Công Phượng, số phận hay giới hạn?

Kỳ Anh |

Xuân Trường đá chính hai trận liên tiếp ở CLB Incheon. Tuấn Anh cũng từng được đá chính và có bàn thắng cho Yokohama. Thế thì điều gì khiến Công Phượng thi thoảng mới được đá vài phút cho Mito Hollyhook và vẫn chưa có bàn thắng nào trong năm 2016 khi Phượng vốn dĩ là một tiền đạo.

Những điều Xuân Trường và Tuấn Anh làm được cho thấy một điều là dù họ có xuất phát điểm là sang Hàn Quốc và Nhật Bản để sắm vai quảng cáo là chính thì cũng vẫn có những cơ hội để họ có thể học hỏi, tiến bộ và chứng tỏ.

Làm gương mặt đại diện thì cuối cùng họ cũng vẫn được ra sân tập luyện hàng ngày, tiếp cận với phương pháp huấn luyện được cho là tiến bộ hơn, với các đồng đội được cho là có trình độ cao hơn, và nếu nuốt được các buổi tập ấy thì sẽ có vị trí, hoặc tối thiểu cũng nằm trong kế hoạch B – có thể vào sân thay người khi đội cần một nhân tố phù hợp với các phẩm chất của họ.

Vì thế, nếu không được trọng dụng tức là anh đã không thành công với các mục tiêu đặt ra trên sân tập, trong quá trình thể hiện các phẩm chất của mình trước HLV và các đồng đội.

Việc Công Phượng chỉ được đá chừng 5 phút và không một lần chạm bóng chứng tỏ vấn đề của tiền đạo này khi Mito và Yokohama gặp nhau. 

Và việc người Nhật đã biến trận đấu ấy, một cơ hội hiếm hoi để xem Tuấn Anh đối đầu Công Phượng trên sân cỏ, nhưng rồi Tuấn Anh không ra sân vì chấn thương thì Công Phương hoàn toàn khỏe mạnh còn chứng tỏ tiền đạo này còn chưa tiến bộ đủ để có một sự ưu ái nào đó dành cho anh.

Nhưng nếu Xuân Trường, Tuấn Anh là tiền vệ thì Công Phượng là tiền đạo. Cơ hội để thành công của hai vị trí này khác nhau, nếu như là một tiền vệ thì sẽ gặp ít sự cạnh tranh hơn, còn là tiền đạo thì phải là người giỏi nhất.

Bóng đá hiện đại có những CLB sẵn sàng sử dụng 6 tiền vệ và loại bỏ đi những tiền đạo truyền thống. Hoặc đơn giản hơn thì số lượng tiền vệ luôn nhiều hơn tiền đạo. Hay bàn tới đòi hỏi của từng vị trí, tiền đạo nếu không sút thủng lưới đối phương thì anh sẽ là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm nếu đội không thắng.

Vì thế, Công Phượng nếu đầu quân cho Hải Phòng thì anh cũng chưa chắc được đá chính. HLV Hải Phòng sẽ sử dụng bộ đôi tiền đạo da màu bởi họ vượt trội về khả năng săn bàn.

Đá chính ở trên hàng công của một đội bóng ở Nhật, dù chỉ là hạng hai, mà lại chỉ cao 1m68 thì việc có biệt danh “Messi Việt Nam” là chưa đủ mà phải có những năng lực thực sự.

Trong khi ấy, học hỏi trong môi trường tốt hơn là hữu hiệu nhưng với những cầu thủ ở độ tuổi 20-23 của bóng đá đỉnh cao thì cách học tốt nhất còn là phải được ra sân hàng tuần. Đó chính là lý do mà các cầu thủ trẻ ở các CLB lớn, hay những nền bóng đá đỉnh cao vẫn được đem đi cho mượn ở các CLB, nền bóng đá cấp thấp hơn để họ có nhiều hơn cơ hội ra sân.

Công Phượng, sinh tháng Giêng năm 1995, vẫn chưa có bàn thắng nào cho tuổi 21…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại