Thưởng Tết bao năm nay vẫn là mối quan tâm của mọi người. Thưởng nhiều thì ai cũng vui vẻ trầm trồ. Còn thưởng ít thì ai cũng ngao ngán, kêu gào.
Đương nhiên! Công sức lao động của cả năm trông chờ vào Tết mà “không bõ” thì cũng hơi buồn.
Thế nhưng dù ít hay nhiều nếu có cách xử lý thì vẫn có một cái Tết “ngon lành cành đào”. Cùng đọc chia sẻ của một bạn nữ dưới đây để có cách chi tiêu hợp lý cho Tết này nhé!
“Em thấy ở trên mạng độ này nhiều người than thở được thưởng Tết ít quá nào là được đôi ba triệu hay trợ cấp có 500.000 đồng nên cũng có tí đồng cảm.
Rồi cũng thấy có người khoe thưởng lương thứ 13 rồi thưởng này thưởng kia cao ngất ngưởng mà cũng thấy nao lòng.
Em làm nhân viên bình thường ở một công ty cũng bình thường nên được thưởng Tết có 2 triệu.
Thưởng là một hành động khen thưởng khích lệ đối với một nhân viên có thành tích xuất sắc. Mà có thưởng thì có phạt như kinh doanh thua lỗ, không hoàn thành nhiệm vụ.
Nên thành ra em thấy em được thưởng 2 triệu thôi vẫn là may mắn lắm rồi. Và nếu khéo chi tiêu thì em thấy 2 triệu khá vừa xinh cho Tết này.
Em ở thành phố nên cũng không lo khoản tàu xe đi lại. Cũng như chưa có chồng nên chưa phải lo biếu xén gì cả.
300.000 đồng em trích ra để tự thưởng cho bản thân thỏi son, cái áo mới hay đôi giày mới. Sở dĩ sắm ít như vậy vì tháng nào em cũng trích một khoản nhỏ để mua dần dần. Tránh tình trạng gần Tết thấy sale nhiều lại mua về một mớ không dùng làm gì cả.
700.000 đồng tiếp theo em lì xì mẹ 500.000 đồng và bố 200.000 đồng. Hơi lệch lạc tí nhưng tại bố em vẫn còn đi làm. Còn mẹ thì nghỉ hưu rồi nên em “thiên vị” mẹ hơn chút xíu.
Thực ra vấn đề lì xì quà cáp bố mẹ em không quan trọng lắm. Nên em nghĩ như thế này là vừa tầm. Có đôi chút gọi là công sức con làm biếu bố mẹ em nghĩ ai cũng vui cả.
Tiếp theo em dành 100.000 đồng để biếu bà ngoại. Có thể nhiều người cho rằng ít nhưng bà em mà biếu nhiều còn mắng vốn cho ấy.
Thưởng Tết không nhiều thì phải làm sao?
Ảnh: Internet
500.000 đồng tiếp theo em đổi tiền lẻ khoảng 10-20.000 đồng để lì xì cho mấy cháu nhỏ. Em quan niệm Tết có lì xì là may mắn, mà họ hàng ai cũng biết mình chưa làm ra nhiều tiền nên cũng không quá nặng nề chuyện vật chất.
400.000 đồng còn lại em dành để mua bình hoa nhỏ, chuẩn bị nguyên liệu làm ít mứt Tết để đỡ phần mua sắm mà lại sạch sẽ.
Năm ngoái em đi chợ Tết vào ngày 30 nên hoa cũng cực kì rẻ. Gần như là cho không. Một bó lan tường khá đẹp chỉ rơi vào khoảng 60.000 đồng, kèm theo hoa phăng 50.000 đồng nữa là có bình hoa rực rỡ chơi Tết.
Mứt Tết cũng đều là nguyên liệu của nhà trồng được. Nhà em có cây khế chua mà lại đúng đợt quả nên chỉ mất khoảng 2 ngày ngâm, xào là em đã có món mứt khế siêu ngon. Phần này tốn khoảng 30.000 đồng mua phèn, đường, gừng.
Khoai tây cũng đang vào đợt rẻ khoảng 15.000 đồng 1kg nên em mua 2kg. Làm giống mứt khế ở khoản lích kích ngâm cho sạch nhựa. Hết có 50.000 đồng mà làm được món mứt khoai tây siêu dẻo siêu bùi.
Còn lại 210.000 đồng, em mua 2 quả dừa hết 80.000 đồng. Còn lại mua phụ gia như bột trà xanh, bột café hoặc cacao để làm mứt dừa nhiều vị hết chưa đến 50.000 đồng. Muốn mứt dừa có màu đỏ thì mua củ cà rốt xay ra lấy nước để trộn cũng tạo màu khá đẹp.
Tính ra 2 quả dừa làm cũng được kha khá mứt Tết. Mà còn chưa tiêu hết số tiền kia. Còn lại đều do bố mẹ em đi mua nên em chỉ góp chút công sức cho bố mẹ cũng đỡ đi đôi chút.
Vả lại mứt Tết có làm nhiều cũng không phải lúc nào cũng hết nên em chỉ làm từng kia là vừa tầm. Ra Tết là gọn gàng chứ không phải ăn dai dẳng nữa.
Em tính sơ qua như thế cũng chưa hết 2 triệu tiền thưởng nhưng Tết của em cũng khá tươm tất rồi.
Em nghĩ mọi người cũng nên lạc quan một chút và chi tiêu hợp lý thì Tết sẽ không còn gánh nặng nữa.
Chúc mọi người có một cái Tết sum vầy đầm ấm!”