Qua 2 trận đấu với Pakistan và Nepal, U23 Việt Nam đã tung ra tổng cộng 49 cú dứt điểm, 25 trong số đó đi trúng khung thành nhưng chỉ có được 5 bàn thắng. Tính trung bình, cứ 9,8 lần dứt điểm, đoàn áo đỏ mới 1 lần chọc thủng lưới đối phương. Hiệu suất này thực sự rất đáng lo ngại.
Anh Đức và Phan Văn Đức là những cầu thủ ghi bàn vào lưới Nepal. Dù vậy cả 2 cũng đã bỏ lỡ không ít tình huống ngon ăn. Với Anh Đức là 2 pha đánh đầu trong hiệp một. Còn Phan Văn Đức có 2 cú dứt điểm liên tiếp hỏng ăn ở các phút 57 và 59, đều từ đường chuyền vào bên phải của đồng đội.
U23 Việt Nam bỏ lỡ khá nhiều thời cơ trước U23 Nepal.
Trước đó ở cuộc đối đầu với Pakistan, ngoài 2 quả penalty bất thành của Công Phượng, những Anh Đức, Văn Thanh, Văn Quyết, Phan Văn Đức cũng thay nhau bỏ lỡ thời cơ. Riêng Văn Quyết dứt điểm 10 lần song chỉ có 1 bàn duy nhất.
Ngoài các tình huống ăn bàn rõ ràng, nhiều pha lên bóng rất thoáng của U23 Việt Nam bị bỏ phí do những đường chuyền khi thì vội vàng quá, lúc lại rườm rà quá.
Trước Pakistan và Nepal, cơ hội còn xuất hiện nhiều. Nhưng khi đối mặt với các đối thủ mạnh, U23 Việt Nam sẽ phải nếm trải cảm giác cả trận đấu chỉ có một vài lần dứt điểm. Chính vì thế, các chân sút áo đỏ cần phải cẩn thận, chắt chiu hơn.
Hiệu quả chính là điều làm nên thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á. Từ những thời cơ nhỏ nhất, đoàn quân dưới quyền Park Hang-seo cũng có thể tạo nên sự khác biệt.
Thử thách lớn đầu tiên với U23 Việt Nam sẽ đến vào ngày 19/8, mang tên U23 Nhật Bản. Hãy cùng chờ đợi HLV Park Hang-seo giúp các học trò "chỉnh lại thước ngắm" để cụ thể hóa những cơ hội tạo ra, giành lấy một kết quả thật tốt.
6. Trong lịch sử tham dự Asiad, U23 Việt Nam chưa bao giờ ghi được nhiều hơn 6 bàn thắng.
3. Phan Thanh Bình là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho U23 Việt Nam trong 1 kỳ Asiad (3 bàn - Asiad 2006).
3. Bàn thắng vào lưới Nepal là lần thứ 3 Anh Đức lập công tại các kỳ Asiad, 2 bàn trước đó được ghi ở Asiad 2010.