Động thái này được xem là phản ứng của Putin đối với chỉ trích của Tổng thống Pháp Francois Hollande về vấn đề Syria.
Nhà lãnh đạo Pháp đã đề nghị đưa Nga ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì "tội ác gây ra tại Aleppo".
Sự căng thẳng giữa Kremlin và Elysees tăng thêm khi Nga phủ quyết nghị quyết do Pháp đề xuất tại Hội đồng Bảo an LHQ nhằm buộc Nga và quân chính phủ Syria kết thúc không kích vào Aleppo.
Tổng thống Pháp Hollande (trái) là lãnh đạo G-7 đầu tiên ghé thăm Moscow ngay sau cấm vận, tiếc là Tổng thống Nga Putin không đáp lễ để tận dụng cơ hội cho nước Nga. Ảnh: Daily Mail
Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì chuyến thăm tới Pháp luôn là sự kiện quan trọng và có lợi cho Moscow lẫn cá nhân ông Putin.
Mắt xích yếu nhất của liên minh cấm vận Nga được gia cố
Pháp là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc nới lỏng cấm vận với nước Nga. Tổng thống Pháp Francois Hollande là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên ghé thăm nước Nga sau khi Mỹ và đồng minh áp lệnh cấm vận Nga bởi "sự kiện Crimea".
Có lẽ Tổng thống Putin không thể quên được lời khuyên chân thành của Tổng thống Hollande, khi người đứng đầu nước Pháp bất ngờ dừng chân tại Moskva ngày 6/12/2014 : "Có thời điểm chúng ta cần phải nắm bắt những cơ hội. Thời điểm như vậy sẽ tới".
Tiếp theo đó là ngày 28/4 vừa qua, Hạ viện Pháp đã thông qua nghị quyết kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Liên bang Nga. Đồng thời Hạ viện nước này cũng có nghị quyết kêu gọi chính quyền Tổng thống Hollande chấm dứt việc cấm vận kinh tế đối với nước Nga.
Mặc dù những nghị quyết của Hạ viện Pháp không ràng buộc thực hiện, nhưng cho thấy những người Pháp ở "chiến tuyến bên kia" đã tìm mọi cách giúp nước Nga thoát vòng cấm vận. Vận động hành lang được xem là rất quan trọng để có được quyết định mang tính pháp lý.
Ngay cả cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy – ứng viên tương lai trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 cũng tìm cách giúp Moscow. Khi gặp giới lãnh đạo Nga tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 2016, ông Sarkozy đã đề xuất biện pháp để nước Nga từng bước thoát ra.
Điều đó cho thấy, bộ phận không nhỏ trong hệ thống chính trị của nước Pháp đã ủng hộ nỗ lực hòa dịu với Nga. Và Pháp đã trở thành mắt xích yếu nhất của liên minh cấm vận bao quanh nước Nga, chứ không phải là Đức hay Italia.
Điện Elysees chỉ trích Kremlin trong cuộc chiến Syria xuất phát từ đánh giá tình hình thực tế, do vậy chuyến thăm đến Pháp là cơ hội để Putin làm sáng tỏ vấn đề với Paris. Nay thì cơ hội đã trôi qua và quan hệ Moscow – Paris có thể sẽ xấu hơn, gây bất lợi cho nước Nga.
Quyết định hủy chuyến công du Pháp là phản ứng dễ lý giải của Moscow về phương diện ngoại giao, nhưng nó đẩy Nga vào tình thế khó khăn hơn. Mất đi sự ủng hộ của Paris là một thiệt hại rất lớn cho nước Nga thời cấm vận.
Nga thiệt, Mỹ-Trung đều được lợi?
Cả Tập Cận Bình và Obama đều có thể hưởng lợi từ những quyết định gần đây của Putin? (Ảnh minh họa: The Times)
Việc Tổng thống Putin huỷ chuyến công du tới Pháp có thể khiến Washington như mở cờ trong bụng. Trong việc đối phó với Nga lúc này, nỗi lo lớn nhất của Mỹ là liên minh cấm vận bị phá vỡ. Và ván cờ Syria giúp Putin có thể đưa nước Nga thoát cấm vận theo cách này.
Khi Kremlin phủ quyết nghị quyết do Pháp đệ trình thì Washington có thể yên tâm phần nào, song nước Pháp vẫn là mắt xích yếu trong liên minh cấm vận, vì vậy nếu Putin đến Paris thì việc phủ quyết có thể được hoá giải. Bởi Pháp thừa hiểu Moscow phủ quyết là đương nhiên, dù họ đã cảnh báo Nga về việc sử dụng quyền này.
Việc Putin đình chỉ Hiệp ước cắt giảm hạt nhân cùng quyết định việc hủy chuyến thăm Pháp đã giúp Washington có thể đảo ngược thế cờ với Moscow.
Không những vậy, Trung Quốc cũng được hưởng nhiều lợi ích trong tình huống này. Bởi lẽ hiện nay trong G-7, ngoài Mỹ là đối thủ chung của liên minh Nga – Trung, thì Moscow rất khó kết nối với các thành viên còn lại sau khi đình chỉ Hiệp ước cắt giảm hạt nhân Nga – Mỹ.
Nếu Putin thăm Pháp thì Moscow vẫn còn cửa để bước vào G-7, song nay thì cửa đã hẹp lại. Nga vẫn còn một cơ hội khi Putin đến thăm Nhật Bản dự kiến vào tháng 12 tới, tuy nhiên nếu căng thẳng Nga-phương Tây tiếp tục leo thang thì chưa thể đoán trước tình hình.
Càng xa G-7 thì Moscow càng phụ thuộc Bắc Kinh. Đây là cơ hội tốt để Trung Quốc buộc Nga phải gắn chặt quyền lợi với người bạn lớn này.
Từ đó Bắc Kinh có thể khiến cho Moscow rơi vào cảnh "cốc mò cò xơi": Xung đột giữa Nga với phương Tây càng gia tăng thì lợi ích chạy về Trung Quốc càng nhiều.
Ở một diễn biến khác, hệ quả từ các phản ứng cứng rắn của Nga đối với phương Tây về vấn đề Syria đã bắt đầu hiện hữu khi ngày 16/10, Mỹ và Anh tuyên bố đang xem xét khả năng áp thêm các lệnh cấm vận kinh tế lên Nga vì những gì đang diễn ra ở Aleppo.