CIA giải mật, thán phục sự thông minh về thiết bị bí ẩn Liên Xô theo dõi tàu ngầm Mỹ

Trung Phạm |

Trong khi Mỹ và NATO dồn cả trí tuệ, công sức và tiền bạc vào hệ thống sonar thì Liên Xô lại chế tạo ra một thiết bị hoàn toàn khác.

Cuối những năm 1980, Liên Xô công bố một chiến tích mà rất nhiều chuyên gia quân sự cho là điều bất khả thi.

Đó là sự việc K-147, chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Victor đã bí mật bám theo vệt di chuyển của một tàu ngầm hạt nhân Mỹ (nhiều khả năng là chiếc USS Simon Bolivar) trong một cuộc rượt đuổi dưới nước kéo dài tới 6 ngày.

Giới quan sát Mỹ thời điểm đó cho rằng Liên Xô vẫn còn rất thiếu các công nghệ sonar hiệu quả, nhất là so với Mỹ và các nước đồng minh NATO.

Nhưng giờ đây, một báo cáo mới giải mật của CIA cho thấy các tàu ngầm "thợ săn" như K-147 đã thực hiện được sứ mệnh bí mật bám đuôi các tàu ngầm Mỹ mà lại chẳng cần tới việc phải sử dụng sonar.

Phòng Tình báo khoa học và Công nghệ của CIA đã đưa ra báo cáo về khả năng tác chiến ngầm của Liên Xô từ năm 1972 nhưng nó chỉ vừa mới được giải mật vào mùa Hè này. Thậm chí, dù đã 45 năm trôi qua, nhiều dòng, đoạn, thậm chí cả trang giấy trong báo cáo vẫn bị tẩy xóa.

Một phần khá dài về công nghệ mà Liên Xô đang phát triển khi đó đã tiết lộ nhiều chi tiết chưa từng được biết đến trước đây về các thiết bị mà ở phương Tây không có loại nào tương ứng. Trong khi NATO dồn cả trí tuệ và công sức vào hệ thống sonar thì người Liên Xô lại chế tạo ra một thiết bị hoàn toàn khác.

Theo dõi tàu ngầm phải là Sonar?

Nước biển là vật cản đối với sóng vô tuyến, và bởi vậy dù radar phát huy hiệu quả rất tốt trên không nhưng nó lại trở nên vô dụng ở dưới nước. Ngược lại, sóng âm lan truyền tốt trong môi trường nước hơn là trên không. Vì vậy, ngay từ Thế chiến thứ Nhất, chúng đã được sử dụng để săn tìm tàu ngầm.

Có hai loại sonar cơ bản: chủ động và thụ động. Sonar chủ động phát đi các xung sóng (ping) và thu âm vọng lại, giống như phiên bản dưới nước của radar. Ngược lại, sonar thụ đông dựa vào các thiết bị nghe để thu âm thanh phát ra từ máy phát điện hoặc động cơ tàu ngầm. Đặc biệt, không giống với sonar chủ động, sonar thụ động không để lộ vị trí nguồn phát.

Tùy thuộc từng điều kiện, sonar có thể phát hiện được một tàu ngầm từ khoảng cách nhiều hải lý, ở bất cứ hướng nào.

Mỹ và đồng minh đã phát triển các hệ thống sonar tinh vi, hiệu quả tới mức các biện pháp phát hiện tàu ngầm khác đều bị bỏ qua hoặc bị lãng quên. Trong nhiều thập kỷ, các giải pháp phi sóng âm đều bị coi là thua kém hơn so với sonar do hạn chế về tầm vươn xa và mức độ tin cậy.

"Rất ít khả năng, bất kỳ biện pháp nào như vậy lại có thể phát hiện được tàu ngầm ở những khoảng cách xa", báo cáo tình báo năm 1974 của CIA kết luận.

Thế nhưng ở Liên Xô, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Người Xô Viết, với kỹ thuật điện tử lạc hậu hơn, đã không làm sonar mà đi theo một hướng khác. Thay vì sonar, họ đã phát triển được các giải pháp phát hiện tàu ngầm cực kỳ thông minh.

CIA giải mật, thán phục sự thông minh về thiết bị bí ẩn Liên Xô theo dõi tàu ngầm Mỹ - Ảnh 1.

Hệ thống SOKS đầy bí ẩn trên tàu ngầm Liên Xô. Ảnh: Popular Mechanics



SOKS – công nghệ đầy bí ẩn của Liên Xô

Một biện pháp như vậy được nhấn mạnh trong báo cáo của CIA là "hệ thống phát hiện sóng dao động" (System Obnarujenia Kilvaternovo Sleda - SOKS) đầy bí ẩn của Liên Xô.

Được lắp đặt cho các tàu ngầm tấn công, thiết bị này bám theo vệt rẽ nước mà tàu ngầm để lại phía sau. SOKS thực tế đã xuất hiện trong ảnh chụp các tàu ngầm của Nga, nhìn giống như những chiếc đinh nhọn hoặc đầu đạn cỡ to gắn bên ngoài thân tàu.

Việc Liên Xô tuyên bố có thể theo dõi được các tàu ngầm mà không cần tới sonar nghe giống như kiểu "chiếc thùng rỗng kêu to" nhưng khi không biết SOKS hoạt động như thế nào thì để đưa ra được một đánh giá thực tế là điều không thể.

Lầu Năm Góc giữ bí mật hoàn toàn lĩnh vực nghiên cứu này còn các nhà khoa học thì lại không nói gì về nó. Có một số đồn đoán bên ngoài nước Nga về SOKS được đưa ra nhưng đều không thống nhất và thường mâu thuẫn. Một số cho rằng SOKS đã đo đạc những thay đổi về mật độ nước hoặc phóng xạ thu được hay thậm chí sử dụng cảm biến laser.

Cái mà phương Tây biết được chắn chắn là SOKS xuất hiện lần đầu tiên năm 1969 trên chiếc K-14, một tàu ngầm lớp November. Sau đó, nhiều biến thể với các bí danh như Colossus, Toucan và Bullfinch đã từng xuất hiện trên mỗi thế hệ tàu ngầm tấn công mới của Liên Xô và Nga, gồm cả lớp Akula và Yasen.

Theo các tài liệu mới được giải mật, những tin đồn ngày trước chính xác ở một điểm, đó là Liên Xô đã không chỉ phát triển một mà là một vài thiết bị phát hiện tàu ngầm. Có công cụ thu các nuclit phóng xạ vương lại từ nhà máy điện hạt nhân của tàu ngầm. Hay một công cụ khác gọi là "quang phổ kế tia gamma" phát hiện vệt các nguyên tố phóng xạ còn lưu lại trong nước biển.

"Người Liên Xô được cho là đã thành công trong việc phát hiện chính các tàu ngầm hạt nhân của họ (một số từ bị xóa) bằng hệ thống như vậy", tài liệu của CIA viết.

Một lò phản ứng hạt nhân thường lưu lại phía sau hàng tấn nhiệt. Theo báo cáo trên, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cỡ lớn phải cần tới "vài ngàn gallon chất lỏng làm nguội mỗi phút". Loại nước dùng để làm mát tàu ngầm này có thể nóng hơn nước biển xung quanh 10 độ C, tạo ra một sự biến đổi về chỉ số khúc xạ của nước và sự thay đổi này có thể phát hiện được bằng một hệ thống liên lạc quang học.

Liên Xô đã làm chính xác như thế.

"Một hệ thống định vị dựa và kỹ thuật này, có thể phát hiện các sóng dao động sau cả vài giờ khi tàu ngầm đã đi qua, về lý thuyết hiện đã được phát triển", bản báo cáo của CIA viết, mặc dù chưa rõ liệu Nga đã làm được hay chưa.

CIA giải mật, thán phục sự thông minh về thiết bị bí ẩn Liên Xô theo dõi tàu ngầm Mỹ - Ảnh 2.

Hệ thống SOKS đầy bí ẩn trên tàu ngầm Liên Xô. Ảnh: Popular Mechanics


Thực hư chưa thể giải mã

Dù rất nhiều kỹ thuật dạng này đã được bàn luận tới trước đây nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy loại nào là lý thuyết và loại nào thực sự đã được sử dụng.

"Báo cáo đặt quá nhiều sự tin tưởng vào các hệ thống phát hiện tàu ngầm mà nhiều người vẫn cho rằng nó không khác gì điều hoang tưởng", chuyên gia phân tích quốc phòng Jacob Gunnarson nói với Popular Mechanics.

Trước đó, một nghiên cứu năm 1994 của Mỹ bày tỏ hoài nghi về việc liệu các sóng dao động của tàu ngầm có thể phát hiện được hay không, đã cho rằng "có hay không hiện tượng thủy động lực có thể phát hiện được vẫn là câu hỏi mở’.

Các cảm biến sẽ không chỉ nói đơn giản rằng "đấy là chiếc tàu ngầm", mà sẽ thu về một chuỗi dữ liệu số. Để lọc ra dấu hiệu một chiếc tàu ngầm từ tiếng động nền trong kho dữ liệu đó phải cần tới công suất tính toán lớn, và báo cáo nhấn mạnh rằng, trong những năm 1970, Liên Xô còn xa mới bắt kịp lĩnh vực này.

Ngày nay, Nga có thể sở hữu các máy tính thương mại mạnh gấp hàng nghìn lần, hơn bất cứ máy nào từng có khi đó, và có thể đã gia tăng đáng kể tính năng cho SOKS.

Bản báo cáo cho thấy, thậm chí ngay từ năm 1972 các cơ quan tình báo cũng đã nhận thức được cách thức các tàu ngầm Mỹ có thể bị theo dõi. Các giải pháp chống trả nhiều khả năng đã được xây dựng từ thời điểm đó, chẳng hạn như giảm bớt dấu vết hóa chất và phóng xạ. Điều đó giải thích tại sao phải 45 năm sau tài liệu này mới được đưa ra ánh sáng.

Các phiên bản mới của những công nghệ này chắc chắn đã ưu việt hơn rất nhiều các "bậc tiền bối". Nhiều tài liệu khoa học gần đây cho thấy Trung Quốc hiện đang nghiên cứu công nghệ tàu ngầm mới và ngay cả Hải Quân Mỹ và DARPA cũng bắt đầu quan tâm tới việc theo dõi sóng dao động. Nghĩa là công nghệ này không hẳn đã kém hơn như những suy nghĩ trước đây.

Liệu Nga vẫn có thể âm thầm theo dõi được các tàu ngầm của Mỹ hay liệu Mỹ đã tìm được cách thức đối phó hay chưa vẫn chưa thể biết được. Có lẽ, sẽ cần phải chờ thêm 45 năm nữa mới lại có câu trả lời và khi đó, nhiều thông tin, có lẽ vẫn sẽ bị xóa.

Video cách thức che giấu tàu ngầm bằng sonar và radar

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại