Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) chỉ ra: "Bên cạnh gia tăng sức mạnh quân sự, Trung Quốc đã nhanh chóng củng cố thể chế của Cục hải cảnh. Với xu hướng này, cán cân lực lượng trên biển Hoa Đông sẽ do Bắc Kinh chiếm thế thượng phong."
Báo cáo này căn cứ vào những bước phát triển "thần tốc" của đội tàu hải giám Trung Quốc trên biển Hoa Đông, bất chấp liên minh Mỹ-Nhật nhận thức rõ mối đe dọa và ngày càng gây sức ép mạnh mẽ lên Bắc Kinh.
Lực lượng "bảo vệ trị an" trên biển là một trong những chuyển biến đáng kể nhất từ phía Trung Quốc và đã "phủ bóng đen u ám" lên vấn đề an ninh của Nhật Bản.
Theo Nikkei, hoạt đọng tuần tra trong lãnh hải và vùng cận hải của Nhật Bản do Lực lượng cảnh sát biển (JCG) của nước này phụ trách. Cơ quan tương đương phía Trung Quốc là Cục hải cảnh.
Trong các cuộc tranh chấp thời bình, những lực lượng cảnh bị trên biển sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến trật tự khu vực biển Hoa Đông hơn là quân đội.
Trên thực tế, từ 4 năm trước Chính phủ Nhật Bản đã chú ý đến xu thế "xoay chiều" trong tương quan hai nước trên biển Hoa Đông và thường xuyên tỏ thái độ quan ngại với Mỹ.
Nikkei cho hay, so sánh lực lượng cảnh bị trên biển của Trung-Nhật cho thấy Bắc Kinh sở hữu một số tàu cỡ lớn, khối lượng hàng nghìn tấn có khả năng tiếp cận đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc chưa từng công khai các số liệu trên phương diện này, nhưng truyền thông Nhật Bản tổng kết các báo cáo của Bắc Kinh qua nhiều năm và nhận ra, Tokyo vẫn chiếm ưu thế trong giai đoạn trước và sau năm 2013.
Tuy nhiên, đến năm 2015, khi số lượng tàu cỡ lớn của Nhật là 62 thì Trung Quốc đã có 111 chiếc. Khoảng cách này dự kiến tiếp tục nới rộng trong năm 2016.
Tàu PS206 Houou của Cảnh sát biển Nhật Bản tuần tra đảo Uotsuri, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung-Nhật đang tranh chấp. (Ảnh tư liệu: Reuters)
Các tàu do Cục hải cảnh Trung Quốc phụ trách phân bố ở cả biển Đông, nhưng tình hình thay đổi cũng đã được nhận thấy trên biển Hoa Đông, theo Nikkei.
Quan chức giấu tên thuộc JCG tiết lộ, xu thế chung của các tàu Trung Quốc bị phát hiện tiếp cận Senkaku/Điếu Ngư thời gian qua là sự gia tăng về kích cỡ, hạn chế ảnh hưởng từ thời tiết và kéo dài thời gian hoạt động trên biển, dễ dàng thoát khỏi sự giám sát của cảnh sát biển Nhật Bản hơn.
CSIS cho hay, tổng khối lượng bình quân của các tàu hải giám Trung Quốc tiếp cận Senkaku/Điếu Ngư năm 2014 là 2.200 tấn. Đến năm 2015 là 3.200 tấn.
Trong khi đó, tổng khối lượng 17 chiếc tàu tuần tra JCG là 3.000 tấn.
Trung Quốc thay đổi chiến thuật trên biển Hoa Đông
Theo Nikkei, mặc dù thách thức đến từ các tàu hải giám Trung Quốc trên biển Hoa Đông chưa lớn, nhưng lực lượng của Nhật Bản nhiều khả năng rơi vào thế bị động khi xét đến tương quan lực lượng.
Sau khi Chính phủ Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã ồ ạt điều động tàu hải giám tới khu vực biển này để gây sức ép.
Năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải lên tiếng khẳng định hòn đảo mà Trung-Nhật tranh chấp chủ quyền này phù hợp để áp dụng Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật.
Các chuyên gia Bộ quốc phòng Mỹ cho biết: "Kể từ đó, Trung Quốc đã học được kinh nghiệm và ngừng những hành vi 'thách thức' nguy hiểm, thay vào đó là gia tăng quy mô cũng như cường độ gây sức ép lên các đảo liên quan."
Nikkei chỉ ra, Trung Quốc đang thông qua biện pháp "đối đầu dài hạn" để tạo áp lực lên Tokyo, nhằm phá vỡ tình trạng kiểm soát thực tế của Nhật đối với Senkaku/Điếu Ngư, trong khi vẫn không tạo cơ hội cho Washington can thiệp.
Bên cạnh lực lượng chấp pháp trên biển, số lượng tàu cá Trung Quốc "đổ" tới tác nghiệp gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng tăng vọt. Năm 2014, số tàu cá là 208 chiếc, gấp 25 lần so với 2011.
Chính phủ Nhật Bản tin rằng, tàu cá Trung Quốc có khả năng trở thành "dây dẫn nổ" châm ngòi cho xung đột song phương trên biển Hoa Đông.