Con vật kỳ lạ ở Vĩnh Phúc: Có phải ảnh ghép?

Minh Quân |

Câu chuyện về con vật kỳ lạ ở Vĩnh Phúc càng thêm bí hiểm khi người tải bức ảnh đó lên mạng khẳng định mình... chưa từng nhìn thấy nó!

Có phải ảnh ghép?

Phan Thanh Tùng (ở Vĩnh Phúc), người đã đăng 2 bức ảnh về con vật này lên mạng, khẳng định với cơ quan chức năng rằng... chỉ tải ảnh từ trên mạng về.

Một trong 2 bức ảnh được Tùng đăng lên mạng.

Cụ thể, theo VnExpress, sau khi Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc phối hợp với công an huyện đến nhà Tùng thì anh này lại trình bày, không biết con vật trong bức ảnh là con gì, của ai và chưa từng nhìn thấy lần nào. Bức ảnh đăng trên Facebook cá nhân được Tùng tải về từ Internet!

Trước đó, Chi cục Kiểm lâm cũng quan sát chiếc mâm, viên gạch và con dao trong bức ảnh "sinh vật lạ" và không tìm thấy điểm trùng hợp nào ở nhà riêng của thanh niên này.

Dù vậy, ông Tâm vẫn chia sẻ rằng: "Khả năng Tùng đang sở hữu con vật và lên mạng tải ảnh về để so sánh".

Một giả thiết khác cũng đang được không ít dân mạng đưa ra là: liệu bức ảnh có phải là ghép hay không? Bởi trong quá khứ, từng có những bức ảnh ghép rất giống thật gây xôn xao trên mạng trước đây.

Nếu đây đúng là ảnh ghép, thì câu chuyện có vẻ đơn giản: con vật là ở nước ngoài, được ai đó ghép vào bối cảnh rất Việt Nam (cái mâm, cái thớt, con dao).

Nhưng nếu đây là ảnh thật, thì dù Tùng nói "không biết con vật" này, nhưng khả năng nó được tìm thấy ở một nơi nào đó tại Việt Nam là rất cao, và như thế sự vào cuộc của các nhà khoa học là cần thiết!

"Tại sao phải làm khó mình như thế"?

Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, anh Đức Thắng (phường Đồng Tâm, Hà Nội), cựu sinh viên ĐH Kiến Trúc, một người có trình độ photoshop rất cao với hơn 10 năm làm trong lĩnh vực thiết kế, khẳng định: "Nếu ai hỏi tôi liệu có thể ghép ảnh để được như thế thì xin trả lời luôn là tôi không ghép được”!

Anh phân tích, gần như không thể làm một loạt thao tác là: tìm được ảnh con vật này trên mạng ở những góc ưng ý, rồi bố trí góc chụp ảnh cho bối cảnh xung quanh cho phù hợp với ảnh đã tìm được, sau đó rồi mới tiến hành ghép ảnh...

"Sẽ phải rất tỉ mỉ và chính xác để có được những bức hình như thế này. Liệu có người nào phải bỏ ra từng ấy công sức chỉ để có tấm ảnh post lên Facebook cho vui không? Tôi nghĩ là không! Nếu có thì cũng chỉ ghép qua loa, chứ có cần thiết phải tỉ mỉ đến thế"?

"Mà tại sao phải làm khó mình khi đi ghép những 2 tấm hình chỉ để "chơi Facebook"? Trong khi nếu là tôi, tôi chỉ cần ghép 1 hình là đủ"!

Từ đó, anh kết luận: "Theo những gì tôi quan sát được trên 2 bức hình, thì tôi khẳng định đây là ảnh thật, không phải ảnh ghép".

Để chứng minh cho nhận định của mình, anh Thắng đã tỉ mỉ dùng 2 bức ảnh Tùng đăng lên mạng, chỉ ra từng chi tiết dưới góc nhìn của người làm Photoshop lành nghề.

Bức ảnh được anh Thắng, một người rất giỏi Photoshop, đánh số và chú thích bên dưới.

Ánh sáng ở cả 2 hình là trùng khớp với nhau: người, con vật, các đồ vật xung quanh và phản xạ ánh sáng rất đúng với ánh sáng môi trường.

Về phần người:

- Bóng đổ của người rất thật trong 2 hình (xem các khoanh tròn có đánh số 1), cả người đứng và người ngồi. Vì ánh sáng yếu, nên bóng đồ rất mờ, chúng ta không thể nhìn rõ bóng đổ ở đâu nhưng chúng ta cảm nhận được vùng tối do người che sáng tạo ra.

Và phần bóng người phản xạ qua lớp nước dưới sàn cũng là rất thật, hợp lý (xem các khoanh tròn có đánh số 2).

- Trong hình bên trái chúng ta không nhìn thấy bậc thềm chỗ để mâm cao lên, nhưng qua hình chân người chúng ta cảm nhận được ở chỗ đó thấp hơn so với sân chỗ để mâm, điều đó chứng tỏ vị trí người đứng, góc nghiêng bàn chân rất ăn khớp vào nền nhà.

Nên phần người là không phải ghép.

Về phần mâm:

- Ở 2 hình ta thấy mâm quay ở các vị trí khác nhau rất hợp với logic. Ví dụ vết lõm trên mâm ở hình trái là ở góc này thì trên hình bên phải ta sẽ thấy nó ở vị trí tương ứng trùng khớp với hình bên trái. (xem các khoanh tròn đánh số 3)

b. Cũng tương tự ta sẽ thấy phần bóng đổ của mâm trên 2 hình cũng rất trung khớp (xem các khoanh tròn đánh số 4), về hướng, cũng như độ rộng so với các góc nhìn.

Cụ thể, ở hình bên trái nhìn ở góc cao hơn nên bóng nhỏ và nhạt hơn, hình bên phải nhìn ở góc thấp hơn nên nhìn sâu vào phía dưới mâm ta sẽ thấy bóng đổ lơn hơn và đậm hơn.

Mâm cũng không phải ghép.

Về phần con vật:

- Quan sát trên 2 hình ta sẽ thấy đây là ảnh của cùng 1 con vật, thông qua các hoa văn, vết lõm (xem các khoanh tròn có đánh số 5) có trên người con vật.

- Vị trí của con vật nằm trên mâm trùng khớp trong 2 hình (của cùng một con vật nằm trên cùng 1 mâm). Vị trí 2 chi trước của con vật trên mâm cũng vậy, rất hợp lý (xem các khoanh tròn đánh số 6)

- Ở cả 2 hình góc chụp con vật và phần mâm (độ nghiêng, góc tụ) là trùng khớp nhau. Ánh sáng phản xạ trên thân con vật cũng rất ăn khớp với ánh sáng phản xạ trên mâm, rất tự nhiên.

- Phần bóng đổ của con vật trên mâm cũng giống như các phần bóng đổ khác rất tự nhiên, logic.

Con vật cũng không phải ghép

Từ đó, anh Thắng khẳng định lần nữa: "Trên đây là những gì tôi quan sát được qua 2 bức hình để minh họa thêm cho khẳng định trên của tôi là 2 bức hình trên hoàn toàn là bức ảnh chụp thật, không phải sản phẩm photoshop hay bất cứ phần mềm đồ họa nào khác".

 

Cá cóc hay kỳ giông?

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc, rất có thể đó là con cá cóc Nhật Bản. "Nếu đúng con vật này ở Việt Nam thì sẽ có giá trị lớn về mặt khoa học. Đó chính là lý do chúng tôi đã vào cuộc xác minh", ông Tâm nói trên VnExpress.

Cùng quan điểm, GS.TSKH Võ Quý nói: "Theo ảnh thì đó là một loài ếnh nhái có đuôi, ta thường gọi là cá cóc, tương tự như loài cá cóc Tam Đảo. Nhưng loài này khá lớn, có thể dài khoảng 50 cm hay hơn, chưa tìm thấy ở Việt Nam trước đây".

Tuy nhiên, nhiều dân mạng lại cho rằng nó thuộc loài kỳ giông khổng lồ Nhật Bản (tên tiếng Anh là Japanese Giant Salamander). PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn (Giám đốc Bảo tàng Sinh vật, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Hội Sinh thái học Việt Nam) cũng có quan điểm tương tự.

“Rất khó có thể định loại chính xác nếu chỉ nhìn qua hình ảnh chụp. Nhưng có thể thấy loài trong ảnh khá giống với loài sa giông khổng lồ Trung Quốc - Andrias davidianus (tên tiếng Anh là Chinese Giant Salamander).

Loài này đang được Danh lục Đỏ IUCN của thế giới xếp vào tình trạng cực kỳ nguy cấp - CR (Critically Endangered)" - PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn nói.

---------------------------
Thường xuyên truy cập chuyên mục
Có Thể Bạn Chưa Biết để khám phá nhiều sự thật thú vị nhé!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại