Lực lượng an ninh Trung Quốc làm nhiệm vụ tại khu Tử Cấm Thành khi khu vực này được mở cửa trở lại từ ngày 1/5. Ảnh: Getty Images
Một số quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng có quan điểm cứng rắn hơn đối với các vấn đề kinh tế, ngoại giao, khoa học trong tổng thể hợp tác song phương giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Điều này làm xấu đi mối quan hệ vốn đã rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Giới phụ tá Nhà Trắng trong tuần này đã thúc giục Tổng thống Trump ban hành một sắc lệnh hành pháp, ngăn cấm quỹ lương hưu của chính phủ đầu tư vào các công ty của Trung Quốc. Đây là một động thái có thể làm dịch chuyển dòng chảy vốn khắp Thái Bình Dương. Về phần mình, Tổng thống Mỹ ngày 1/5 cho biết ông sẽ ra quyết định hạn chế sử dụng các thiết bị điện trong hệ thống truyền tải điện quốc gia của Mỹ có dính đến “một đối thủ nước ngoài” - cách đề cập không chính thức tới Trung Quốc.
Giới cố vấn cấp cao, đứng đầu là Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ tiếp tục tìm kiếm bằng chứng để củng cố cho giả thuyết đại dịch COVID-19 là hệ quả của một sự cố rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, dù các chuyên gia phân tích tình báo cho rằng sẽ rất khó tìm kiếm được bằng chứng kiểu như vậy.
Chiến tranh thông tin khốc liệt liên quan đến virus đã trở thành điểm cốt lõi trong cạnh tranh Mỹ-Trung, nhưng các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump chống Trung Quốc đã mạnh lên ở khắp các bình diện.
Theo giới chức Nhà Trắng, một phần nguyên nhân là Mỹ muốn đáp trả các động thái của Trung Quốc trong nhiều vấn đề. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa và cố vấn tranh cử của ông Trump cũng nhắm đến mục tiêu dùng lá bài chỉ trích Trung Quốc để khiến dư luận trong nước bớt chú ý tới tình hình dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử tháng 11 đang tới gần.
Tuy nhiên, thế lực ở Washington cổ vũ cho mối quan hệ ổn định hơn với Trung Quốc, trong đó có cả những cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, cảnh báo rằng Mỹ cần lưu ý không được đẩy căng thẳng đi quá xa. Trung Quốc sẽ thoát khỏi suy thoái nhanh hơn các nước khác. Mỹ, đang phải vật lộn với đại dịch với trên 1 triệu người mắc và 64.000 ca tử vong, có thể sẽ phụ thuộc vào hoạt động kinh tế ở châu Á nếu muốn vực dậy kinh tế trong nước. Một phần trong đó liên quan đến việc Bắc Kinh có tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung đã được ký kết hồi tháng 1 vừa qua hay không.
Theo Jude Blanchette, học giả chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), quan hệ Mỹ-Trung đang bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới, không chỉ đơn thuần là bước gia tăng căng thẳng từ mối bang giao trước đây. Đặc trưng của hình thái mới là va chạm tại các điểm nóng, gia tăng thù địch, sự trỗi dậy của lối suy nghĩ được ăn cả và sự suy giảm vai trò của các thiết chế trung gian giảm thiểu căng thẳng. Ông nhìn nhận đối đầu gia tăng hiện nay chủ yếu do yếu tố dân tộc chủ nghĩa đang thắng thế ở cả Bắc Kinh và Washington.
Sự tức giận ngày một lớn trong một bộ phận cố vấn Nhà Trắng là một phần nguyên nhân dẫn đến những bước đi cứng rắn của Mỹ chống Trung Quốc. Ngoại trưởng Pompeo, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matthew Pottinger và Cố vấn Thương mại Peter Navarro lâu nay ủng hộ chính sách cứng rắn chống Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cùng với Cố vấn Cấp cao Jared Kushner là những người theo đuổi cách tiếp cận mềm dẻo hơn. Nhưng kể từ cuối tháng 4, ông Kushner được cho là đã quyết định chuyển sang ủng hộ phái cứng rắn với Trung Quốc liên quan đến tình hình dịch bệnh cũng như những vấn đề trong nguồn cung thiết bị y tế.
Giới cố vấn Nhà Trắng đang rà soát một loạt lựa chọn để quy trách nhiệm cho Trung Quốc trong đại dịch COVID-19. Một biện pháp được bàn bạc là khởi kiện Trung Quốc, đòi bồi thường, dù chính quyền sẽ cần phải tìm ra cách thức lách một đạo luật Mỹ tương thích với luật quốc tế về trao quy chế miễn trừ quốc gia có chủ quyền.
Các chuyên gia pháp lý nói rằng điều này rất khó và Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ ý tưởng trên. Ông Trump tuyên bố Mỹ đã mở cuộc điều tra nhằm vào Trung Quốc. Giới cố vấn cho biết tiến trình này có liên quan đến các cơ quan tình báo trong việc thẩm định virus khởi nguồn lây lan như thế nào và cùng với đó là trách nhiệm của Bộ Tư pháp.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ về hạn chế mua sắm thiết bị điện hôm 1/5 dường như là một nỗ lực nữa nhằm kiềm tỏa Trung Quốc sau khi ông ký ban hành Luật Đài Loan cuối tháng 3. Ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và lệnh cho Bộ trưởng Bộ Năng lượng ban hành quy định cấm nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài dùng cho các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện – lĩnh vực mà Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế trên thế giới.
Theo một số nguồn tin tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đang xem xét ký ban hành một sắc lệnh hành pháp, cấm Quỹ Tiết kiệm Hưu trí (TSA) mở rộng đầu tư vào Trung Quốc và các thị trường mới nổi trong năm nay. Nhà Trắng cũng đang xúc tiến kế hoạch thay đổi thành viên trong ban điều hành TSA. Nhiệm kỳ 5 năm của 5 thành viên trong ban điều hành đã hết, dù họ có thể tiếp tục công việc cho đến khi có người thay thế. Nhiều quan chức Nhà Trắng cũng ủng hộ một số dự luật tại Quốc hội hướng đến kiểm soát đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc hoạt động mập mờ, hoặc có liên quan đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền, hạn chế các công ty của Trung Quốc tiếp cận các thị trường tài chính Mỹ.
Một vài cố vấn Nhà Trắng, trong đó có Bộ trưởng Mnuchin, tỏ vẻ nghi ngại về những bước đi này, cho rằng chúng có thể làm đứt gãy các thị trường tài chính ở Mỹ cũng như thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một. Giới điều hành nghân hàng Mỹ cũng đã cảnh báo về những hệ quả tiêu cực.