Bộ đôi hủy diệt
Trên sân Pleiku, chỉ sau 13 phút thi đấu, HAGL đã có bàn thắng dẫn trước Sanna Khánh Hòa. Người lập công là Minh Vương, bàn thứ 5 trong 4 trận gần đây, một hiệu suất khủng khiếp.
HAGL sau đó giành chiến thắng chung cuộc 2-1 và bỏ xa Long An tới 9 điểm trên BXH, nỗi lo xuống hạng gần như không còn nữa.
Ngoài Minh Vương, chuỗi trận ấn tượng trên còn ghi đậm dấu ấn của một chàng trai "cựu U19 Việt Nam" nữa là Văn Toàn với 3 pha lập công và nhiều tình huống kiến tạo.
Sau gần 2/3 mùa giải hứng chịu "gạch đá", bô đôi cầu thủ trẻ đã hồi sinh. Tất nhiên, đó là sự tích lũy của cả một quá trình.
Minh Vương và Văn Toàn đều không phải lần đầu bước chân vào sân chơi V-League. Nhưng cả hai, sau những thời gian thăng hoa ngắn ngủi đã gặp vô vàn khó khăn, từ việc lối chơi bị bắt bài, thua sút về thể hình cho đến vấn đề tâm lý.
Pha solo tinh tế của Văn Toàn trước Long An
Điều đáng khen là Minh Vương cùng Văn Toàn vẫn luôn giữ cho mình lửa quyết tâm, bất chấp mọi sức ép đè nặng. Trước khi "nổ súng" liên tục, Văn Toàn đã trải qua 16 vòng đấu liên tiếp "tịt ngòi".
Một ví dụ cụ thể cho khát khao của Minh Vương đến ở trận gặp Long An. Phút 87, cú lốp bóng từ chân anh bị hậu vệ đối phương phá ngay trước vạch vôi. Lúc đó HAGL đang dẫn 3-1 và cầm chắc chiến thắng. Song khi hết trận, Minh Vương vẫn tự trách mình và nhận lỗi về cơ hội bị bỏ lỡ.
Lời nhắn cho "bộ ba du học"
V-League khác Nhật Bản, Hàn Quốc, hoàn cảnh của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đương nhiên chẳng giống Văn Toàn, Minh Vương. Chí ít, bộ đôi còn bám trụ tại HAGL vẫn được ra sân để thể hiện, còn 3 "du học sinh" thường xuyên mài đũng quần trên ghế dự bị.
Tuy nhiên, thông điệp mà Văn Toàn và Minh Vương gửi tới những người bạn của mình lại rất giá trị: Không được đầu hàng, phải tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất.
Trước khi tỏa sáng liên tục, Văn Toàn đã có 2/3 mùa giải gây thất vọng lớn.
Với Công Phượng là những phút vào sân từ ghế dự bị, Xuân Trường có R-League, Tuấn Anh là các trận đấu giao hữu. Dĩ nhiên những buổi tập cũng vô cùng quan trọng.
Từng bước một, các cầu thủ xuất thân từ lò HAGL sẽ có chỗ đứng tại CLB của mình. Nhìn vào cách dùng người của Mito Hollyhock, Yokohama FC hay Incheon United, có thể thấy rất ít cầu thủ dưới 23 được thi đấu thường xuyên.
Việc không được chơi nhiều tác động xấu đến cảm giác bóng và phong độ của cầu thủ. Nhưng thất bại chỉ thực sự đến khi ý nghĩ buông xuôi xuất hiện trong đầu.
"Bộ ba du học" sẽ làm nên chuyện trong những tháng cuối tại nước ngoài?
Còn vài tháng nữa là mùa giải tại Nhật Bản và Hàn Quốc khép lại, chưa biết tương lai của "bộ ba du học" ra sao. Chỉ mong rằng họ sẽ để lại ấn tượng thật tốt về thái độ làm việc chuyên nghiệp. Điều đó có ích cho bản thân từng người và cho những thế hệ cầu thủ Việt Nam sau này.