Vì sao Tập Cận Bình lại hành động "bất thường" tại Alaska sau hội đàm với TT Donald Trump?

Thủy Thu |

Báo Alaska Dispatch News (Mỹ) gọi Tập Cận Bình là một vị khách bất ngờ khi xuất hiện tại Alaska sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 7/4, sau khi kết thúc những cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Florida, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dừng chân tại một điểm tiếp nhiên liệu ở bang Alaska, đồng thời tiến hành gặp gỡ Thống đốc bang Bill Walker trước khi về Trung Quốc.

Tại buổi nói chuyện với Thống đốc Walker, ông Tập nhấn mạnh, hợp táckhu vực là một phần không thể thiếu để tạo nên môi trường năng động nhất trong quan hệ Trung-Mỹ.

Theo số liệu của Cục điều tra dân số Mỹ, trong năm 2016, giá trị hàng hóa Alaska xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 1,2 tỷ USD, đồng thời đất nước tỷ dân cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của bang này.

Trước chuyến dừng chân bất ngờ này của nhà lãnh đạo Trung Quốc, tờ Los Angeles Times (LA Times) cho rằng, động thái này rõ ràng thể hiện tham vọng về nguồn tài nguyên của Bắc Kinh tại khu vực Bắc Cực.

Vì sao Tập Cận Bình lại hành động bất thường tại Alaska sau hội đàm với TT Donald Trump? - Ảnh 1.

Chuyến công du Phần Lan của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung Quốc đối với Bắc Cực. (Ảnh: Reuters/VCG)

Theo LA Times, dù chính phủ Trung Quốc chưa có một chính sách rõ ràng đối với Bắc Cực nhưng khu vực cực Bắc của thế giới lại đang tồn tại nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ. Do đó, Bắc Kinh cũng sẽ xác định bản thân là một bên liên quan quan trọng tại khu vực này.

Báo Mỹ chỉ ra, những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm nghiên cứu ở Iceland - hòn đảo nằm sát Bắc Cực, đồng thời sau 6 năm quan hệ đóng băng, Bắc Kinh đã bình thường hóa quan hệ với Na Uy.

Ngoài ra, trước chuyến công du Mỹ, Tập Cận Bình đã tới thăm Phần Lan và khẳng định, hai nước sẽ tăng cường hợp tác về các vấn đề Bắc Cực, nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại khu vực này.

Theo Alaska Dispatch News (Mỹ), ông Tập là một vị khách bất ngờ và đánh giá động thái dừng chân tại Alaska rõ ràng đã nhấn mạnh tầm quan trọng về lợi ích kinh tế lâu dài của Bắc Cực đối với Trung Quốc.

"Một nguyên thủ châu Á dừng chân tiếp nhiên liệu tại Alaska trên đường về nước không phải là trường hợp quá đặc biệt nhưng ông Tập, phu nhân Bành Lệ Viện cùng hơn chục quan chức chính phủ nước này đã làm một sự việc bất bình thường.

Đó chính là di chuyển từ sân bay quốc tế Ted Stevens Anchorage vào trung tâm thủ phủ Anchorage ở lại trong vài giờ", Alaska Dispatch News viết.

Theo báo Mỹ, dù chính phủ Trung Quốc không giải thích lý do dừng lại ở Alaska nhưng nước này "rất thẳng thắn" về các cam kết kinh tế tại Bắc Cực cũng như lợi ích quốc gia của Bắc Kinh ở khu vực này.

Được biết, Trung Quốc là quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực, trong khi sang tháng sau, Phần Lan sẽ tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên của hội đồng này từ tay Washington.

Alaska Dispatch News chỉ ra, trong chuyến thăm Phần Lan, ông Tập cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác song phương trong các vấn đề Bắc Cực và tiến hành phương thức "ngoại giao gấu trúc" - tặng Phần Lan một cặp gấu trúc.

Chuyên gia John Higginbotham thuộc Đại học Carleton (Canada) nhận định, Trung Quốc đã dành rất nhiều nỗ lực để chứng minh quan hệ của mình với Bắc Cực.

Đồng thời, theo chuyên gia Canada, việc Bắc Kinh gọi cao nguyên Tây Tạng là địa cực thứ ba của thế giới chính nhằm nhấn mạnh, Trung Quốc cũng là một "quốc gia gần Bắc Cực".

Báo Mỹ nhấn mạnh, dừng chân tại Alaska đã thực hiện được mục tiêu trong chương trình nội chính của ông Tập.

Trạm dừng chân này đã tạo Tập Cận Bình một cơ hội - thể hiện bản thân là nhà lãnh đạo sáng tạo và có tầm nhìn xa về kinh tế, đồng thời chứng tỏ sự hiện diện của Trung Quốc trong tất cả các sự vụ quốc tế, Alaska Dispatch News bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại