Có Iran ở Trung Đông, Mỹ muốn không kích Syria lần nữa cũng khó

Thi Anh |

"Iran có năng lực cản trở mọi thứ theo cách của riêng mình", cựu đại sứ Mỹ tại Syria và Israel nhận định.

Iran có thể làm những gì?

Tehran đã lên án cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria hôm 8/4 và giới chức nước này cũng đưa ra cảnh báo về các hệ lụy.

Vụ việc cho thấy thách thức mà Mỹ đang đối mặt, khi mà nước này hiện chỉ ủng hộ các nhóm đối lập chiến đấu chống lại Assad và đồng minh Iran chứ không tham chiến. Nếu dấn thân sâu hơn vào cuộc xung đột thì Mỹ sẽ đứng trước nguy cơ đối đầu trực tiếp với Iran.

Những biện pháp trả đũa mà Tehran có thể thực hiện nhiều khả năng sẽ gây ra những hệ lụy khó đánh giá trong khu vực. Nước này nhắm tới tất cả mọi thứ, từ tàu chiến Mỹ cho tới chính phủ các nước Ả - Rập đồng minh của Washington.

Iran cũng có thể sử dụng lực lượng Hezbollah và các nhóm phiến quân Shiite để tấn công lực lượng Mỹ hiện đang chiến đấu chống IS ở Iraq và Syria hoặc các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Những vụ tấn công tên lửa của Mỹ có thể sẽ khiến Iran phải tăng cường lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRGC) đang chiến đấu cùng quân chính phủ Syria.

Trước khi cuộc tấn công hôm 8/4 diễn ra, Mỹ đã tuân thủ các nguyên tắc tiêu chuẩn để tránh va chạm không chủ ý hoặc sơ suất tấn công quân đội Nga. Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào tương tự như vậy giữa Mỹ và quân đội Iran, có nghĩa là các binh lính Iran hoàn toàn không được bảo vệ hay cảnh báo vào thời điểm diễn ra cuộc không kích.

Có Iran ở Trung Đông, Mỹ muốn không kích Syria lần nữa cũng khó - Ảnh 1.

Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei

 Hôm 9/4, lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cho rằng, cuộc tấn công của Mỹ là một "sai lầm chiến lược". Ông Allaeddin Boroujerdi, người đứng đầu ủy ban chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Quốc hội Iran thì tuyên bố: "Nga và Iran sẽ không im lặng trước những hành động xâm phạm tới lợi ích của khu vực như vậy".

Tuy nhiên, chỉ huy Bill Urban, phát ngôn viên của Hạm đội 5 đóng tại Bahrain cho biết, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tehran trả đũa quân đội Mỹ, các binh lính Mỹ cũng không có sự tương tác đáng lo ngại nào với lực lượng hải quân Iran kể từ vụ tấn công.

Trump cần cẩn trọng

Các đơn vị hải quân từ lực lượng Vệ binh tinh nhuệ của Iran luôn theo dõi nhất cử nhất động của tàu chiến Mỹ ở vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, nơi 20% lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua. Hồi tháng 2, một số tàu cao tốc của IRGC còn tới gần tàu sân bay của Mỹ để quay film.

Tuy nhiên, ông Giorgio Cafiero, CEO của trung tâm nghiên cứu và phân tích Gulf State Analytics cho rằng Iran chỉ đang duy trì chiến lược theo dõi của mình.

"Tôi có linh cảm rằng nếu vụ tấn công (của Mỹ) chỉ là chiến dịch diễn ra một lần rồi thôi", ông Cafiero nói, "thì nhiều khả năng ta sẽ thấy phản ứng rất bình tĩnh và chừng mực của Iran".

Tại Iraq, Mỹ và Iran cùng chống lại một kẻ thù dù chiến đấu độc lập và tách biệt. Kể từ khi chiến dịch hỗ trợ, huấn luyện và không kích của Mỹ bắt đầu tại Iraq vào năm 2014, Mỹ đã hành xử thận trọng khi hỗ trợ các lực lượng trên bộ của Iraq và người Kurd trong khi tránh va chạm trực tiếp với Iran.

Có Iran ở Trung Đông, Mỹ muốn không kích Syria lần nữa cũng khó - Ảnh 2.

Quân đội Iran đang chiến đấu cùng quân chính phủ tại Syria.

Cơ chế ấy không tồn tại ở Syria. Từ trước khi Damascus bị cuốn vào cuộc nội chiến, nước này là một đối tác trọng yếu của Iran, giúp Iran củng cố vị thế trong khu vực, nơi mà người Mỹ không để lại nhiều ấn tượng.

Kể từ năm 2011, nội chiến Syria nổ ra, lực lượng Hezbollah và quân đội Iran đã chiến đấu cùng quân Chính phủ Syria, kể cả khi chính quyền Obama khẳng định Tổng thống Assad sẽ không còn tại vị được bao lâu nữa.

Dù Trump có phần kiềm chế trước nỗ lực thúc đẩy Mỹ lật đổ Assad nhưng ông cam kết sẽ đưa ra một hướng tiếp cận mạnh mẽ hơn đối Iran. 

Tổng thống Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran và đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân. Ông cũng tăng cường ủng hộ các lực lượng Ả-rập đang chiến đấu chống lại phe nổi dậy mà Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Tất cả những nỗ lực ấy khiến Washington trở nên dễ bị tấn công nếu nước này tiếp tục có những động thái quân sự nhằm vào Syria.

"Tôi không nghĩ chính quyền Trump đang cố gắng trừng phạt Iran bằng các cuộc không kích ở Syria, nhưng chắc chắn là họ đang phát ra một thông điệp mạnh mẽ", Edward Djerejian, cựu đại sứ Mỹ tại Syria và Israel nhận định.

Tuy nhiên, ông Djerejian cho rằng, Trump phải "chú ý tới động thái của Iran trong khu vực bởi họ có năng lực cản trở mọi thứ theo cách của riêng mình".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại