Để có tiền trang trải sinh hoạt phí, nhiều bạn sinh viên đã chọn làm gia sư. 100 gia sư thì có 100 câu chuyện khác nhau, có khi ấm áp ngọt ngào, có khi cười ra nước mắt.
Dưới đây chỉ là một vài trong số này:
32 : 6 = 12, giáo viên vẫn chấm là đúng
Nhận làm gia sư cho một em học sinh lớp 3 tại trường Tiểu học Đ.K (Hà Nội), Nguyễn Thu Huyền (SV khoa Sư phạm Tiểu học) đã không khỏi ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi kiểm tra vở toán trên lớp của học sinh.
Huyền cho biết: 'Hàng ngày, khi đến dạy học sinh, trong lúc học sinh làm bài mình thường hay kiểm tra vở học trên lớp của em xem hôm nay em học gì. Mình còn xem lại cả những bài cô giáo đã chấm, vì thời gian cho em ấy làm bài khá lâu.'
Cô giáo tiểu học tương lai chia sẻ rằng mình đã khá sốc và dường như không thể tin nổi khi có những phép tính sai của học sinh mà giáo viên chủ nhiệm vẫn chấm là đúng. Đó chỉ là những phép tính nhân chia số thập phân đơn giản.
Sau khi Huyền phát hiện, cô đã đặt một dấu hỏi trong bài để học sinh hỏi lại giáo viên chủ nhiệm. ‘Mỗi lần như thế, học sinh của mình về kể là cô giáo nói là cô nhầm, cô xin lỗi rồi bảo cả lớp sửa lại’, Huyền chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, cô giáo chủ nhiệm còn sai chính tả khi phê bình về chữ viết của học sinh, cô giáo chủ nhiệm này đã phê ‘chữ sấu’ thay vì ‘chữ xấu’.
Trao đổi với phóng viên, chị Tr. – phụ huynh của em học sinh này cho biết: ‘Khi Huyền phát hiện ra chuyện này thì gia đình cũng biết, và cũng muốn trao đổi với giáo viên nhưng chưa có dịp. Có lần, cháu về kể là, cô giáo dặn không được học gia sư, học gia sư sẽ học kém đi’.
Cũng theo chị Tr., giáo viên chủ nhiệm này khá trẻ, mới nhận lớp được khoảng hơn 2 tháng nên cũng chưa có thời gian gặp gỡ, trao đổi với cô.
Sự việc trên đây đặt ra một dấu hỏi chấm về việc chất lượng tuyển chọn giáo viên đầu vào, đặc biệt trong tình trạng gian lận công chức, chạy biên chế đang nở rộ như hiện nay.
Học sinh lười học, khinh thường gia sư
Khi còn là sinh viên, Nguyễn Thị Vân (SN 1990, giáo viên tại Hưng Yên) cũng có thời gian đi gia sư. Vân kể, kỷ niệm khiến cô nhớ mãi đó là khi nhận kèm thêm cho một em học sinh lớp 4 ở Hào Nam (Hà Nội).
Do sinh trưởng trong một gia đình giàu có nên cậu học sinh này có phần khinh thường gia sư. Khi giao bài tập về nhà, cậu học sinh đó thường không làm, không nghe giảng. Thậm chí, cậu học sinh còn đặt điều, nói xấu gia sư với mẹ.
‘Đó là lần duy nhất mình gặp phải trường hợp này và mình đã phải nghỉ dạy chỉ sau một vài buổi’, cô nói.
Tuy nhiên, cũng nhờ đi gia sư, Vân cũng đã nhận được tình cảm của nhiều học sinh và phụ huynh khác. ‘Có những em học sinh lớp 9 và lớp 11 rất ngoan và chăm chỉ. Phụ huynh của các em cũng đối xử rất tốt với mình.
Mặc dù chỉ là một gia sư bình thường, nhưng hàng năm, cứ đến ngày 20/11 các em ấy vẫn nhắn tin chúc mừng’. Đó là một niềm hạnh phúc, may mắn và là động lực để cô quyết tâm theo nghề giáo.
Học sinh nhí nhố, tìm đủ mọi cách để không phải học bài
Đang là sinh viên năm 2 của trường ĐH Kinh tế Quốc dân (HN), Kim Sa tranh thủ thời gian rảnh rỗi buổi tối để đi gia sư. Hiện tại, Kim Sa đang dạy kèm cho một em học sinh lớp 7 và một bé gái lớp 3.
‘Thằng bé học lớp 7 Tuấn Anh vô cùng đáng yêu. Nó rất hay hỏi linh tinh, hay soi quần áo của mình. Có lần nó còn bảo: Chị mặc xấu quá làm em không học bài được’, Kim Sa chia sẻ.
Cô còn còn chia sẻ thêm, những lúc cu cậu lười không muốn học thì sẽ lôi đồ ăn ra mời gia sư cùng ăn. ‘Cu cậu giỏi nịnh lắm, khi làm sai bài, mình nhận xét mà cứ quay sang hỏi vặn lại mình: Sao chị biết là chị đúng?’.
Cô nhóc học lớp 3 tên là Ái Vy, biệt danh là Bập cũng để lại khá nhiều ấn tượng với nữ gia sư, khi cứ thỉnh thoảng cô nàng lại đưa hai tay lên vỗ vỗ mặt. Hỏi lý do, thì cô nàng điệu đà nói rằng làm như thế để cho đẹp da.
‘Cô nhóc này cũng đáng yêu lắm, nói chuyện cứ như bà cụ non, lại còn thuộc hết các mánh make up, còn đòi dạy cho mình nữa. Được cái con bé rất ngoan, hôm nào cũng ‘đòi bài tập’ nữa’, Kim Sa tâm sự.