Một bộ phận cộng đồng mạng: Đám đông rảnh rỗi và độc ác

Bảo Nam. Thiết kế: Đức Minh |

Đằng sau mỗi cú click chuột là cả một cuộc đời, một sự nghiệp hay thậm chí là một sinh mạng. Đáng tiếc, một bộ phận đáng kể trong cộng đồng mạng Việt Nam không bao giờ nghĩ tới những điều này.

Thứ trước mặt dân mạng chỉ là... màn hình máy tính, không có ai chạy tới đấm thẳng vào mặt họ cả!

Một giáo sư người Mỹ mới đây vừa chia sẻ một câu chuyện thế này: Ông tạo ra một cuộc tranh luận. Đầu tiên, ông cho sinh viên của mình thảo luận trên mạng.

Những cuộc tranh luận sôi nổi bắt đầu. Nó đi từ sự hòa nhã tới cả sự va chạm gay gắt về quan điểm. Không ai chịu thua ai.

Sau đó vị giáo sư này đưa cuộc tranh luận này lên trước lớp. Đoán xem chúng ta có gì? Chỉ một vài sinh viên đứng lên phát biểu. Họ nhỏ nhẹ với nhau thay vì sự gay gắt trên mạng.

Vị giáo sư này muốn chứng minh, khi trước mặt các sinh viên chỉ là một màn hình máy tính/điện thoại, họ thoải mái thể hiện cái tôi của mình mà không cần lo lắng về phản ứng của người đối diện.

Một bộ phận cộng đồng mạng: Đám đông rảnh rỗi và độc ác - Ảnh 1.

Trước mặt là bàn phím, màn hình, thì dân mạng chẳng cần lo về phản ứng của người đối diệ. Cũng vì thế, họ dễ dãi trong hành động hơn.

Dù cãi vã có nổ ra thì đập vào mắt các sinh viên vẫn chỉ là cái màn hình chứ không có ai chạy tới hét hoặc thậm chí đấm vào mặt họ cả.

Nhưng khi tranh luận công khai thì khác. Tất cả những lời nói, hành động đều có thể dẫn tới hậu quả, nặng hay nhẹ tùy vào việc bạn nói gì.

Bản chất của cộng động mạng là như vậy. Khi trước mặt chỉ là cái màn hình, cư dân mạng có thể làm bất kỳ ai: Một nhà đạo đức, một triết gia, một kẻ đầu gấu, một người biết về tất cả các trend trên mạng… là bất kỳ ai.

Chẳng ai hiểu rằng, đằng sau mỗi cú click chuột có thể là một cuộc đời, một sự nghiệp hoặc thậm chí là một sinh mạng. Cộng đồng mạng không quan tâm, bởi cũng giống như các sinh viên kể trên, họ vốn không trực tiếp nhìn thấy phản ứng của đối phương.

Những kẻ nhân danh đạo đức để làm việc thiếu đạo đức

Trong thời gian vừa qua, cộng đồng mạng Việt Nam đã liên tục gióng lên những hồi chuông báo động về sự manh động và độc ác. Liệu có ai đang lắng nghe hay không?

Một resort bị tố cáo về thái độ không phù hợp với khách hàng. Cộng đồng mạng nổi cơn tam bành hùa nhau đi vote một sao cho cái resort đó.

Tôi thắc mắc, họ làm điều đó có vì mục đích giúp ngành dịch vụ của Việt Nam tốt lên hay không? Tôi đoán là không. Họ làm điều đó vì họ quá có quá nhiều thời gian và giúp họ cảm thấy việc dùng Facebook của mình có ý nghĩa hơn người khác.

Bởi nếu thật sự quan tâm tới việc dạy cho cái resort kia một bài học về thái độ không đúng mực, cộng đồng mạng đã chẳng tấn công… nhầm hàng loạt resort khác. Chỉ vì giống tên với cái resort kia mà cả một khách sạn ở tận Nhật Bản cũng bị cộng đồng mạng Việt Nam vote một sao.

Trách nhiệm đằng sau mỗi cú click chuột của họ quá thấp. Tôi tự hỏi, giá như việc vote một sao cho cái resort kia được thực hiện dưới hình thức trực tiếp, mặt đối mặt, công khai và minh bạch, liệu có bao nhiêu người trong 3.000 vote một sao dám đứng lên vì công lý?

Vụ khu resort này mới trôi qua vài ngày thì clip sex của một hot girl xuất hiện và cộng đồng mạng lại có việc để làm.

Một bộ phận cộng đồng mạng: Đám đông rảnh rỗi và độc ác - Ảnh 2.

Khi hotgirl Hà Nội bị phát tán clip sex, dân mạng đua nhau "đòi link", bình phẩm

Họ - tay trái thì share link cho nhau, tay phải thì ngồi gõ những dòng chửi bới, mạt sát nhân phẩm của nữ chính trong clip.

Thiết nghĩ, việc nam nữ yêu nhau rồi nảy sinh quan hệ thì vi phạm quy chuẩn đạo đức nào mà đến nỗi bị xúc phạm, miệt thị như thế? 

Những kẻ nhân danh đạo đức để làm một việc thiếu đạo đức là vùi dập một cô gái, bản thân họ có nhận ra sự mâu thuẫn ở đây hay không?

3 năm trước, một thanh niên chơi nổi trên Facebook vui mồm tuyên bố, nếu post của anh ta đủ 40.000 likes, anh chàng này sẽ… tự thiêu rồi nhảy cầu Tân Hóa.

Kết quả là post của anh chàng nhận tới… 71.000 likes. Rất nhiều người thúc giục chủ post thực hiện lời hứa của mình.

Vẫn biết anh chàng kia chỉ câu like cho vui, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc cả một đám đông hùa vào mang sinh mạng con người ra làm trò vui. Bạn không nhìn thấy những gì đang diễn ra không có nghĩa là nó không diễn ra.

Giá những người dùng mạng hiểu rằng những gì họ làm không chỉ đơn thuần là con con số, dòng chữ vô tri trên màn hình mà là cuộc đời, sự nghiệp của người khác, thì có lẽ mọi thứ đã tốt đẹp hơn. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại