Cô đừng giận đứa học trò vô tâm và tàn nhẫn

Ngô Lê Phương |

Chúng em thầm thì sau lưng cô, sau mỗi giờ học, so sánh từng nét chữ, cách giảng bài, lối ăn vận,… Chúng em cứ vô tư bình luận sự giản đơn tột cùng của cô: chiếc xe đạp cũ kỹ, những bộ quần áo một màu, nét chữ gầy mảnh; em thích những chiếc áo có hình bông hoa màu tím rất dịu dàng của cô giáo cũ, em thích chiếc xe “mi – pha” màu trắng trang nhã của cô giáo cũ, em thích nét chữ tròn trịa của cô giáo cũ…

Cô Thái ơi!

Khi viết những dòng này, tay em lại run run. Cái thời em là học trò của cô đã gần 20 năm rồi cô nhỉ. Câu chuyện về cô, về những ngày đã xa xôi trong ký ức không phải lúc nào cũng thường trực trong em, nhưng mỗi khi nó xâm chiếm tâm trí, em lại không thôi day dứt.

Ngày đó, em là cô học sinh lớp 7 – lớp chọn của một ngôi trường cấp 2 ở thị xã nhỏ bé. Cô chẳng dạy em từ năm đầu cấp, vì cô giáo dạy văn chuyển công tác, cô “tiếp quản” giữa chừng. Ở lớp chọn hồi đó, em là đứa học văn khá nhất. Khi cô vừa đến, em đã không cởi mở với cô, không đón nhận cô, không để cho cái tình cảm yêu quý với một đứa học sinh học khá mà cô dành cho em có cơ hội đâm chồi…

Ấn tượng tốt đẹp và dịu êm của cô – giáo – trước – cô với em quá lớn nên em, cả bọn chúng em đã khắc nghiệt với cô đến nhường nào. Chúng em thầm thì sau lưng cô, sau mỗi giờ học, so sánh từng nét chữ, cách giảng bài, lối ăn vận,… Chúng em cứ vô tư bình luận sự giản đơn tột cùng của cô: chiếc xe đạp cũ kỹ, những bộ quần áo một màu, nét chữ gầy mảnh; em thích những chiếc áo có hình bông hoa màu tím rất dịu dàng của cô giáo cũ, em thích chiếc xe “mi – pha” màu trắng trang nhã của cô giáo cũ, em thích nét chữ tròn trịa của cô giáo cũ…

Những buổi học thêm, những lớp ôn luyện chỉ dành cho 7 – 8 người để tham dự các kỳ thi học sinh giỏi, bài của em luôn được chọn đọc cho cả lớp nghe. Em tự cho mình khá rồi, và cô càng tỏ ra quan tâm chăm sóc, em càng không tha thiết. Lớp học đến và ra về đúng giờ, em hầu như không bao giờ ở lại để trao đổi thêm với cô về một vấn đề còn “lấn cấn” như em rất thường làm với cô giáo cũ. Cứ như thế, gần một năm học trôi qua…

Một lần, lớp được thông báo đến học ở nhà cô, vì “điều kiện không cho phép cô đi xa dạy học thêm”. Chúng em đã khó chịu và không hiểu vì lý do gì mình và các bạn phải đi thêm cả cây số nữa. Cô ơi, cả đời em sẽ không bao giờ quên được hình ảnh buổi chiều mùa xuân đầy nắng ấy: trong căn phòng chưa đến chục mét vuông, một chiếc võng mắc vào hai khung cửa sổ, một người đàn ông gầy gò, xanh xao nằm mỏi mệt. Chồng cô mệt đến mức không buồn trả lời khi chúng em chào.

Sau rồi cô bảo: “Chú bị bệnh”. Em cảm được sự khốn khó trong căn nhà ngói hai gian, đồ đạc chẳng có gì. Vô tình xuống căn bếp, nhìn vài que củi nhen một đốm lửa lạnh lẽo, ấm nước mãi không sôi, nhìn đứa con gái bé bỏng của cô (hình như lúc đó em Mai chưa tròn 3 tuổi cô nhỉ), em có cảm giác mình thật không phải. Cũng buổi chiều mùa xuân đó, em đã xin một tấm ảnh chân dung nhỏ xíu của cô, tấm ảnh cô dùng để dán trong các bộ hồ sơ, rồi kẹp vào cuốn vở chuyên để đi học thêm lớp bồi dưỡng văn.

Lớp ôn thi học sinh giỏi không học đều đặn như trước, vì như thông báo của cô giáo chủ nhiệm là chồng cô rất yếu. Cô ơi, khi ấy em mới 13 tuổi, chúng em đều 13 tuổi, ngu dại chừng nào, cứ nghe được nghỉ học là hét lên vui sướng, đâu biết những buổi chiều cuối xuân đầu hạ cô vất vả chăm sóc chồng khi chú vào những ngày đau yếu nhất…

Không lâu sau đó, chồng cô mất. Lũ trẻ con lớp 7 không còn bình luận nét chữ, trang phục hay chiếc xe đạp của cô, đứa nào cũng nói thương cô. Em đã bắt đầu để riêng trang cuối cùng của cuốn vở học thêm để ghi những điều tâm đắc từ buổi học với cô, như cách em đã làm với cô giáo trước.

Em nhớ như in buổi học cô ra đề bình những câu: “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương…”, cô chọn đọc bài của em cho cả lớp nghe. Cô khen bài viết hay, nhưng đôi chỗ hơi già, hơi “gồng mình lên”. Em ghi vào trang cuối một lời cô dặn hôm đó: “Viết văn, các em đừng dùng từ quá đại ngôn”.

Cô ơi, trong trí nhớ của em bây giờ, vẫn vẹn nguyên hình ảnh lớp học đầu tiên trong dãy nhà cấp 4, sân trường lún phún cỏ xanh, những ngày mưa mặt đất nhão nhoẹt… Nhiều ngày nhiều tháng, dáng cô gầy gò trên chiếc xe đạp cũ dạy thêm cho lớp học chưa đến chục trò. Đó là quãng thời gian em đọc rất nhiều, trang cuối cùng của cuốn vở đầy kín, rồi thêm trang nữa, thêm trang nữa…

Rồi cô ốm, lớp học không đều, thậm chí mỗi buổi cô đi dạy thì giờ ra chơi kéo dài hơn và buổi học kết thúc sớm hơn. Chúng em đã vô tâm đến nhường nào, không biết sau mỗi buổi học, cô mỏi mệt đạp xe về trong ánh chiều vàng vọt. Có hôm cô giảng xong mà ngồi thở không ra hơi. Một buổi học gần sau cuối, cô đọc tên những người chưa đóng tiền học thêm tháng đó, trong đó có em.

Em vẫn nhớ 12.000 đồng cô ạ. Em định buổi sau đi học đóng tiền cho cô, nhưng không có buổi sau nào nữa, cô ốm quá không lên lớp được. Chúng em lại bảo nhau, hôm nào học tiếp cùng nộp tiền cho cô. Chờ mãi, chờ mãi cô vẫn chưa lên lớp.

Một buổi trưa mùa hạ, Hiên – cô bạn cùng lớp gọi cổng nhà em rất gấp gáp. Em ngái ngủ chạy ra, vừa trông thấy em, Hiên bảo: “Cô T. mất rồi”. Em câm lặng, không mở cửa cho bạn, tay vịn vào cánh cổng sắt, mắt trân trân nhìn xuống đất, không cả dám nhìn vào mắt Hiên. Mà em không khóc, mà em cứ câm lặng mãi… cho đến khi Hiên nhắc em về ngày, giờ đến viếng cô.

Em lại trở lại căn phòng chưa đến chục mét vuông, đúng nơi chồng cô từng mắc chiếc võng nằm mỏi mệt, người ta để cô nằm đó: bộ quần áo “kí giả” màu ghi, che mặt cô bằng một tờ giấy trắng, kẻ ra người vào, đầu óc em cứ quay cuồng, ong ong,…

Bên ngoài, các cô giáo trong trường thay nhau vỗ về em Mai, ai cũng bảo em còn nhỏ quá, đến nỗi đau này em chưa thấu hết. Em Mai xinh như búp bê: da trắng, má hồng, tóc vàng xoăn xoăn,… Em ngơ ngác. Người ta thương quá lại bế em sang nhà hàng xóm. Cô ơi, buổi chiều mùa hạ oi nồng, em thấy sự mất mát chia ly chưa bao giờ tàn nhẫn thế…

Cả tháng sau, em không biết phải làm thế nào mà gửi tiền cho cô được cô ạ. Rồi tấm ảnh chân dung nhỏ xíu của cô, em cứ nghĩ mãi không biết làm thế nào. Em đã đốt tấm ảnh ấy, vừa đốt vừa khấn cô: “Cô ơi, em còn chưa gửi cô 12.000 tiền học thêm, mấy bạn cũng chưa nộp cho cô, chắc cô không giận chúng em cô nhỉ?...”.

Một cô giáo khác lại thay cô dạy chúng em, những năm sau đó, năm nào em cũng có giải thi học sinh giỏi văn. Chỉ cô chưa bao giờ được chia sẻ với em niềm vui ấy. Em cũng chưa bao giờ quay lại thắp cho cô nén hương, vì căn nhà cũ đóng cửa im lìm. Một nhà hàng xóm vì thương em Mai mà nhận làm con nuôi, vài năm sau bạn em vẫn bảo: “Em Mai lớn lắm, xinh xắn lắm!” Mỗi lần như thế, em nghĩ là cô chú đã về che chở cho đứa con bé bỏng mất cả mẹ cha khi còn quá nhỏ.

Em vẫn nhớ căn nhà đơn sơ không đồ đạc gì đáng giá, nhớ ánh lửa yếu ớt không gợi sự ấm áp mà cứ lạnh lẽo đơn côi, nhớ hình ảnh em Mai hồng hào xinh xắn,… nhớ cả khi em vừa đốt ảnh cô vừa lầm rầm: “Em chưa gửi tiền cho cô được cô ơi, chắc cô không giận em cô nhỉ…”.

Gần 20 năm qua rồi, chuyện tưởng mới hôm qua, nên khi nghĩ lại, tay em cứ run run mà không khóc được. Phải chi cô chờ em thêm vài tháng nữa, em đã có một giải thi học sinh giỏi tặng cô; phải chi chúng em đón nhận cô sớm hơn mà hiểu được hoàn cảnh của cô, mà đừng tàn nhẫn; phải chi…

Cô Thái ơi, người ta bảo “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Đến bây giờ, mỗi khi viết một điều gì đó, về ai đó, thứ đầu tiên hiện lên trong đầu em vẫn là: “Đừng dùng từ quá đại ngôn”. Mỗi lần như thế, em lại nhớ cô, lại muốn nói với cô rằng em xin lỗi, em rất tiếc.

Gần 20 năm, nỗi day dứt trong em chưa bao giờ biến mất. Nhưng muộn rồi cô nhỉ, cô đi xa mãi rồi. Viết những dòng này em lại lầm rầm: “Cô ơi, dẫu sao khi ấy em chỉ mới 13 tuổi, chắc cô không giận em cô nhỉ?”.

Bây giờ em lớn khôn, làm vợ, làm mẹ rồi, em càng thương cô biết bao nhiêu. này cô nhé!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại