Cơ quan chức năng vào cuộc vụ “Núp bóng thăm dò, rút ruột tài nguyên”

Hoàng Thiên Nga |

Sau khi bài "Núp bóng thăm dò, rút ruột tài nguyên" đăng ngày 6/8/2016, báo Tiền Phong đã nhận được nhiều hồi âm tích cực. Các cá nhân, tổ chức liên quan bày tỏ sự đồng tình về hiệu quả cảnh báo sai phạm, giúp chính quyền chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời việc khai thác trái phép các mỏ đá granit trên địa bàn huyện Krông Bông.

Huyện có tiếp thu!

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tiền Phong, việc khai thác đá granit trái phép ở Krông Bông không chỉ làm thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia, làm hỏng đường, ô nhiễm môi trường, khiến người dân sống quanh những mỏ đá bất an, mà còn để xảy ra tai nạn chết người.

Điển hình là ngày 10/8/2015 tại buôn Ngô B xã Hòa Phong, 4 thanh niên làm thuê cho Công ty TNHH Quốc Duy đã bị núi đá sạt lở vùi lấp, khiến 2 người chết tại chỗ, 2 người bị thương.

Công an huyện vào cuộc, phát hiện nhiều sai phạm, nhưng không khởi tố vụ án.

Trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, ông Bạch Văn Mạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk nói: "Tôi hoan nghênh báo Tiền Phong đưa vấn đề khai thác trái phép đá granit ra công luận, giúp chính quyền địa phương quan tâm chấn chỉnh.

Trong 16 tháng về Krông Bông làm Bí thư huyện ủy, tôi đã thấy hiện tượng này rất phức tạp. Khi đó tôi đã chỉ đạo quyết liệt UBND huyện phải xử lý rốt ráo vấn đề, nhưng tình trạng khai thác đá vẫn cứ ồn ào, nhất là ở xã Hòa Sơn, Hòa Phong.

Năm ngoái buôn Ngô B còn xảy ra vụ đá đè chết người, phá hư đường, dân chúng bức xúc lắm".

Hoạt động khai thác đá granit trái phép diễn ra suốt thời gian dài trên địa bàn huyện, có phần trách nhiệm không nhỏ của ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông.

Phóng viên hỏi: Ông nghĩ gì khi đọc bài "Núp bóng thăm dò, rút ruột tài nguyên"? Ông Huỳnh Bài xác nhận: Thực trạng là có, huyện đã tiếp thu các vấn đề báo Tiền Phongnêu để tăng cường chấn chỉnh.

Ủy ban Kiểm tra huyện ủy mới đây phản ánh vẫn còn xe vận chuyển đá trái phép, tôi trực tiếp đi kiểm tra thì không gặp.

Mấy ngày trước tôi đã chỉ đạo Công an huyện về hướng dẫn UBND xã Hòa Sơn cách xử lý các xe chở đá, phạt theo thẩm quyền mỗi xe 5 triệu đồng và giữ lại đá, chứ không giữ phương tiện được.

Theo ông Bài, từ trước tới nay huyện đã ban hành không thiếu văn bản chỉ đạo nào, cũng đã phạt không thiếu đơn vị nào. Đa số các đơn vị khai thác đá lộ thiên dù huyện không đồng ý.

Hiện trên địa bàn huyện vẫn còn nhà máy Quốc Duy tiếp tục khai thác mỏ, do đã được tỉnh cho thuê đất xây dựng nhà máy và có giấy phép đăng ký kinh doanh 5 năm rồi.

"Chiều nay tôi đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra, chỉ đạo cho các xã phải triệt để ngăn chặn tình trạng khai thác đá trái phép, nếu không sẽ kỷ luật, điều chuyển vị trí công tác chủ tịch xã.

Thuế tài nguyên với đá granit mấy năm nay huyện không thu được đồng nào, vì có ai cấp phép cho khai thác đâu mà thu thuế ?"- ông Huỳnh Bài nói.

Tỉnh và trung ương vào cuộc!

Ông Bùi Hồng Quý, chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản số 5865 giao Sở TNMT phối hợp với Sở Công Thương cùng UBND huyện thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực địa, hiện trường các khu vực khai thác đá trái phép, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ các đơn vị có hoạt động khai thác, báo cáo để UBND tỉnh xử lý nghiêm.

Ngày 4/8/2016 Cty CP Trung Văn có gửi công văn số 29 đến UBND tỉnh Đắk Lắk, trình bày lâu nay nhiều đối tượng mạo danh công ty khai thác trái phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy diễn biến phức tạp hơn nhiều!

Trả lời báo Tiền Phong, ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở TN&MT cho biết cán bộ Phòng Khoáng sản của Sở xuống huyện kiểm tra mới về, báo cáo trên địa bàn huyện hiện chỉ còn 2 điểm khai thác trái phép, một điểm của Cty Vật liệu Xây dựng Krông Bông do người từ Cty Trung Văn chuyển qua, còn điểm kia- ông Lam không nhớ rõ tên Cty, chỉ khẳng định "Doanh nghiệp khai thác mới rút quân, Sở soạn xong văn bản chính thức sẽ cung cấp cho báo.

Từ trước tới nay Sở chưa nhận được báo cáo cụ thể nào của địa phương về vấn đề này".

Theo hồ sơ do ông Văn Phú Hồng, Trưởng phòng TN&MT huyện cung cấp, thì Bộ TN&MT chỉ cấp giấy phép thăm dò đá granit tại huyện Krông Bông cho 2 doanh nghiệp, là Cty Cổ phần Trung Văn từ ngày 11/2/2011 tại thôn 6 xã Hòa Sơn với thời hạn thăm dò 12 tháng, và Cty TNHH Quốc Duy tại buôn Ngô B xã Hòa Phong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 24/11/2014.

Cả 2 giấy phép đều ghi rõ "nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác trong quá trình thăm dò", giấy phép của Cty CP Trung Văn đã hết hạn từ lâu.

Nhận được nhiều tin báo về việc tiếp tục có những đoàn xe container chở đá xuất phát từ huyện Krông Bông nhưng không "bắt" thêm được chuyến nào, giải thích về việc này với phóng viên, ông Trần Thủ, Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết lực lượng Thanh tra của Sở chỉ có 2 đội, 8 người mà phải quản lý đến 15 tuyến đường gồm 12 tỉnh lộ, 3 đoạn quốc lộ nên không đủ sức quán xuyến. "Cách đây 10 ngày, chúng tôi đã gửi văn bản sang Công an tỉnh đề nghị tăng cường lực lượng phối hợp, chặn bắt xe chở đá vượt quá tải trọng cho phép, nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm"- ông Trần Thủ nói.

Ngày 10/8/2016, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã cho phát hành công văn gửi Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam, giao Cục chủ trì, phối hợp với các bên liên quan khẩn trương kiểm tra thực trạng, làm rõ các nội dung báo Tiền Phong đã phản ánh trong bài "Núp bóng thăm dò, rút ruột tài nguyên", để xác định và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản, có giải pháp chấn chỉnh, báo cáo về Tổng cục trước ngày 19/8, để Tổng cục tổng hợp, báo cáo Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại