Cổ vũ "hạ cánh sớm" bằng tiền: "Khó thế, chúng em theo sao nổi"

Hoàng Việt |

Sở Nội vụ Đà Nẵng vừa đề xuất chính sách hỗ trợ cán bộ già nghỉ hưu trước thời hạn. Theo đó, ai đang làm lãnh đạo, cán bộ quản lý nếu tình nguyện nghỉ hưu trước thời hạn sẽ được hưởng chính sách ưu đãi "bonus".

Theo đó, khi xin "hạ cánh" trước niên hạn, những người này ngoài hưởng trợ cấp theo quy định, họ sẽ được hỗ trợ thêm, từ 100 đến 200 triệu tùy vào số năm công tác còn lại.

Số tiền này hiểu nôm na là để động viên ghế của những lãnh đạo, cán bộ quản lý già, rồi trao cho những người trẻ tuổi.

Vì sao thành phố Đà Nẵng phải tính tới giải pháp động viên để họ hạ cánh sớm? Điều này hẳn không nói ai cũng biết, ở một số cơ quan, có không ít những cán bộ già đang sắp sửa "hạ cánh" họ chỉ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, tuyệt nhiên không mó tay làm bất cứ việc gì.

Nhìn chung, việc dự định chi ra một khoản tiền lớn để lấy ghế sớm cho lớp kế cận, tuy khá tốn kém nhưng có thể Đà Nẵng sẽ phải ‘nghiến răng" thực hiện để guồng máy trẻ trung, năng động hơn.

Mới đây, 40 nhân tài của Đà Nẵng xin nghỉ việc có thể đã khiến thành phố này sốt ruột. Thành phố đáng sống đang ở thế kẹt, mất tiền có khi lại là giải pháp khơi thông.  

Nhưng cách thức khá hay này sẽ rất khó để triển khai trên diện rộng bởi vấn đề "đầu tiên" – đào đâu ra tiền mà trả.  

Lý do, ở một số địa phương có đơn vị hành chính công đang lạm phát cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý. Ví dụ như ở một sở nọ thuộc khu vực phía Bắc, cả sở có 46 người nhưng sau cơ quan thanh tra vào kiểm tra đi, kiểm tra thì mới phát hiện ra một bí mật động trời, toàn sở chỉ có nhõn 2 nhân viên, 44 còn lại toàn là lãnh đạo.

Lạy giời, nếu một nửa số cán bộ này đồng loạt xin nhận tiền để về hưu non thì số tiền phải chi ra để bồi dưỡng sẽ lên tới hàng tỷ đồng. Tiền tỷ tất nhiên không dễ kiếm, nhiều địa phương không giàu như Đà Nẵng, đến mùa giáp hạt vẫn phải nhận trợ cấp tiền, gạo từ trung ương.

Chính vì vậy chẳng ai dại gì đề ra giải pháp cổ vũ bằng tiền như Đà Nẵng. Thôi thì cứ động viên cho cán bộ cấp quản lý ở lại, dù sao chi tiền triệu vẫn dễ hơn chi tiền tỷ, nguyên lý đó không phải bàn cãi nhiều.

Cách thức của Đà Nẵng cũng khó có thể áp dụng cho những nơi mà cả họ làm quan. Ai cũng biết một dòng họ, một đại gia đình, một người làm quan, tất cả được nhờ. Ép quan về hưu non, thì lấy ai nhẫn nại "bòn rút" để chăm lo cho bố mẹ, ông bà, họ tộc?

Hơn nữa, một số cán bộ trẻ, đẹp ở một số nơi dù được bổ nhiệm thần tốc, táo bạo vào những vị trí rất quan trọng nhưng trong quá trình công tác vẫn bộc lộ những yếu kém, non nớt nên vẫn cần cán bộ già nâng đỡ từ trong tối đến không trong sáng. Chính vì vậy, làm gì có chuyện ngược đời là người đang được nâng đỡ đi động viên người nâng đỡ về hưu. Thật khó khăn hết sức.

Việc lấy ghế sớm có thể sẽ được thực hiện thành công tại Đà Nẵng nhưng ở tầm cơ quan Bộ hoặc ngang bộ cũng rất khó. Trước đây có một Bộ sở hữu lãnh đạo lập kỷ lục Việt Nam với thời gian vi vu công cán nước ngoài, một năm vị này ở trời tây tới gần hai trăm ngày. Chờ cán bộ này về cơ quan để mọi người động viên, mời nhận tiền để ông ấy nghỉ sớm, xem ra hơi bị lâu.

Chiều nay, ông TGĐ Đài TH Hà Nội vừa cam đoan cơ quan ông có tới 40% nhân sự kém trong Đài mình là con ông nọ, bà kia, không thể sa thải được. Nếu dùng tiền để động viên số này rời ghế sớm, thì Đài sẽ oằn lưng gánh nợ trong nhiều năm chứ chả chơi. Thủ đô còn khó thế, nói gì đến các tỉnh nghèo. Các tỉnh nghèo sẽ kêu: "Khó thế, chúng em theo sao nổi"

Tóm lại, chuyện Đà Nẵng sốt ruột và phải chi tiền ra động viên cán bộ, lãnh đạo về hưu có thể là việc của riêng Đà Nẵng. Ở mỗi nơi đều có những đặc thù rất riêng, chính vì vậy vẫn cần phải làm theo quy trình, nếu quy trình có sai sót, trục trặc thì cần rút kinh nghiệm, cho dù sợi dây kinh nghiệm đôi khi dài lê thê cũng vẫn phải rút cho bằng hết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại