“Con sói đơn độc” vào Nam tầm thù và mẻ lưới 10 năm của cảnh sát

KHANG HOÀNG |

Không ồn ào như Dung Hà nhưng băng Nam Định mới thật sự châm ngòi cho cuộc chiến tranh khốc liệt của thế giới ngầm. Hàng loạt ông trùm, bà trùm đã phải ra trường bắn hoặc đi “chăn kiến”. 10 năm cảnh sát chống tội phạm vất vả cũng là hơn 10 năm bình yên cho xã hội…

Điều người vào Nam “xử” kẻ thù

Trong một căn phòng không có cửa sổ nhưng không thiếu thứ gì, Trà “hinh” (Trần Đức Trà, một võ sư kiêm trùm xã hội đen) căn dặn tên sát thủ máu lạnh Tuấn “con” (Nguyễn Anh Tuấn, SN 1975, quê quán Hà Đông, Hà Nội): “Lần này, em vào Nam phải hết sức cẩn thận, không vũ trường, không quán bar, không gái gú, tránh đụng chạm lộ thông tin với Năm Cam, khi nào gặp Thắng “chập” thì “bùm”, mọi việc còn lại anh sẽ lo”.

Năm 1998, Trà “hinh” bị Thắng “chập” và đàn em của hắn dí súng vào đầu cướp hơn chục triệu đồng trong một sới bạc. Nuôi hận, Trà “hinh” chỉ đạo Tuấn “con” bằng mọi giá phải rửa nỗi nhục này.

Thế là Tuấn “con” lên tàu vào Nam, vô nhân vô ảnh suốt nhiều năm để tìm và thanh toán Thắng “chập”, tay côn đồ số má đất Bắc.

Hai năm sau, Tuấn “con” bắt tay với Ánh “thiệp” - một kẻ cùng băng với Thắng “chập” nhưng lại có mâu thuẫn sâu sắc với Thắng “chập” - để cùng tiêu diệt tên này.

Đêm 12.9.2000, được Ánh “thiệp” mật báo địa điểm Thắng “chập” cùng đàn em đang ăn nhậu, ngay lập tức, Tuấn “con” cùng 3 đệ tử bám theo Thắng “chập” trên đường Bình Giã.

Khi Thắng dừng lại, Tuấn “con” lao lên, dùng súng bắn 4 phát vào người Thắng “chập”, đàn em của Tuấn cũng dùng dao xả thêm 2 nhát nữa, nhưng Thắng “chập” cao số thoát chết (trước đó, trong một trận thư hùng giữa phố vì tranh giành địa bàn làm ăn, Thắng “chập” cũng bị băng nhóm của Ánh “thiệp” chém hàng chục nhát).

Cũng như vụ bị đàn em Ánh “thiệp” xả giữa đường bằng dao, lần này, Thắng “chập” coi vụ thoát chết ngoạn mục của mình là một sự may mắn của số phận, hơn nữa, vì hắn làm nhiều điều ác, gây thù chuốc oán nhiều nên việc lãnh hậu quả là đương nhiên.

Thế nên, Thắng “chập” rất tôn trọng luật im lặng của thế giới ngầm, tuyệt nhiên không khai báo với cơ quan điều tra. Vì vậy, một thời gian dài, vụ thanh toán sặc mùi “xã hội đen” này chỉ là câu chuyện lúc trà dư tửu hậu của đám “ong ve”.

Khi đó, nhiều kẻ vẫn “nghi oan” cho ông trùm Năm Cam, bởi vì đã nhiều lần Năm Cam cho người gọi Thắng “chập” đến thỏa hiệp, cắt đất cho Thắng làm ăn nhưng kẻ giang hồ gốc Nam Định có cái đuôi “chập” này bỏ ngoài tai, thậm chí trong mắt hắn, Năm Cam... bé tí, không là cái đinh gì.

Nghe hết những râm ran của đám “ong ve”, Tuấn “con” cũng như ông trùm Trà “hinh” chỉ biết cười thầm trong bụng. Cho đến khi Công an Hà Nội bắt Tuấn “con” thì những vụ thanh toán này mới được làm rõ.

Đây là mối đầu của cuộn chỉ rối cho thấy hoạt động mang tính băng nhóm, có tổ chức và phân chia địa bàn của các ông trùm giang hồ.

Song song với vụ điều tra Năm Cam thanh toán Dung Hà, cảnh sát quyết tâm “hốt” hết những ông trùm của các băng nhóm khác mà trung tâm khởi phát là Sài Gòn - mảnh đất “quần ngư tranh thực” - chứ không phải là Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định hay Khánh Hòa…

Sài Gòn cũng là nơi các băng nhóm tính sổ với nhau về các món nợ cũ, thật ra là để tranh giành địa bàn mới, đơn cử như vụ thanh toán ông trùm kín tiếng Long “vàng”.

Axít dành cho ông trùm kín tiếng

Không phô trương quan hệ, tạo vỏ bọc doanh nghiệp như Năm Cam, ra vẻ đàn chị như Dung Hà hay hung hăng con bọ xít như Trà “hinh”, Thắng “chập”…, nhưng tầm ảnh hưởng của Long “vàng” (Ngô Văn Long, SN 1962, Hà Nội) rất lớn, từ các tỉnh phía Bắc lan sang Campuchia và cả nước Nga.

Tuy nhiên, Sài Gòn vẫn là nơi hấp dẫn và xa lạ với Long “vàng”, và đây cũng chính là nơi kẻ thù giăng mẻ lưới bất ngờ dành cho hắn.

Năm 2009, Long nhận hợp đồng đòi nợ thuê của một nữ thương gia làm ăn ở Nga. Người nợ tiền đã hứa với Long sẽ trả đầy đủ nhưng đến hẹn anh ta lại khất lần.

Bực mình, Long sai đàn em mang dao kiếm đi dạy cho nạn nhân một bài học, kết quả gây 47% thương tích trên cơ thể. Vụ này, Long nhận án 12 tháng 9 ngày tù, bằng đúng với thời hạn giam giữ nên được trả tự do ngay tại tòa.

Trong một diễn biến ân oán khác, một đàn em của Long “vàng” là Vinh “biên” đã lên đường tìm Hải “cốm” - kẻ nợ Long “vàng” 10.000USD nhưng không có ý định trả - và cũng “tặng” người này 40% thương tích.

Sau hai vụ đó, giang hồ Hà Nội không thấy bóng dáng Long “vàng” đâu, hóa ra hắn đã Nam tiến vì hiểu rằng đất Hà Nội không còn đủ sức dung dưỡng cho những ân oán mà hắn đã gây ra.

Nhưng không ngờ, ở vùng đất mới, kẻ thù của Long vẫn nhiều... như cũ, mà nói một cách dễ hiểu thì một khi anh đã tung lên trời một nắm cát, ít nhất sẽ có vài chục hạt cát rơi vào mắt anh.

Không chỉ quy luật giang hồ mà quy luật vay trả, ân oán ngàn đời nay vẫn luôn là như thế.

Vào tối 16.9.2013, trước một nhà hàng trên đường Hàm Nghi, TP.HCM, Long “vàng” vừa bước khỏi chiếc Benley thì nhận ca axít vào mặt, kẻ thủ ác biến mất.

Thời điểm đó, kẻ thù của Long cũng nhiều, không chỉ ở trong nước mà Long còn có hoạt động làm ăn ở nước ngoài, mối nào cũng sẵn sàng cho Long “vàng” đi “tàu suốt”.

Nhưng chỉ sau hơn một ngày nằm viện, Long “vàng” đã được đưa về Hà Nội, một phần để đảm bảo an toàn trước sự truy sát của kẻ thù, một phần là để đỡ phải hợp tác với cơ quan công an trong việc khai báo.

Tất nhiên, dù luật “im lặng” ra sao, dù nạn nhân giang hồ không hợp tác với cơ quan công an, nhưng với sự mưu trí, kiên quyết tấn công tội phạm, kẻ ác bao giờ cũng bị làm rõ, để xử phạt nghiêm minh trước pháp luật.

Đàn chị Hạnh “Sự” và tầm ảnh hưởng ở phía bắc

Hạnh “Sự” là chủ một nhà hàng lớn ở Hà Nội, khi tôi ra Bắc có đến đây ăn và chủ nhà hàng ra chào khách theo kiểu xã giao thông thường khi tôi được một người bạn ở một công ty điện thoại giới thiệu.

Sau này gặp lại ở nhà hàng Thanh Niên TP.HCM, tôi có đến chào Hạnh “Sự” khi cô này đi với nhóm bạn cũng từ Hà Nội vào.

Theo lời kể của Minh “khùng” thì tầm ảnh hưởng của Hạnh “Sự” ở phía Bắc còn hơn cả Năm Cam, tiền án tiền sự dày cộm nhưng toàn án nhẹ do quen biết mạnh(?).

Lần này, “sư tỉ” bị bắt đem xuống trại giam của chuyên án Năm Cam là do tình nghi nằm trong đường dây bán thuốc lắc cho các vũ trường.

Sợ “sư tỉ” Hạnh “Sự” nổi giận, sau này không còn đất sống, Minh “khùng” bịa ra chuyện tôi hay nhắc Hạnh “Sự” và thay tôi hỏi qua hỏi lại.

Đúng như Minh “khùng” dự đoán, Hạnh “Sự” chỉ chịu mức án vừa phải và khi được trả tự do, cô nàng đã nhanh chóng phục hồi phong độ, tiếp tục xuất hiện ở những nơi chốn sang trọng.

Biết rõ quy luật đi lại của Hạnh “Sự”, “thích khách” đã chọn nhà hàng Thanh Niên trên đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1, TP.HCM để ra tay.

Buổi sáng hôm đó, như thường lệ, Hạnh “Sự” ngồi vào cái bàn quen thuộc chuẩn bị gọi món ăn thì hai thanh niên kèm từ phía sau và một người khác dùng dao tông chém “liên khúc” vào Hạnh “Sự” từ phía trước, nhóm “thích khách” chỉ bỏ đi khi Hạnh “Sự” gục xuống đất, máu phun như mưa.

May mắn là tuy mất máu nhiều và cánh tay gần như đứt lìa, nhưng cuối cùng Hạnh “Sự” đã được các bác sĩ cứu sống.

Những lời khai mơ hồ, theo kiểu hệt như Long “vàng”, tất nhiên không dẫn ra thủ phạm, nhưng nó cũng làm cho ai đó dừng tay không truy sát Hạnh “Sự” nữa.

Khi sức khỏe hơi hơi bình phục, Hạnh “Sự” trở ra Bắc và làm một phi vụ chưa từng có trong thế giới tội phạm Việt Nam, sau đó nhấn nút biến mất.

Hạnh “Sự” đã tổ chức tour du lịch casino trên tàu biển đi khứ hồi Quảng Ninh - Phú Quốc dành cho các vị đại gia có máu đỏ đen, có 30.000 USD và “chỗ quen biết” thì lên tàu và tha hồ sát phạt trong suốt hải trình, phục vụ theo tiêu chuẩn 3 sao.

Kỳ công lắm, cơ quan điều tra mới phá được casino di động trên biển và bắt được nhóm đàn em, nhưng Hạnh “Sự” như bốc hơi vào không khí.

Sau đó mới biết, Hạnh “Sự” tới Campuchia, vẫn phong lưu theo kiểu “sư tỉ”, vẫn bay sang Singapore để… mua sắm. Một chuyên án kết hợp 3 nước đã dẫn tới việc Hạnh “Sự” bị ra tòa ở Singapore và bị trục xuất về Việt Nam.

Cũng như Khánh “trắng”, cũng như Long “vàng” và cũng như nạn nhân nào đó mà chúng ta chưa biết, Hạnh “Sự” đã chọn thái độ im lặng sau vụ bị hành thích ở nhà hàng Thanh Niên.

Nhân việc các băng nhóm thanh toán nhau, cảnh sát chống tội phạm cũng tung lưới, điều tra kiên trì suốt 10 năm (từ năm 2000) và những tên tuổi số má lần lượt bị “nhập kho” đi “chăn kiến” hoặc giải nghệ.

Danh sách những kẻ bị “tóm” như Thắng “Tài Dậu”, Sơn “bạch tạng”, Dũng “đui”, anh em nhà Châu Phát, Thắng “chập”, Trà “hinh”, Cường “Biên Hòa”, Lai “điên”, Oanh Hà… còn kéo dài nhờ kỳ công của lực lượng cảnh sát, làm giang hồ mất đầu, đại bàng gãy cánh, xã hội được bình yên hơn 10 năm. (còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại