Khi sinh viên đi ăn cơm 2.000 đồng với tâm thế của "mấy chị tiểu thương"
Cách đây khoảng chục năm, tôi đến một trong những quán ăn từ thiện đầu tiên tại Sài Gòn. Quán do nhóm "Người tôi cưu mang" mở ra, tuần 3 ngày cho những người nghèo khó lỡ bữa. Họ là những anh chị doanh nhân thành công cùng gia đình, bạn bè của họ.
Hôm tôi đến, một chị tổng giám đốc ngân hàng là trưởng nhóm dẫn con gái khoảng 8 tuổi đến cùng phục vụ với mẹ để - theo chị nói - bé được chứng kiến và thấu hiểu cuộc sống, làm giàu lòng nhân ái với người kém may mắn hơn mình.
Các quán Nụ cười 2.000 đồng sau đó, tôi được biết là học theo mô hình này.
Tôi và vài người khác có vẻ khá lạc lõng giữa dòng người hầu hết già lão và nhìn bộ dạng cũng biết làm nghề gì: có những người ăn mày, lượm ve chai, bán vé số… Trông họ lam lũ và mặc cảm.
Cũng có vài phụ nữ mà sau đó tôi được biết là tiểu thương buôn bán ở gần đó, nhưng vô quán từ thiện ăn khá thường xuyên vì làm biếng nấu nướng, hoặc không muốn bỏ tiền ra mua bữa trưa với giá cao hơn. Thậm chí có người là chủ tiệm ở mặt tiền đường.
Buổi trưa ở quán cơm 2.000 có rất đông người xếp hàng.
Các anh chị phục vụ quán nói cho tôi biết điều đó. Họ cũng nói dù thâm tâm rất khó chịu nhưng không ai "đuổi" những người rõ ràng là dư điều kiện và hoàn toàn không đáp ứng các điều kiện phục vụ của quán đi cả. Vì ngại họ có thể gây phiền hà, các anh chị để họ tự hiểu.
Tự cảm thấy bề ngoài của mình có vẻ lạc lõng, nhưng tôi không xấu hổ, vì tôi đến ăn ở quán này không phải để giành một bữa ăn với người nghèo khó hơn mình, mà muốn tự thân trải nghiệm thực tế và sau đó, gửi lại quán một số tiền nhỏ để phụ với các anh chị.
Chắc chắn trong số những sinh viên đến ăn ở quán 2.000 đồng hôm kia, có những em đi ăn với tâm thế như tôi.
Nhưng chắc chắn cũng có những em đi ăn với tâm thế như vài chị tiểu thương nói trên.
Luật sư A, người cũng mở quán cơm 2.000 đồng ở một thành phố nhỏ miền Trung thừa nhận trong những ngày đầu khai trương có (khá đông) sinh viên/học sinh đến ăn chỉ vì tò mò và muốn chụp hình up facebook như một thứ trào lưu nhưng thực chất rất hời hợt.
Hỏi, các em thừa nhận không hề nghĩ đến việc trải nghiệm một kinh nghiệm sống, hay muốn thấm thía cảm giác bình đẳng "người với người đều là anh em".
Hình ảnh nhiều sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện do anh Tuấn Anh đăng lên mạng.
Trong nhiều bình luận trên mạng xã hội hai hôm nay, có những lập luận bênh vực cho việc vì sao cao lớn, khỏe mạnh mà vẫn đi ăn cơm từ thiện 2.000 đồng, như thế này:
- Chủ quán không lên án, mắc mớ gì mấy người lên án?
- Phơi đầu giữa trưa như mực một nắng ăn dĩa cơm mà cũng bị chửi?
- Sinh viên xa nhà nghèo khổ, cái gì cũng thiếu, lúc có tiền thì lo cho bạn, lúc không có tiền thì bạn lo cho mình, sao phải suy diễn xa quá vậy?
- Sinh viên nghèo giờ ăn cơm từ thiện mai mốt thành đạt đi từ thiện lại, vậy cũng là công bằng.
- Sinh viên sức dài vai rộng thì làm sao? Đang tuổi ăn tuổi học, bắt đi làm thêm thì lấy sức đâu mà học? Còn tập trung học hành thì lấy tiền đâu mà ăn?
Chúng tôi cũng từng là sinh viên hết cả đấy. Chúng tôi cũng xa nhà cả đấy. Chúng tôi cũng đi làm thêm quần quật để vừa có tiền chi tiêu riêng đỡ phải xin cha mẹ, vừa để trải nghiệm xã hội và có thêm mối quan hệ. Sinh viên đi học ở nước ngoài thì ngoài một số rất ít có cha mẹ giàu có bảo bọc, hầu hết đều vừa học vừa làm, hoặc vừa học-vừa làm-vừa tham gia thiện nguyện.
Học là để trở thành người toàn diện, có hiểu biết xã hội, có kỹ năng sống đủ nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc, chứ không phải để ra lò một mớ gà công nghiệp, ngoài kiến thức trong sách ra thì ngác ngác ngơ ngơ. Không có thang điểm nào đủ sức đánh giá cho những trải nghiệm xã hội hết, nó là vô giá.
Số lượng sinh viên xếp hàng đến ăn cơm từ thiện mỗi ngày khá nhiều.
Mình túm lại nhé! Là sinh viên thì có được vào ăn cơm từ thiện không?
- Có, nhưng chỉ khi ngặt nghèo thôi nhé.
Tại sao phân biệt đối xử vậy?
- Vì luôn sẵn hàng trăm công việc dành cho người trẻ trung, khỏe mạnh, có học vấn: bán hàng, phát báo, phục vụ quán ăn, gia sư, trợ giảng, giúp việc nhà/giữ em theo giờ, chạy xe ôm, giao hàng, phụ làm hàng gia công…
Sắp xếp thời gian cho những nhu cầu thực sự cần thiết, chắc chắn các bạn sinh viên sẽ kiếm đủ bữa ăn hàng ngày, thậm chí trang trải mọi khoản chi tiêu cho mình. Hỏi Mr. Google một cái đi, bạn sẽ thấy hàng tỉ tấm gương như vậy xung quanh.
Còn những người già neo đơn, tàn tật, lượm ve chai, bán vé số, xin ăn... , họ phải đổi toàn bộ sức lực lấy miếng ăn hàng ngày. Họ không có nguồn bảo hiểm hay thu nhập nào khác cả. Nhiều người không có gia đình để nhờ cậy. Họ nhiều bệnh tật. Một ngày mưa là một ngày họ có thể bị đói. Vì vậy, họ mới chính là đối tượng để xã hội chia sẻ, giúp đỡ, cưu mang.
Còn tụi mình, nam thanh nữ tú, đủ tuổi trưởng thành rồi, và được đi học đại học thì phải suy nghĩ và thực hành theo hướng sẽ trở thành những trụ cột vững chắc trước hết cho những người yếu thế nương tựa vào. Rất nên tới những quán cơm từ thiện, nhưng là để phục vụ, để học thêm ở một trường đại học rộng lớn khác ngoài trường bạn đang theo học.
Mà ai biết đâu được, bạn học được cả chữ yêu ở đó nữa, vì tôi biết có nhiều cô gái xinh xắn và từ tâm cũng hay đi làm thiện nguyện.
* Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của nhà báo Hoàng Xuân (Hiện đang sống và làm việc tại TP. HCM)