Bán S-400 cho Ấn Độ, Nga đang công khai thách thức Mỹ
Thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không tiên tiến S-400 trị giá 5,4 tỷ USD giữa Nga cho Ấn Độ - một đồng minh chủ chốt của Washington trong khu vực được nhìn nhận như một hành động thách thức công khai vị thế thống lĩnh quốc phòng của Mỹ.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang nỗ lực sắp xếp lại các ưu tiên quân sự để đối phó với sự phát triển "thần tốc" của cả Nga và Trung Quốc, hai quốc gia được Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xem là những đối thủ cạnh tranh ngang tầm.
S-400, tổ hợp tên lửa mà Moscow cũng đang cố gắng bán cho Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh chủ chốt khác của Mỹ, là một trong những hệ thống phòng thủ hàng đầu của Nga.
Những đồn đoán về khả năng tấn công của S-400 đã khiến các tư lệnh quân sự Mỹ lo ngại. Trên thực địa, S-400 được triển khai phối hợp cùng với một mạng lưới radar và các hệ thống tên lửa khác bộc lộ mối đe dọa to lớn tới khả năng hoạt động tự do và không giới hạn của Quân đội Mỹ khi tác chiến.
Việc sắp xếp lại các ưu tiên quân sự, hướng mục tiêu vào đối phó với Nga và Trung Quốc đang được Lầu Năm Góc thúc đẩy trên nhiều mặt trận. Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ sớm công bố một báo cáo chiến lược quân sự mới theo hướng bố trí lại các lực quân sự đóng quân trên toàn cầu.
Những kiến nghị cuối cùng về vấn đề này đã được Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đề xuất. Theo đó, Mỹ sẽ dịch chuyển binh lính và trang thiết bị trên khắp thế giới, từ chỗ chỉ ưu tiên cho nhiệm vụ chống khủng bố ở Trung Đông sang tập trung lớn hơn cho mục tiêu đối phó với Nga và Trung Quốc.
Một đề xuất bí mật nhằm tăng cường sức mạnh hải quân và không quân chống Trung Quốc và có thể là cả Nga cũng đang được Washington xem xét.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400
Một quan chức quốc phòng Mỹ đã mô tả đây là một phần của nỗ lực gia tăng sức ép để cả Moscow và Bắc Kinh phải hiểu rằng, họ luôn phải đối phó với Mỹ trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ là ở những lĩnh vực công nghệ mà họ cho rằng mình có ưu thế hay là chỉ giới hạn ở các chiến dịch quân sự quy mô khu vực.
Tất cả những chủ trương này có khả năng dẫn tới việc cắt giảm lực lượng Mỹ ở châu Phi và Trung Đông. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ khẳng định điều này sẽ không gây ra vấn đề gì lớn với các hoạt động quân sự mà ông phụ trách ở Vịnh Péc-xíc, Iraq, Syria và Afghanistan.
"Chúng tôi đang ở trong kỷ nguyên mới cạnh tranh với các cường quốc và chúng tôi sẽ lập kế hoạch tương ứng", Tướng Joseph Votel cho biết.
Nga tấn công bằng tên lửa siêu thanh, Mỹ không thể chống đỡ
Thương vụ bán các hệ thống phòng không S-400 của Nga cho Ấn Độ chỉ là một trong những nỗ lực phô trương "sức mạnh cơ bắp" mới nhất của Moscow nhưng sẽ khiến Mỹ gặp nhiều thách thức hơn khi phải đối phó với quân đội Nga.
Ngoài ra, cũng đang xuất hiện mối lo ngại rằng những bước phát triển của hạm đội tàu ngầm Nga sẽ khiến Washington sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện ra hoạt động của chúng hơn, qua đó giúp Moscow có thể di chuyển tự do và bí mật đưa lực lượng tàu ngầm này tới sát bờ biển nước Mỹ.
Theo Đô Đốc James Foggo, Tư lệnh các lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu, tàu ngầm Nga hoạt động trên biển Địa Trung Hải cũng đang được trang bị loại tên lửa có thể tấn công bất cứ thủ đô nào nằm sâu trong đất liền ở châu lục này.
Nhận xét về những tiến triển gần đây của Hải quân Nga, Đô đốc Foggo cho biết: "Đó là một mối lo ngại đối với tôi và cũng là một mối lo ngại với các thành viên NATO và quốc gia bạn bè. Vì vậy, chúng tôi cần phải biết được vị trí của các tàu ngầm Nga theo thời gian thực".
SS-18 Satan - loại IBM nặng nhất, mạnh nhất thế giới của Nga. Ảnh: Military Today
Ngay trong tháng trước, Đô đốc Foggo cũng đã lên tiếng cảnh báo về công nghệ tàu ngầm Nga. "Tôi nghĩ các tàu ngầm Nga ngày nay thuộc dạng yêu tĩnh nhất và chết người nhất thế giới".
Chưa hết, Nga còn đang thách thức NATO và Mỹ bằng một loại tên lửa hành trình khác phóng từ mặt đất mà Washington từ lâu vẫn cáo buộc là vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ trang INF.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng, những tiến bộ công nghệ của Nga trong lĩnh vực tàu ngầm và một số loại vũ khí mới đang buộc Lầu Năm Góc phải tìm cách đối phó.
Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc đều đang đẩy mạnh nỗ lực phát triển các tên lửa siêu thanh có thể bay nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh.
Mỹ cũng đang nghiên cứu những vũ khi siêu thanh dạng này. Nhưng hiện nay, vấn đề nằm ở chỗ, trong cuộc chạy đua này, nước nào sẽ thành công trước.
Ở thời điểm hiện tại, phóng viên Barbara Starr phụ trách các vấn đề quân sự và chính trị của kênh truyền hình CNN cho rằng, Mỹ đang không có một hệ thống phòng thủ nào có thể chống trả được một đòn tấn công bằng những dạng vũ khí như vậy nếu điều đó thực sự diễn ra.
ICBM RS-28 Sarmat (Satan 2) có thể phá hủy cả các thành phố như Texas, Mỹ