Donald Trump và Vladimir Putin tỏ ra "hợp gu" trên khá nhiều khía cạnh, trừ Hillary Clinton. Trong khi Trump cho rằng bà không đử khỏe để làm tổng thống, dường như Putin thật sự sợ hãi Clinton.
Chứng cứ rằng Nga đang ráo riết hành động để rút ngắn cơ hội đắc cử của bà Clinton ngày càng nhiều.
Các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ khẳng định đã tìm thấy dấu vết tin tặc Nga tung lên Internet các email nội bộ đảng Dân chủ, chỉ vài giờ trước khi đại hội đảng này khai mạc hồi tháng 7.
Mới đây là vụ rò rỉ thông tin từ tài khoản cá nhân của John Podesta, chủ tịch ủy ban vận động tranh cử của Clinton.
Chính phủ Mỹ mới đây đã chính thức cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, rõ ràng nhằm mục đích gây tổn hại đến ứng viên đảng Dân chủ.
Theo CNN, trong lúc phe Donald Trump cố gắng hướng sự chú ý của cử tri vào sức khỏe Clinton, Putin coi bà là hiểm họa lớn đối với các mục đích của ông. Với Putin, việc ngăn chặn được Clinton không chỉ là mục tiêu chiến lược, mà còn là tư thù.
Vào năm 2011, Putin phải đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình gay gắt nhất kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã. Ông đã trải qua 2 nhiệm kỳ tổng thống - con số tối đa đối với một cá nhân, và nhậm chức thủ tướng vào 2008 để nắm giữ thực quyền trong tay, trong khi đồng minh của ông là Dmitry Medvedev làm tổng thống.
Rồi sau đó ông tuyên bố sẽ tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ ba. Ba tháng sau, phe đối lập nổi cơn thịnh nộ khi đảng của Putin chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu bị cáo buộc gian lận.
Giữa mùa đông Moscow buốt giá, hàng ngàn người đổ ra đường. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã công khai đứng về phía người biểu tình. Bà nói: "Nhân dân Nga, cũng như nhân dân mọi nước trên thế giới xứng đáng được bầu cử tự do, công bằng và minh bạch."
Putin hết sức giận dữ. Ông đổ lỗi cho Clinton, buộc tội bà "ra tín hiệu" cho phe đối lập.
Sự thù địch cá nhân này của Putin cũng trùng khớp với những mục tiêu chiến lược lớn hơn.
Trong những năm gần đây, các chính sách đối ngoại của Putin ngày một sắt đá. Ông liên tục thách thức Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù nền kinh tế đất nước không lớn hơn Mexico là bao, Nga đã lợi dụng sức mạnh quân sự để có ảnh hưởng lớn hơn trên chính trường quốc tế.
Theo các nhà phân tích phương Tây, Nga còn dàn dựng kế hoạch để "hạ uy tín của mô hình tự do dân chủ phương Tây, và phá hoại các quan hệ song phương xuyên Đại Tây Dương", thao túng các nước Đông Âu và "hỗ trợ phe cánh hữu" chống lại EU. Bản "chiến lược Kremlin" này bao gồm cả việc nhúng tay vào bầu cử tại Mỹ và châu Âu.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp Thủ tướng Nga Vladimir Putin ở ngoại ô Moscow, tháng 3/2010. (Ảnh: Getty Images)
Những màn đấu khẩu "tay đôi" Putin-Clinton
Ngược lại với Trump, bà Clinton nhiều lần khẳng định quan điểm đối đầu Putin quyết liệt hơn Barack Obama, tuyên bố rằng Mỹ cần tìm cách "giam giữ, quản chế và ngăn chặn sự bành trướng của Nga tại châu Âu và hơn thế nữa".
Trong các đợt bầu cử sơ bộ, Clinton hứng chỉ trích vì đã thất bại trong việc "khởi động lại" quan hệ ngoại giao với Nga dưới thời Obama. Nhưng cựu đại sứ Mỹ tại Moscow Mike McFaul cho biết, chính bà cũng hoài nghi khả năng thành công của kế hoạch đó.
Một khi bà rời nhiệm sở, Clinton lập tức mạnh mẽ chỉ trích Nga.
Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, bà Clinton gay gắt so sánh ông Putin với trùm phát xít Hitler. Về sau, ông chủ Điện Kremlin bình luận rằng bà "chẳng bao giờ nói lời dễ nghe."
Cũng giống như Putin chỉ đích danh bà, Clinton không ngần ngại "ném đá" thẳng tên ông. Trong một bài phát biểu cuối năm ngoái, bà nói: "Tôi khẳng định rằng chúng ta cần phối hợp để thực sự khiến Nga, và đặc biệt là Putin, phải trả giá đắt."
Về chính sách ngoại giao, cuộc nội chiến ở Syria đang là vấn đề nhức nhối nhất với cả Nga và Mỹ. Phía Trump đưa ra nhiều quan điểm trái chiều, nhưng tại đêm tranh luận gần đây nhất, Trump có một số tuyên bố đồng quan điểm với Putin.
Trong khi đường lối hành động của Obama quá tiết chế và không mấy hiệu quả, bà Clinton tỏ ra quyết tâm thiết lập vùng cấm bay - động thái không chỉ chống lại Syria mà còn khiêu chiến với Nga.
Bà tuyên bố rằng sẽ duy trì liên lạc với phía Nga để không xảy ra tranh chấp, và bày tỏ thiện ý muốn giữ Nga lại bàn đàm phán. Thế nhưng quan điểm này quá khác biệt so với chính sách hiện tại, và chắc chắn gây lo ngại cho Putin.
Vài năm trước, khi nhắc đến bà Clinton, Putin nói đùa rằng, "Tốt hơn là không tranh cãi với phụ nữ." Giờ đây đã rõ tại sao ông lại cố gắng hết sức để không phải tranh luận với Hillary Clinton nếu bà trở thành Tổng thống.