Tham dự họp báo có lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan hữu quan.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV gồm: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Đường sắt 2017; Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Luật Du lịch 2017 và Luật Thủy lợi.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Được xây dựng trên quan điểm và nguyên tắc là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; hỗ trợ chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Luật có kết cấu gồm 4 chương, 35 điều với phạm vi điều chỉnh quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa: Luật sử dụng 3 tiêu chí là số lao động, doanh thu, nguồn vốn để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong đó, số lao động tham gia BHXH (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với 1 trong 2 tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng).
Luật Quản lý ngoại thương: Điều chỉnh chủ yếu công tác quản lý nhà nước về ngoại thương, bao gồm: Các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau, chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng là dịch vụ.
Với bố cục gồm 8 chương, 113 điều, Luật quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; các biện pháp hành chính; các biện pháp phòng vệ thương mại; biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương; các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương…
Luật Đường sắt 2017: Gồm 10 chương với 87 điều, tăng 2 chương và giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005. Luật có các quy định đầy đủ điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt.
Những điểm mới của Luật được thể hiện ở các nội dung lớn như về chính sách phát triển đường sắt; kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; đường sắt đô thị; đường sắt tốc độ cao…
Luật Chuyển giao công nghệ 2017: Được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Chuyển giao công nghệ 2006, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Sửa đổi, bổ sung chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; tiêu chí xây dựng danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục công nghệ cấm chuyển giao; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Luật có bố cục gồm 6 chương, 60 điều.
Luật Du lịch 2017: Gồm 9 chương, 78 điều (giảm 20 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005) với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn du lịch; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch…
Luật có các quy định cụ thể liên quan đến khách du lịch; tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quy hoạch về du lịch; điểm du lịch, khu du lịch; kinh doanh du lịch; hướng dẫn viên du lịch; xúc tiến du lịch, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; quản lý nhà nước về du lịch…
Luật Thủy lợi: Gồm 10 chương, 60 điều, quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi…