Ông Tập Cận Bình sinh tháng 6/1953 huyện Phú Bình tỉnh Thiểm Tây, năm 1974 gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và có bằng Tiến sĩ luật.
Cha ông Tập Cận Bình là ông Tập Trọng Huân, một cán bộ cách mạng lão thành thời kỳ Mao Trạch Đông, từng lập Chiến khu cách mạng ở vùng Thiểm Bắc.
Sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập tháng 10/1949, ông Tập "cha" là Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, là Phó Thủ tướng thứ nhất. Xuất thân từ gia đình cách mạng "nòi", nên Tập Cận Bình chịu ảnh hưởng khá lớn bởi truyền thống gia đình.
Giống như Mao Trạch Đông, bản thân Tập Cận Bình lăn lộn ở nông thôn và các địa phương tới 24 năm, sinh hoạt cùng với nông dân và bước lên con đường chính trị từ nông thôn như ông Mao.
Tại Đại hội toàn quốc khóa 17 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2007, khi đang giữ chức Bí thư thành ủy Thượng Hải, ông Tập được bầu vào Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ chính trị, Ban bí thư, lúc đó ông mới về Bắc Kinh làm việc và trở thành lãnh đạo cao nhất vào 5 năm sau đó.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nêu, con đường và sự nghiệp của Tập Cận Bình là sự phấn đấu tự thân mà không dựa vào "ô dù" và không nằm trong Nhóm lợi ích nào. Điều này khiến ông được đánh giá là có yếu tố tương đồng với Mao Trạch Đông.
Năm 1979, Tập Cận Bình khi đó đang làm thư ký riêng của Cảnh Tiêu, nguyên Thủ tướng Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông đã chủ động đề xuất với Cảnh Tiêu cho về nông thôn. Quá trình hoạt động ở địa phương được cho là đã xây dựng phương pháp quản lý cứng rắn ở ông Tập, khiến ông thực hiện được những điều mà ngay Đặng Tiểu Bình cũng không làm nổi.
Hình ảnh ông Tập Cận Bình dẫn các quan chức thành phố Ninh Đức tham gia làm ruộng, ngày 2/12/1989, đăng trên trang web của ĐCSTQ
Chuyển dịch từ "lãnh đạo tập thể" sang "tập trung"
Từ khi lên nắm quyền tháng 11/2012 tới nay, ông Tập Cận Bình đã thâu tóm và nắm giữ trong tay ít nhất 9 chức vụ quan trọng và kiêm nhiệm nhiều vai trò khác.
Hiện ông nắm giữ các chức chủ chốt: Tổng bí thư ĐSCTQ, Chủ tịch nước Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy trung ương đảng, Chủ tịch quân ủy nhà nước, Trưởng ban cải cách, Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia, Trưởng ban an ninh thông tin và an toàn mạng, Trưởng ban cải cách quân đội, và Trưởng ban tài chính.
Ngoài ra, ông còn kiêm nhiệm Tổng chỉ huy các Trung tâm tác chiến quan trọng, đồng thời là Tổng tư lệnh Quân giải phóng nhân dân (PLA).
Giáo sư Hồ Yên Cương, thuộc trường Đại học Thanh Hoa, cho rằng cho dù cơ chế của Trung Quốc hiện nay là lãnh đạo tập thể với 7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị có quyền biểu quyết trong những quyết định quan trọng của đất nước, nhưng vai trò của 6 người kia hầu như bị lu mờ trước uy tín và địa vị của Tập Cận Bình.
Một số chức vụ trước đây do các vị trí lãnh đạo trung ương khác nắm giữ như Trưởng ban cải cách, Trưởng ban an ninh mạng thông tin, Trưởng ban tài chính... thì nay đều do ông Tập nắm quyền.
Rút kinh nghiệm từ tình trạng tham nhũng tràn lan trong PLA do sự lũng đoạn của hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, ông Tập đề xuất "chế độ trách nhiệm Chủ tịch Quân ủy" tại Hội nghị chính trị toàn quân họp tại huyện Cổ Điền, thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến ngày 1/11/2014.
Theo quy định này, mọi công việc lớn nhỏ trong quân đội đều phải báo cáo với Chủ tịch Quân ủy trung ương, thậm chí ông Tập Cận Bình có thể nắm tình hình sâu sát tới tận cấp trung đoàn.
Với việc ông Tập được xác lập là "lãnh đạo hạt nhân" tại Hội nghị toàn thể của ĐCSTQ tháng 10/2016, nhiều quan điểm nói rằng Trung Quốc đã trở lại thời kỳ lãnh đạo theo cơ chế tập quyền. Cơ chế này do Thế hệ lãnh đạo thứ nhất là Mao Trạch Đông xác lập. Tiếp đó, Thế hệ thứ hai là Đặng Tiểu Bình cũng xác lập cơ chế lãnh đạo này.
Sự chuyển đổi "từ tập thể sang tập trung" được giới quan sát nhận thấy khi ngày 23/1/2015, ĐCSTQ triệu tập Hội nghị Bộ chính trị, yêu cầu 5 cơ quan nhà nước gồm Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc vụ viện, Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc, Tòa án tối cao, và Viện kiểm sát tối cao phải thường xuyên báo cáo tình hình cho Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình năm 1983, khi làm Bí thư huyện ủy Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ông có thời gian dài công tác ở cơ sở (Ảnh: Xinhua)
Ngày 26/2/2015, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ - đăng toàn văn về "Bốn toàn diện" của Tập Cận Bình, coi đây là phương châm cơ bản cho sự phát triển của Trung Quốc từ nay về sau.
Đáng chú ý là sự kiện duyệt binh ngày 3/9/2015 tại Bắc Kinh để kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít trong Thế chiến II. Sau ngày thành lập nước 1/10/1949, từ năm 1950 tới năm 1959, Mao Trạch Đông năm nào cũng tổ chức duyệt binh để thể hiện tự hào dân tộc và răn đe phương Tây.
Nhưng từ năm 1960, Trung Quốc quyết định cứ 5 năm tổ chức một lần duyệt binh nhỏ, và cứ 10 năm sẽ tổ chức một lần duyệt binh lớn nhân dịp quốc khánh.
Sau khi lên nắm quyền, Đặng Tiểu Bình đã phá lệ, cho dù chưa tới "mốc" 40 năm nhưng vẫn tổ chức duyệt binh vào năm 1984 nhân kỷ niệm 35 năm quốc khánh Trung Quốc, nhằm khẳng định địa vị lãnh đạo của mình.
Theo quy định phải tới năm 2019 nhân kỉ niệm 70 năm quốc khánh thì Trung Quốc mới duyệt binh lớn trên quảng trường Thiên An Môn. Nhưng ông Tập cũng đã phá lệ, như một tín hiệu về vị thế lãnh đạo vững chắc.
Đưa ra "Giấc mộng Trung Hoa"
Đặng Tiểu Bình đã đưa ra mục tiêu "Chấn hưng dân tộc Trung Hoa" khi lên nắm quyền.
Còn trong diễn văn đọc trước Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc Khóa 12 ngày 17/3/2013, khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nâng mục tiêu này lên "Giấc mộng đại phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại" và lấy thời đại nhà Đường làm chuẩn.
Bởi vì, Lý Uyên quê ở Thiểm Tây khởi nghiệp từ đây để lật đổ nhà Tùy và lập ra Nhà Đường. Nhà Đường đã thịnh trị và xây dựng Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, trở thành sức mạnh lớn nhất ở châu Á, thậm chí là toàn cầu vào giai đoạn được coi là "Đai Đường thịnh thế", tồn tại gần 300 năm (618-907).
Tập Cận Bình quê cũng ở Thiểm Tây, cha ông là Tập Trọng Huân cũng đi lên từ Thiểm Tây trong thập niên 1920.
Đưa ra khẩu hiệu "Giấc mộng Trung Hoa", ông Tập thể hiện tham vọng muốn để lại di sản là Trung Quốc trở thành một thế lực trên thế giới, giống như Trung Hoa thời Đường.
Mới đây trong hội thảo tại Bắc Kinh để chuẩn bị cho Đại hội khóa 19 của ĐCSTQ tổ chức vào mùa thu năm nay, ông Tập nói rằng "Trung Quốc đã đạt được bước nhảy vọt lịch sử khi chúng ta trỗi dậy, trở nên giàu có và hùng mạnh".
Các nhà phân tích cho rằng đây là cách ông Tập định vị di sản của mình, bởi Mao Trạch Đông là lãnh đạo dựng nước, Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách đã thay đổi bộ mặt nền kinh tế Trung Quốc. Ông Tập cho rằng "Trung Quốc hùng mạnh" là chiến tích ông đang và sẽ đạt được.
Chống tham nhũng
Sau khi lên làm Tổng bí thư được 7 tháng, ông Tập nhanh chóng phát động cuộc "chỉnh dảng chỉnh phong. Tiếp đó, ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" trên quy mô lớn, đụng chạm tới tất cả các cơ quan nhà nước và cả quân đội - khu vực vốn được cho là "bất khả xâm phạm" trong nhiều thập kỷ.
Ngay từ thời Chu Dung Cơ làm Thủ tướng (3/1998 – 3/2003), ông đã rất mạnh tay chống tham nhũng, thậm chí ông nói mình "đang đi vào bãi mìn tham nhũng rộng mênh mông và sẽ chuẩn bị 100 chiếc quan tài trong đó có một chiếc dành cho mình trong cuộc đấu tranh này".
Nhưng rốt cuộc, Chu Dung Cơ phải thừa nhận "nạn tham nhũng ở Trung Quốc nghiêm trọng tới mức mà tôi là Thủ tướng cũng phải bó tay".
Tập Cận Bình tạo ra hàng loạt sự kiện chấn động, như điều tra và kết án cựu Ủy viên Bộ chính trị - "trùm an ninh" Chu Vĩnh Khang, hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, cựu Chánh văn phòng trung ương đảng Lệnh Kế Hoạch, và mới đây nhất là điều tra một Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm - Bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài.
Ông Tập đọc bài diễn văn quan trọng tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc Khóa 12 ngày 17/3/2013 (Ảnh: Xinhua)
Hàng loạt khu vực nhạy cảm, từ quân đội tới ngành tài chính, các tỉnh thành lớn và ban ngành quan trọng, đều có quan chức cấp cao bị "ngã ngựa". Tại những cơ quan được gọi là "thanh đạm" như các học viện nhà trường, Trường đảng trung ương, ngành Tòa án, Viện kiểm sát tối cao, các viện nghiên cứu khoa học… đều xuất hiện tình trạng tham nhũng.
Trang Đa Chiều nhận định, thông qua chiến dịch chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình đã "thuần hóa" được chính trường Trung Quốc. Ông đã vượt qua hai tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, thậm chí còn vượt cả "tổng công trình sư cải cách" Đặng Tiểu Bình, và hình tượng của ông Tập lúc này giống như Mao Trạch Đông.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng Tập Cận Bình đang được "Mao hóa" với "thể chế tập trung thống nhất" giống như thời kỳ Mao Trạch Đông, còn cơ chế lãnh đạo tập thể đang nhạt dần.
Về đối ngoại thực hiện chính sách cứng rắn
Dư luận các nước cho rằng Đặng lên nắm quyền cũng dùng tới thủ đoạn quân sự như phát động chiến tranh để thâu tóm quyền lực.
Tạp chí Tiền Tiêu (Hồng Kông), số ra tháng 4/2013, đăng ghi âm phát biểu nội bộ của ông Tập Cận Bình với các quan chức cấp cao Trung Quốc nói: "Tôi cũng muốn dựa vào sức mạnh để xác lập uy tín cho mình ở trong nước."
Ông Tập được cho là đã "theo gương Đặng" khi thúc đẩy chính sách cứng rắn, gây hấn với các láng giềng ở biển Đông và biển Hoa Đông, nhằm một mặt giải quyết mâu thuẫn nội bộ, nâng cao uy tín và hình tượng của mình ở trong nước và quốc tế.
Hồi cuối tuần trước, tờ Thời báo Học tập của Trường đảng trung ương Trung Quốc đã xác nhận cá nhân Tập Cận Bình chính là người đứng sau các quyết định của Bắc Kinh về việc xúc tiến xây dựng, bồi lấp (phi pháp) đảo nhân tạo tại 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cho đến nay khi nhiệm kỳ đầu tiên gần kết thúc, các nhà phân tích cho rằng mô-típ nhà cầm quyền của ông Tập đã được định hình rất rõ, và nó rất giống với mô-típ của Mao Trạch Đông.