêm để mua nhưng không mua thì bị lườm nguýt cả Tết còn khổ hơn.

Nghe xong mà tôi cũng chỉ cười mếu máo. Ai cũng nghĩ lên phố là dễ kiếm tiền thế nhưng có phải đâu.


Quà Tết có đang là nỗi ám ảnh?

Ảnh: Internet

Quà Tết có đang là nỗi ám ảnh?

Ảnh: Internet

Thiết nghĩ quà Tết là ở tấm lòng là đủ, thế nhưng các cụ phải thấy hoành tráng thì mới chứng tỏ được sự chân tình hiếu thảo của con cái dành cho bố mẹ.

Đây là năm thứ 5 rồi. Lần nào về quà cũng lỉnh kỉnh đầy thứ. Mà càng ngày đọc báo càng thấy nào là rượu giả, sữa giả, bánh kẹo giả, quần áo giày dép đồ chơi cũng đầy chất độc nên thành ra tôi chán nản không muốn mua về.

Mua quà xịn hẳn, độc đáo hẳn thì không có đủ tiền để mua cho cả bố mẹ, họ hàng. Cứ mỗi dịp Tết đến lo quà cáp là tôi trằn trọc cả đêm không thể ngủ được. Tiền thì không có nhiều.

Năm ngoái kinh tế yếu kém. Thưởng cũng rất ít. Thậm chí chồng tôi còn chỉ được thưởng khoanh giò, bánh chưng nên Tết năm ngoái 2 vợ chồng phải vay mượn khắp nơi mới có thể đủ tiền tàu xe đi về và mua quà Tết.

Năm nay tôi thật sự rất sợ khi Tết gần đến rồi mà vắt óc vẫn không biết mua gì về biếu bố mẹ họ hàng để không rơi vào trường hợp vay mượn như năm ngoái.

Nếu phải vay mượn nữa, có lẽ Tết này tôi không về quê nữa vì quá sợ các anh chị ạ!”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại