Chuyến thăm của Quốc vương Saudi Arabia đến Moscow: Cái bắt tay thay đổi lịch sử

Người đưa tin |

Nếu cách đây 2 năm, chuyện Quốc vương Salman gặp mặt Tổng thống Putin chỉ là chuyện không tưởng, thì giờ đây mọi thứ đang là sự thật.

Hợp tác 1 tỷ USD sau ngày gặp đầu tiên

Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày, nhà vua Saudi Arabia đã gặp mặt Tổng thống Vladimir Putin và có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo nước Nga tại Điện Kremlin.

Chương trình nghị sự giữa người đứng đầu hai nước chủ yếu tập trung vào diễn biến của thị trường dầu mỏ toàn cầu và cuộc xung đột ở Syria.

Điều đáng nói, mối quan hệ Saudi Arabia và Nga thường xuyên căng thẳng trong quá khứ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Saudi Arabia đứng đằng sau hậu thuẫn phiến quân chống lại Chính phủ Afghanistan được Liên Xô giúp đỡ.

Gần đây, bất đồng giữa hai bên leo thang cùng với cuộc chiến ở Syria. Nga kiên quyết ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Saudi Arabia tiếp tục hậu thuẫn cho phe đối lập.

Theo thời gian, mối quan hệ đã đảo chiều và được cải thiện. Hai quốc gia đối địch đã bắt đầu cải thiện trong thời gian gần đây nhờ nỗ lực hàn gắn từ người thừa kế vua Salman là Thái tử Mohammed bin Salman, sau vài lần gặp mặt Tổng thống Putin.

Sự phá băng quan hệ giữa Moscow và Riyadh sẽ tiến tới thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu mỏ và vực dậy giá dầu thô khi tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa - OPEC và 10 quốc gia sản xuất dầu mỏ khác, bao gồm cả Nga sẽ đồng ý cắt giảm sản lượng.

Tháp tùng chuyến đi của Quốc vương Salman là phái đoàn lớn các doanh nhân Ả Rập. Hai bên dự kiến sẽ đàm phán nhiều thương vụ đầu tư mới, kể cả trong lĩnh vực năng lượng. Saudi Arabia được cho là muốn tìm đến công nghệ điện hạt nhân của Nga và sẵn sàng mở rộng hạn ngạch nhập khẩu thực phẩm từ quốc gia này.

Sau buổi làm việc đầu tiên, hai nước đã phát động một quỹ đầu tư năng lượng trị giá 1 tỷ USD mà bước đầu sẽ được triển khai vào các dự án khí thiên nhiên và nhà máy hóa dầu. Đáng chú ý nhất trong chuyến thăm lần này là việc Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận mua bán Hệ thống tên lửa S-400 tân tiến của Nga.

Hai bên cũng ký một biên bản ghi nhớ để giúp Riyadh phát triển các ngành công nghiệp quân sự của riêng mình.

Trong khi Riyadh vẫn duy trì liên minh chiến lược với Mỹ, quốc gia vùng Vịnh bắt đầu tìm cách cải thiện quan hệ với Nga trong một nỗ lực để chống lại ảnh hưởng từ đối thủ Iran.

Khi được hỏi về triển vọng quan hệ với Riyadh trong cuộc thảo luận tại một Hội nghị quốc tế về năng lượng vài ngày trước, Tổng thống Putin cho biết, Moscow không nghĩ rằng quan hệ chiến lược giữa Mỹ và các quốc gia Ả Rập là trở ngại cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Saudi Arabia.

Ông nhấn mạnh, mọi liên minh đều sẽ có lúc thay đổi. "Có điều gì trên thế giới này không thay đổi?", ông Putin nói. "Tôi nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều sẽ thay đổi".

"Một số nhà lãnh đạo vùng Vịnh tới thăm Moscow đều đặn hơn vì một lý do đơn giản: Nga đang dần biến mình trở thành một quyền lực đầy tiếng nói ở Trung Đông - đặc biệt là ở Syria - giống như Mỹ", chuyên gia Brian Katulis từ trung tâm Tiến bộ Mỹ nhận xét.

Chuyến thăm của Quốc vương Saudi Arabia đến Moscow: Cái bắt tay thay đổi lịch sử - Ảnh 1.

Sự có mặt của Nga đã thay đổi hoàn toàn cục diện ở Syria.

Các nhà phân tích nói rằng chuyến đi của Quốc vương Salman đến Moscow là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy, chiến lược của Nga tại khu vực Trung Đông đã đơm hoa kết trái, bao gồm cả những nỗ lực xương máu trong cuộc chiến phức tạp ở Syria cũng đã được đền đáp xứng đáng.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin ca ngợi chuyến thăm của nhà vua Ả Rập là một sự kiện "mang tính bước ngoặt". Trong khi đó, Quốc vương Salman ca ngợi Nga là một "dân tộc thân thiện" và tuyên bố, nước ông cam kết tăng cường quan hệ "vì lợi ích của hòa bình và an ninh".

Nga đang lấp đầy khoảng trống ở Trung Đông

Anna Borshchevskaya, nhà nghiên cứu tại viện Chính sách Cận Đông ở Washington phân tích, Nga sẽ không có khả năng thay thế Mỹ trở thành đồng minh chiến lược của Saudi Arabia. Tuy nhiên, Moscow có thể lấp đầy những khoảng trống mà Mỹ không thể đáp ứng đối với các đối tác của họ ở Trung Đông.

Tờ TIME đánh giá, chuyến thăm là minh chứng cho thấy Chính phủ Ả Rập đang theo đuổi một cách tiếp cận cân bằng hơn giữa sự cạnh tranh Mỹ-Nga trên sân khấu toàn cầu, một động thái đang đặt ra câu hỏi về mặt chiến lược cho Washington.

Quan hệ Ả Rập - Mỹ trở nên căng thẳng dưới thời chính quyền Obama sau khi Washington ủng hộ một thỏa thuận hạt nhân với Iran và lạc lối trong cuộc xung đột ở Syria.

Dưới sự điều hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan hệ với Riyadh tiếp tục đặt dấu hỏi sau khi Washington cho thấy chính sách mới ở Syria sẽ tập trung vào chiến đấu chống lại IS và không còn ưu tiên lật đổ chính quyền Assad.

Sau chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Trump, niềm tin của Riyadh cũng đã nhạt dần khi Washington phải vật lộn tìm cách kiềm chế Iran mà không thu được nhiều kết quả.

"Người Nga mong muốn tạo ra hình ảnh của một cường quốc trong khu vực Trung Đông", ông Yury Barmin, một chuyên gia về quan hệ Nga ở Trung Đông, nói từ Moscow. "Họ đang tìm cách để tạo ra bối cảnh mới, tạo ra quan hệ đối tác mới, nơi họ có thể được coi là một cường quốc có tầm ảnh hưởng", ông nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại