"Con tôi hồi nhỏ thông minh lắm, sao lớn lên lại ngốc nghếch?" - Nghiên cứu chỉ ra 5 thói quen gây hại cho IQ của trẻ

HIỂU ĐAN |

Nghiên cứu khoa học về não bộ cũng phát hiện não bộ có thể được thay đổi theo cách tích cực hoặc tiêu cực, tùy thuộc vào yếu tố tác động vào nó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

cha mẹ, bạn đã bao giờ phàn nàn như thế này chưa: "Con tôi hồi nhỏ thông minh lắm, sao lớn lên càng ngốc nghếch hơn?". Đặc biệt là sau khi con đi học, ngày càng có nhiều phụ huynh chung tâm trạng này. Họ tự hỏi liệu "đứa trẻ thông minh" ngày xưa của mình đã đi đâu?

Các nhà thần kinh học chỉ ra rằng "thời kỳ vàng" của sự phát triển não bộ là trước 5 tuổi. Ở giai đoạn này, mạng lưới thần kinh của não bộ phát triển mạnh mẽ và trưởng thành nhanh chóng. Khoảng 5 tuổi, trí não của trẻ phát triển gần giống như của người lớn.

Nghiên cứu khoa học về não bộ cũng phát hiện não bộ có thể được thay đổi theo cách tích cực hoặc tiêu cực, tùy thuộc vào yếu tố tác động vào nó. Nếu trẻ mắc phải 5 thói quen xấu ở giai đoạn này thì chỉ số IQ của trẻ sẽ bị "hao hụt".

Con tôi hồi nhỏ thông minh lắm, sao lớn lên lại ngốc nghếch? - Nghiên cứu chỉ ra 5 thói quen gây hại cho IQ của trẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

1. Quá mê đồ ngọt

Ăn quá nhiều đồ ngọt có thể gây béo phì và sâu răng, nhưng bạn có biết, ăn quá nhiều đường cũng có thể gây hại cho não? Đồ ngọt sẽ khiến não tiết ra nhiều dopamine làm con người cảm thấy vui vẻ, vì vậy bạn sẽ muốn ăn nhiều, dẫn tới não sẽ "nghiện" đồ ngọt, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy điều này bằng cách so sánh não của những con chuột thường xuyên ăn chế độ ăn nhiều đường với những con không ăn. Quá nhiều thức ăn nhiều đường đã ức chế những thay đổi trong tế bào thần kinh và những con chuột ăn đường thường xuyên cho thấy khả năng kiểm soát và phán đoán hành vi giảm sút. Quá nhiều đường cũng tấn công vùng hippocampus trong não, gây giảm trí nhớ.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo lượng đường nạp vào cơ thể chỉ nên giới hạn ở mức 25 gam mỗi ngày, hoặc 6 thìa cà phê là đủ. Trẻ mê đồ ngọt tưởng chừng là vấn đề nhỏ nhưng có thể khiến não bộ bị tổn thương nghiêm trọng.

2. Thiếu ngủ

Từng có một thí nghiệm giấc ngủ nổi tiếng như sau: Các nhà nghiên cứu đã chia 77 học sinh lớp 4 và lớp 6 thành hai nhóm: nhóm đầu tiên ngủ nhiều hơn bình thường nửa tiếng và nhóm thứ hai ngủ ít hơn bình thường nửa tiếng.

Sau bốn ngày kiểm tra chức năng thần kinh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thành tích của một học sinh lớp sáu ít ngủ tương đương với học sinh lớp bốn. Nghĩa là, một giờ ngủ ít hơn khiến con người bị giảm sút khả năng tư duy, tương đương với việc mất đi hai năm học tập và phát triển.

Tạp chí Harvard Business Review từng chỉ ra rằng: Nếu một người chỉ ngủ từ 4 đến 5 tiếng trong 7 ngày liên tục, nồng độ cồn trong cơ thể sẽ lên tới 1%. Lúc này không chỉ khả năng tư duy của não bộ sẽ suy giảm mà mà trí nhớ và khả năng phán đoán cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trạng thái tiếp thu bài giảng của trẻ, không có khả năng tập trung, thần kinh não bộ rơi vào trạng thái ức chế, không thể hưng phấn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập. Và thiếu ngủ lâu ngày còn có thể khiến trẻ bị đau đầu, trằn trọc, suy giảm trí nhớ, thậm chí là suy nhược thần kinh hoặc trầm cảm.

Là cha mẹ, bạn phải quan tâm đến vấn đề giấc ngủ của con mình, đừng để con thức khuya học bài sẽ lợi bất cập hại.

3. Nghiện màn hình điện tử

Tất cả những đứa trẻ nghiện màn hình điện tử như điện thoại di động, TV đều có khả năng tư duy kém sâu sắc, không thể đi vào trạng thái tập trung sâu trong học tập và khó đọc sách. Sau khi rời khỏi màn hình điện tử một lúc, chúng có thể rơi vào trạng thái bồn chồn.

Nhiều sinh viên hiện nay mắc chứng khó đọc, họ đã quen với sự kích thích "ngắn, nhanh" của điện thoại di động khiến việc đọc trở nên đặc biệt khó khăn. Đây là một dấu hiệu rất nguy hiểm!

Các video ngắn, trò chơi và nền tảng xã hội khiến não bộ của trẻ luôn bị kích thích bởi niềm vui tức thời. Sự kích thích bề ngoài này hoàn toàn không cần não bộ phản hồi và suy nghĩ. Nếu cứ tiếp diễn như vậy, khả năng tư duy của trẻ sẽ bị suy yếu. Điện thoại di động giống như liều thuốc độc chậm, làm tổn thương chất xám và chất trắng ở thùy trán não, khiến trẻ dần trở nên tê liệt, ngốc nghếch.

Một giáo viên THCS với 30 năm kinh nghiệm giảng dạy cho biết: "Những bất lợi của việc trẻ em nghiện điện thoại di động đặc biệt rõ ràng sau khi vào trung học cơ sở. Điện thoại di động là một trong những ngòi nổ của xung đột giữa trẻ vị thành niên và cha mẹ. Ở cấp tiểu học, hãy nhớ kiểm soát chặt chẽ điện thoại di động của con bạn!".

4. Không thích thể thao

Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng: khi con người vận động, lượng máu cung cấp cho não sẽ tăng lên rất nhiều, có lợi cho quá trình trao đổi chất của tế bào thần kinh não bộ. Giáo sư John Reddy của Đại học Harvard cũng đề cập trong cuốn sách "Thể thao thay đổi não bộ" rằng tốc độ học từ vựng sau khi tập thể dục cao hơn 20% so với trước khi tập thể dục.

Shi Yigong, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, ở tuổi 55 vẫn như một thanh niên, nghiên cứu khoa học hết sức nhiệt tình. Shi Yigong cho biết anh chạy ít nhất 30 km mỗi tuần và kiên quyết tập thể dục để giữ cho mình sảng khoái.

Hãy giúp con bạn đi tìm một môn thể thao yêu thích và gắn bó với nó; Không ngừng làm phong phú các loại hình thể thao của con để kích thích sinh lực cho não bộ.

5. Trẻ em thường bị chỉ trích và mắng mỏ

Năm 2009, Giáo sư Teicher của Trường Y Harvard đã phân tích bộ não của những người trẻ tuổi từng bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói và phát hiện ra rằng mối liên hệ giữa vùng Wernicke (Thất ngôn tiếp nhận) của họ và vỏ não trước trán bị suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hiểu ngôn ngữ.

Giáo sư Teicher cũng chỉ ra: trẻ em thường xuyên bị cha mẹ la mắng, xúc phạm, chửi bới có chỉ số IQ trung bình khi lớn lên là 112, thấp hơn 12 điểm so với những trẻ không bị bạo lực bằng lời nói. Nói cách khác, cấu trúc não bộ của những đứa trẻ này không chỉ bị tổn thương mà sự phát triển của chúng cũng bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia tâm lý trẻ em khẳng định, những đứa trẻ sống trong thời gian dài bị bạo hành bằng lời nói đều yếu ớt và kém cỏi, dễ bị suy sụp và cô đơn về tâm lý, tinh thần không thoải mái, dễ nói dối, gắt gỏng. Mỗi khi bạn trút giận, bạn đang liên tục hạ thấp chỉ số thông minh của trẻ và khiến con ngày càng ngốc nghếch hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại