Công Vinh, Miura và tham vọng của bóng đá TP.HCM: Còn đó một dấu hỏi to đùng

Kinh Luân |

HAGL là của bầu Đức, CLB Hà Nội nằm trong tay bầu Hiển, ở FLC Thanh Hóa tiếng nói cao nhất thuộc về chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Vậy đứng sau CLB TP.HCM là ai?

1. CLB TP.HCM đang tạo một cú sốc lớn cho bóng đá Việt Nam. Từ những bước chuyển mình "nhẹ nhàng" ở mùa bóng trước như bổ nhiệm Công Vinh làm quyền chủ tịch CLB, mua cầu thủ giỏi, xây dựng nhà vệ sinh cũng như phòng thay đồ, mua xe bus tiêu chuẩn "5 sao", khánh thành phòng truyền thống bóng đá TP.HCM, đến mùa bóng này, cả V-League lại "phát sốt" lên vì bước chuyển mình thực sự.

Không chỉ lấy lòng người hâm mộ bằng những hình ảnh mang nặng tính PR như việc quyền chủ tịch Công Vinh tận tay bán vé cho khán giả, CLB TP.HCM đang thực sự chứng minh con đường chuyên nghiệp với việc bổ nhiệm cựu HLV trưởng ĐTQG Việt Nam Miura vào chiếc ghế HLV, đồng thời đem về hàng loạt hảo thủ để thực sự nhắm vào mục tiêu top 3 V-League mùa bóng này.

Cái sự "thay da đổi thịt" của CLB TP.HCM, ngoài nỗ lực và mối quan hệ của Công Vinh, thứ quan trọng nhất hẳn nhiên là tiền. Rất nhiều tiền. Bởi để "nhổ" những Phi Sơn, Ngọc Thịnh, Sầm Ngọc Đức, Huỳnh Văn Thanh, Nguyễn Hải Anh, Nguyễn Thanh Điệp, đưa họ về TP.HCM, Công Vinh ắt hẳn phải bỏ ra những khoản tiền "lót tay" không hề nhỏ, tiếp đấy là chế độ lương thưởng tương xứng.

Công Vinh, Miura và tham vọng của bóng đá TP.HCM: Còn đó một dấu hỏi to đùng - Ảnh 1.

Dàn "hảo thủ" này sẽ ngốn của CLB TP.HCM số tiền không nhỏ.

Không có được đội ngũ cầu thủ trẻ "cây nhà lá vườn" như HAGL hay CLB Hà Nội, chí ít cũng ổn định như Quảng Nam, Sài Gòn hay Than Quảng Ninh... chi phí cho một mùa V-League của CLB TP.HCM sẽ cao chóng mặt so với mặt bằng V-League.

Nếu như CLB HAGL của bầu Đức chỉ cần 15 tỷ đồng mỗi năm là có thể hoạt động ngon lành, qua đó bỏ túi ít nhất 10 tỷ đồng mỗi mùa từ hợp đồng tài trợ, thì ngân sách hoạt động của các CLB khác nằm loanh quanh cột mốc 30 tỷ đồng mỗi mùa.

Nhưng với riêng CLB TP.HCM, tiền lương trả cho HLV Miura, HLV thể lực Martin Forkel, 3 ngoại binh cùng dàn cầu thủ nội kha khá, và cả tiền lương của Công Vinh nữa, nếu tính luôn việc xây dựng hệ thống đào tạo trẻ sẽ phải tiêu tốn ngót nghét 100 tỷ đồng ở mùa bóng này.

Công Vinh, Miura và tham vọng của bóng đá TP.HCM: Còn đó một dấu hỏi to đùng - Ảnh 2.

Những ngoại binh như Rodrigo Possebon sẽ ngốn mức lương khổng lồ.

Tiền ở đâu ra?

Tất nhiên là tiền không từ trên trời rơi xuống. Chỉ có điều tiền ở đâu ra, với điều kiện gì thì... không nghe thấy nói.

Bỏ ra đến hàng trăm tỷ đồng để làm bóng đá mỗi năm, dẫu có là ai thì cũng chẳng thể "tầm thường", và tất nhiên là không chỉ "chơi cho vui" hay vì tình yêu bóng đá đơn thuần.

2. Làm bóng đá Việt Nam, xưa nay may ra chỉ có bầu Đức là "có lãi" - lãi đến từ quảng bá thương hiệu HAGL, cũng như đến từ hợp đồng tài trợ khổng lồ, hướng đến những cầu thủ trẻ "có thương hiệu" ở ĐTQG của CLB này. Còn lại hầu hết các CLB khác đều phải xoay xở để tồn tại và tham gia cuộc chơi bóng đá đầy tốn kém mang tên V-League.

Công Vinh, Miura và tham vọng của bóng đá TP.HCM: Còn đó một dấu hỏi to đùng - Ảnh 3.

HAGL là đội bóng hiếm hoi "có lãi" từ bóng đá.

Cũng có những ông bầu, những nhà tài trợ dùng đội bóng để làm truyền thông, đánh bóng cho doanh nghiệp, cho thương hiệu của mình, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít "nhà đầu tư" sử dụng chiêu bài "hỗ trợ" bóng đá địa phương, để đổi lại các quyền lợi khác.

Bóng đá thành phố Hồ Chí Minh từng là niềm tự hào lớn lao của người dân thành phố này, với những CLB có thành tích và bề dày truyền thống đáng nể như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TP.HCM... và cũng đã từng "nếm quả đắng" với những đội bóng "con nuôi", "thích thì chơi, không thích thì nghỉ".

Mùa giải V-League 2013, XM Xuân Thành Sài Gòn với dàn hảo thủ chẳng hề kém cạnh "đại gia" nào với những tuyển thủ như Phước Tứ, Tài Em, Long Giang, Hải Anh hay Đình Luật - người hiện đang đeo băng đội trưởng của CLB TP.HCM, đã tuyên bố bỏ giải, đồng thời giải thể luôn đội bóng, xóa trắng bóng đá V-League ở thành phố phương Nam này.

Người ta đang dành hết lời khen ngợi cho sự chuyên nghiệp của CLB TP.HCM dưới bàn tay của Công Vinh, và ở đâu đó, điều này thậm chí được đẩy lên thành tuyên chiến với thứ bóng đá "kém tử tế" đang tồn tại ở V-League, bởi cả Công Vinh lẫn HLV Miura đều là những con người dám làm và chơi thứ bóng đá "tử tế" ở Việt Nam.

Song hãy nhớ, bản thân Công Vinh cũng chỉ là người làm thuê, và chừng nào danh tính của "đại gia" đứng sau hàng núi tiền đang được đổ vào CLB TP.HCM còn là ẩn số, thì những người hâm mộ bóng đá thành phố Hồ Chí Minh, ủng hộ Công Vinh chắc hẳn vẫn sẽ phải thấp thỏm bởi cái sự "chẳng chuyên nghiệp chút nào" ở tầm cao nhất ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại