Theo CNN, ông Flynn từ chức vào tối thứ Hai (13/2) giờ Mỹ, giữa tâm điểm tranh cãi về việc ông đã không cung cấp đủ thông tin cho Phó Tổng thống Mike Pence về nội dung thảo luận với Đại sứ Nga, rằng liệu ông có đề cập lệnh trừng phạt của Mỹ hay không.
Mặc dù AP ghi nhận phía Nga khẳng định tướng Flynn không hề nhắc đến lệnh trừng phạt và còn lên tiếng bảo vệ ông, hành động của ông trong thời điểm chuyển giao quyền lực có thể đã vi phạm pháp luật Mỹ.
Lá thư từ chức của cựu Trung tướng Lục quân khi mới tại nhiệm 24 ngày khiến Trump mất đi cố vấn Nhà Trắng quan trọng nhất gánh vác trách nhiệm bảo vệ người dân Mỹ khỏi các mối đe dọa nước ngoài, trong khi bản thân Trump không có kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại còn đội ngũ an ninh quốc gia thì mới thành lập và quá non trẻ, CNN nhận định.
Tổng thống Trump vốn luôn khẳng định sẽ bổ nhiệm nội các gồm những nhân vật "thuộc đẳng cấp cao nhất". Tuy nhiên, sơ suất của vị cố vấn lâu năm thân cận hàng đầu có thể sẽ khiến Tổng thống Mỹ cân nhắc lại phán đoán của bản thân.
Dấu hỏi về quan hệ giữa chính quyền Trump với Nga
Hiện vẫn chưa rõ liệu Trump có nắm thông tin về các cuộc thảo luận giữa Flynn và Đại sứ Nga hay không. CNN cho biết, câu hỏi này sẽ làm gia tăng lo ngại của lưỡng viện quốc hội về mối quan hệ không rõ ràng của chính quyền Mỹ với Nga, cũng như vai trò của Nhà Trắng trong vụ việc của ông Flynn.
Trả lời CNN, Adam Schiff, đảng viên Dân chủ và là Phó ban Tình báo Hạ viện cho hay, sự ra đi của Flynn vốn không thể tránh khỏi, nhưng lùm xùm tranh cãi sẽ chưa chấm dứt ở đây.
"Việc Flynn từ chức không phải dấu chấm hết cho hàng loạt câu hỏi xoay quanh liên lạc giữa ông và người Nga, được cho là bắt đầu từ trước ngày 29/12 năm ngoái," ông Schiff tuyên bố. "Ủy ban Tình báo Hạ viện đang điều tra về các mối liên lạc này, và cả những trao đổi có thể đã diễn ra giữa ban tranh cử của Trump và điện Kremlin."
Schiff cho biết thêm: "Hơn nữa, chính quyền Trump vẫn chưa thẳng thắn công khai những ai nắm thông tin về hội thoại giữa Flynn và Đại sứ Nga, và liệu ông Flynn có phải đã tuân theo chỉ đạo của Tổng thống hay quan chức nào đó hay không."
Ông Michael Flynn bước lên chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ hôm Chủ nhật, 12/2 (Ảnh: AP Photo)
Tổn thất cá nhân đối với Trump
Theo CNN, tướng Michael Flynn được Trump chọn vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia mặc dù ông có quá khứ gây tranh cãi.
Flynn từng bị chính quyền Obama sa thải khỏi vị trí lãnh đạo Cục Tình báo Quốc phòng do vấp phải cáo buộc quản lý kém. Tuy nhiên, phe bảo thủ cho rằng lý do thực sự là vì quan điểm về khủng bố Hồi giáo của ông Flynn xung đột với Obama, CNN ghi nhận.
Tờ Politico (Mỹ) cho hay, theo các quan chức chính quyền, Trump đã không sa thải Flynn. Một nhân vật thường tiếp xúc với Tổng thống cho biết, ông do dự không sa thải Flynn vì "không muốn loại bỏ những người trung thành". Đến tận tối thứ Hai (13/2), Trump vẫn cân nhắc quyết định này.
Tuy nhiên, sau khi các thông tin bất lợi chỉ ra rằng ông Flynn đã gây tiếng xấu cho Phó Tổng thống Mike Pence, vị cố vấn an ninh quốc gia không còn lựa chọn nào khác ngoài từ nhiệm. Nếu ông vẫn tại nhiệm, mức tín nhiệm của Pence sẽ giảm mạnh.
Ông Flynn rời nhiệm sở còn gây hoang mang xoay quanh đường lối ngoại giao sắp tới của Mỹ, đặc biệt là trong quan hệ với Nga, do ông vốn ủng hộ các kế hoạch xúc tiến cải thiện quan hệ ngoại giao hai nước của Trump - khiến nhiều chuyên gia đối ngoại thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa bối rối, theo CNN.
Thế nhưng gần đây, Tổng thống Mỹ đã đảo ngược một số quan điểm ngoại giao quan trọng, bao gồm việc tôn trọng chính sách Một Trung Quốc, trang trọng tiếp đón Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và không đả động gì đến yêu cầu bắt Tokyo trả thêm tiền để hưởng sự bảo vệ từ Mỹ.
Chính vì vậy, CNN ghi nhận nếu cố vấn an ninh quốc gia mới có quan điểm khác ông Flynn, có thể Trump cũng sẽ đảo ngược chủ trương trong quan hệ với Nga.
Trong khi đó, quyết định để Flynn từ chức của Trump đang gây đồn đoán rằng ông sẽ giải quyết các mối xung đột trong nội bộ chính quyền như thế nào. Có lẽ không quá sớm để dự đoán rằng Flynn không phải là nhân vật cuối cùng rời nhiệm sở.