Cố vấn an ninh quốc gia - "cánh tay nối dài" của các Tổng thống Mỹ

Đức Huy |

Thông tin cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức đang trở thành tâm điểm của chính trường Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Vậy chức vụ này thực chất có vai trò gì?

Theo định nghĩa được đăng tải trên trang web chính thức của Nhà Trắng, Cố vấn an ninh quốc gia, tên đầy đủ là Trợ lý Tổng thống trong các vấn đề an ninh quốc gia (Assistant to the President for National Security Affairs - APNSA), là một vị trí cố vấn cấp cao thuộc văn phòng Tổng thống, đóng vai trò tham mưu chủ lực cho Tổng thống trong các quyết định liên quan đến an ninh nước Mỹ.

Cụ thể thì vai trò của cố vấn an ninh quốc gia là gì?

Vai trò và tầm ảnh hưởng của APNSA thay đổi tùy theo cá nhân nắm giữ cương vị này cũng như chính phủ cầm quyền, song nhìn chung APNSA luôn được coi là quân sư, là "cánh tay nối dài" của Tổng thống Mỹ trong các vấn đề an ninh quốc gia.

Lý do là bởi, khác với các vị trí như Bộ trưởng Quốc phòng hay Bộ trưởng Ngoại giao cần được Quốc hội thông qua khi bổ nhiệm, Tổng thống được phép trực tiếp chọn APNSA theo ý mình mà không cần sự cho phép của nhánh lập pháp. Do đó, APNSA thân cận với Tổng thống hơn, đồng thời cũng không bị ràng buộc bởi những lợi ích riêng như hai Bộ trưởng nói trên.

Bên cạnh việc tham mưu cho Tổng thống, APNSA cũng góp mặt trong các cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), và thay mặt Tổng thống chủ trì các cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao.

Cố vấn an ninh quốc gia - cánh tay nối dài của các Tổng thống Mỹ - Ảnh 1.

Một cuộc họp NSC dưới thời Obama. Bên trái ông là cựu Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice. Ảnh: Nhà Trắng

Về mặt lý thuyết, APNSA là một vị trí thuộc văn phòng Tổng thống, do đó không có thẩm quyền đối với bộ Quốc phòng và Ngoại giao thuộc chính phủ, song vì thân cận với Tổng thống, APNSA vẫn có thể đưa ra những lời khuyên về chính sách cho lãnh đạo hai bộ này.

Cấp dưới của cố vấn an ninh quốc gia là những ai?

Một số người hiểu nhầm rằng Cố vấn an ninh quốc gia là người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia, nhưng thực chất không phải vậy. Tổng thống luôn được mặc định là chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia, còn APNSA đóng vai trò điều hành.

Dưới APNSA có một cấp phó, và dưới nữa là các cố vấn được phân chia theo các lĩnh vực như Thông tin chiến lược, Kinh tế, Pháp lý, Chống khủng bố... hoặc theo các khu vực chuyên trách như Trung Đông, vùng Vịnh, châu Á,... Họ sẽ đóng vai trò nghiên cứu và trình báo cáo lên APNSA, sau đó APNSA xem xét và tham mưu cho Tổng thống.

Cố vấn an ninh quốc gia từ đâu mà có?

NSC được thành lập vào những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh. Theo Đạo luật An ninh Quốc gia được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1947, một hội đồng an ninh quốc gia đã được thành lập nhằm nâng cao phối hợp giữa quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, và tình báo Mỹ để phục vụ mục tiêu Chiến tranh Lạnh.

Đạo luật năm 1947 trên lý thuyết không lập ra chức vụ cố vấn an ninh quốc gia. Người quản lý NSC khi đó được gọi là thư kí điều hành (executive secretary). Đến năm 1953, chức vụ cố vấn an ninh quốc gia mới xuất hiện dưới thời Tổng thống Dwight Eisenhower. Người đầu tiên nắm giữ chức vụ này là Robert Cutler.

Những gương mặt APNSA tiêu biểu

Nhắc đến chức vụ cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, những người quan tâm đến chính trị xứ cờ hoa có lẽ sẽ nghĩ ngay đến Henry Kissinger.

Đảm nhiệm chức vụ APNSA trong 6 năm (1969-1975), dưới thời hai Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, Kissinger có thể nói đã làm một cuộc cách mạng đối với tầm quan trọng của vị trí cố vấn an ninh quốc gia.

Nếu như đa số các APNSA thường chỉ làm tròn nhiệm vụ cố vấn nơi hậu trường, thì Kissinger đã không ít lần thay mặt Tổng thống tham gia những cuộc đàm phán lớn. Các quyết định quan trọng của Mỹ trong khoảng thời gian này như tái thiết quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đều có dấu ấn hết sức rõ rệt của trường phái realpolitik (chính trị thực dụng) mà Kissinger theo đuổi.

Ngoài ra, theo ghi nhận của hai tác giả Roger George và Harvey Rishikof trong cuốn sách An ninh Quốc gia: Tìm đường thoát Mê cung xuất bản năm 2011, Kissinger trong vai trò APNSA đã trực tiếp kiểm soát các nguồn thông tin tiếp cận Tổng thống, nhất là trong giai đoạn từ 1973 đến 1975, khi Kissinger đồng thời đảm nhiệm cả hai chức vụ APNSA và Bộ trưởng Ngoại giao.

Cố vấn an ninh quốc gia - cánh tay nối dài của các Tổng thống Mỹ - Ảnh 2.

Kissinger (phải) - cố vấn an ninh quốc gia quyền lực nhất lịch sử nước Mỹ. Ảnh: Getty

Condoleeza Rice cũng là một cái tên được nhiều người biết đến. Đảm nhiệm chức vụ APNSA trong khoảng thời gian 2001-2005 dưới thời Tổng thống George W. Bush, bà Rice đã để lại dấu ấn không chỉ với tư cách là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí này, mà còn bởi quan điểm của bà đối với chiến tranh Iraq.

Sau khi đại diện của Iraq tại LHQ vào tháng 12/2002 tuyên bố nước này không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), bà Rice đã phản pháo bằng một bài báo đăng trên New York Times với nhan đề: "Vì sao chúng ta biết Iraq đang nói dối", trong đó cảnh báo nguy cơ Baghdad đang giấu giếm WMD cũng như tạo tiền đề về mặt lý luận cho việc tiến hành xâm lược Iraq sau này.

Cố vấn an ninh quốc gia - cánh tay nối dài của các Tổng thống Mỹ - Ảnh 3.

Bài báo nổi tiếng của bà Condoleeza Rice

Và cuối cùng, đương nhiên không thể không kể đến Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia "yểu mệnh" nhất lịch sử nước Mỹ với chỉ 24 ngày giữ chức.

Cố vấn an ninh quốc gia - cánh tay nối dài của các Tổng thống Mỹ - Ảnh 4.

Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã phải từ chức chỉ sau hơn 3 tuần. Ảnh: AP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại